Qua những trọng án tình cảm, bàn chuyện trang bị kiến thức, kỹ năng khi "chia tay"

(PLVN) - Vụ án nam thanh niên bắt xe từ TP HCM đến tỉnh Đắk Lắk, sau đó đóng giả lái xe grab rồi dùng dao đâm mẹ bạn gái trọng thương để trả thù tình thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những vụ án liên quan đến ghen tuông, hận tình chưa có chiều hướng giảm. Cùng các chuyên gia tâm lý, tội phạm bàn các giải pháp làm thế nào để ngăn chặn những vụ án hận tình này?
Đối tượng Long Thanh Tú đâm mẹ của bạn gái
Đối tượng Long Thanh Tú đâm mẹ của bạn gái

Sát hại cha của bạn gái vì cho rằng bị cấm yêu

Vụ án xảy ra ngày 18/1/2020 trên địa bàn khu dân cư Giang Thượng, phường Tân Dân, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Hung thủ giết người được xác định là Phạm Văn Thao (SN 1989, người địa phương), hiện không có nghề nghiệp ổn định. Nạn nhân bị đâm tử vong là ông Phạm Đức Thà (SN 1975 ở khu dân cư Giang Thượng, phường Tân Dân, TP Chí Linh). Thời gian gần đây, Thao nảy sinh tình cảm với người con gái lớn của ông Phạm Đức Thà nhưng không được chấp nhận.

Đối tượng Phạm Văn Thao sát hại cha của "người trong mộng"
Đối tượng Phạm Văn Thao sát hại cha của "người trong mộng"

Khoảng 15h30 ngày 18/1, Thao cầm một con dao đến nhà ông Thà để nói chuyện và xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Thao đã dùng dao đâm ông Thà sau đó bỏ về. Đến khoảng 16h cùng ngày, người dân mới phát hiện và đưa ông Thà đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong do mất máu quá nhiều. Hiện vụ án đang được Công an tỉnh Hải Dương điều tra, làm rõ. 

Bị chia tay, đâm mẹ của người yêu 

Vừa qua VKSND TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Long Thanh Tú (SN 1991, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) để điều tra về hành vi giết người. Theo kết quả điều tra ban đầu, năm 2017, Tú và chị T.T.H.T. (SN 1992, ngụ phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột) có quan hệ tình cảm với nhau.

Sau khi quen chị T., Tú bắt đầu làm việc ở cửa hàng nội thất của gia đình chị T. tại TP.Buôn Ma Thuột. Đến tháng 12/2019, Tú nghi ngờ chị T. có qua lại tình cảm với một người đàn ông khác nhưng chị T. phủ nhận. Rồi, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chị T. lại công khai chuyện nợ nần về các giao dịch của Tú trong việc mua bán nội thất. Từ đó, Tú bắt đầu mâu thuẫn với chị T., mang theo mối hận và có ý định trả thù.

Để thực hiện ý định của mình, ngày 8/2, Tú bắt xe từ TP HCM đến TP Buôn Ma Thuột thuê nhà trọ và đóng giả lái xe grab để tiện cho việc theo dõi chị T. Tối ngày 11/2, Tú phát hiện chị T. ra ngoài chơi và có biểu hiện thân mật với một người đàn ông khác. Lúc này, Tú dự định sẽ dùng dao thủ sẵn trong người để sát hại chị T. nhưng chưa thực hiện được. Đến sáng 12/2, Tú cải trang lái xe grab theo dõi gần nhà chị T. và phát hiện người đàn ông nói trên đến nhà T. chơi.

Khoảng 30 phút sau, bà Đ.T.N. (SN 1975, mẹ chị T.) rời khỏi nhà. Thấy vậy, Tú nghĩ bà N. đã tiếp tay, tạo điều kiện cho T. quen người đàn ông nói trên nên nảy sinh ý định giết bà N. để trả thù; đồng thời để bạn gái dằn vặt, không dám quen ai nữa. Khoảng 15h chiều cùng ngày, Tú tiếp tục cải trang lái xe grab đến nhà chị T. giả làm người giao trà sữa, với mục đích ra tay sát hại bà N. Khi đến trước cổng nhà chị T., Tú gõ cửa thì bà N. từ trong nhà đi ra mở cửa.

Lúc này, Tú nói có người gửi trà sữa cho chị T. rồi liền lấy con dao thủ sẵn trong người đâm liên tiếp nhiều nhát vào người bà N., khiến nạn nhân bị tổn hại 25% sức khỏe.

"Chia tay tình yêu" cũng phải học! 

Trên đây chỉ là một vài vụ án mới xảy ra do kẻ gây án vì bị chia tay tình yêu. Thời gian gần đây, những vụ án hận tình dẫn đến hậu quả người bị tước đoạt mạng sống, kẻ nhận bản kết tội của tòa án hoặc tự sát ngay sau khi gây tội ác ngày càng nhiều. Ghen tuông vốn là bản năng, xu hướng tất yếu trong mỗi con người. Và, mâu thuẫn tình cảm thường bị đẩy lên rất cao bởi tính tự trọng, ích kỷ, chiếm đoạt tiềm ẩn trong mỗi người. Mâu thuẫn tích tụ lâu dài, không được hóa giải kịp thời thì cấp độ, sự quyết liệt trong hành động càng dữ dội.

Theo TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (chuyên gia về tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP HCM), hận tình là một trong những nỗi hận sâu sắc nhất trong tình cảm con người. Bởi khi yêu nhau một thời gian, tình cảm đã bén rễ sâu vào tâm hồn thì khi dứt ra sẽ để lại nỗi đau thấu tim không dễ gì chấp nhận. Ngoài ra, nếu một người đang điên cuồng vì bị dứt tình, nếu cộng thêm việc biết được người yêu cũ đã bỏ mình lại có người mới, cảm xúc lúc đó như lửa cháy mà đổ thêm dầu, dễ khiến cho thủ phạm mất kiểm soát mà ra tay tàn ác.

“Đó là dưới góc độ cá nhân, còn dưới góc độ xã hội, việc ra tay trả thù vì hận tình còn là biểu hiện của lỗ hổng giáo dục những kỹ năng ứng xử trong cuộc sống, kỹ năng đối phó với những cú sốc trong cuộc đời”, TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết. Các chuyên gia cho rằng, trong mâu thuẫn tình cảm, các nạn nhân cần kiềm chế, tránh có những hành vi, lời nói, hành động, cử chỉ, thái độ kích động, chạm tự ái sâu sắc của người đang yêu. Không đẩy đối tượng vào thế tận cùng, bị tổn thương quá lớn, bị kích động, dẫn đến hành động liều lĩnh.

Trong trường hợp, khi nhận ra không thể tiếp tục mối quan hệ thì tốt nhất hãy chọn phương án giãn cách, từ từ tìm cách chia tay trong êm thấm, đừng để người kia cảm thấy họ bị tổn thương tâm lý và có những suy nghĩ tiêu cực. Nên cho cả hai có thời gian để cùng suy nghĩ và giải quyết vấn đề. Trong thời gian đó, hãy suy nghĩ hoặc nhờ chuyên gia tâm lý tư vấn những cách thức để chia tay sao cho nhẹ nhàng và an toàn nhất.

Số liệu từ Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm Bộ Công an cho thấy, mỗi năm có khoảng 90% số vụ án giết người do các nguyên nhân xã hội như: mâu thuẫn ái tình, hiềm khích, trả thù cá nhân… Đặc biệt, trong số các vụ giết người thì có 18 - 20% là do những người thân, người quen giết nhau.

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia về tội phạm học) cho biết, các vụ án do mâu thuẫn tình cảm dẫn đến đoạt mạng đều tập trung ở hai động cơ. Thứ nhất là do ghen tuông, thứ hai là do thù tức. Truy nguyên gốc rễ ác tính trong những đối tượng gây án cho thấy có những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội hiện nay. Những tiêu cực đó tồn tại trong môi trường sống hàng ngày, tác động trực tiếp lên quá trình hình thành nhân cách và định hướng giá trị của con người, nhất là với giới trẻ.

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, đang có nhiều lỗ hổng trong bài toán xây dựng con người, dẫn đến hệ lụy là sự vô cảm. Và đây là nguồn cơn sâu xa của bạo lực. Với những vụ trọng án xuất phát từ tình ái, thù tức, ghen tuông thì thủ phạm sống trên cái nền tâm lý chung đó, lại gặp hàng loạt yếu tố bất lợi khác tác động nên có xu hướng chọn giải pháp “tự xử”. Tức là tự mình thay mặt pháp luật để xử án, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

“Sử dụng cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực chủ yếu rơi vào nhóm thanh thiếu niên. Nhóm này đang chịu những tác động rất xấu của môi trường, đó là văn hóa phẩm đồi trụy độc hại, các trò game online bạo lực. Những thứ này dễ làm người trẻ đắm chìm và hành động theo thói quen trong thế giới ảo. Hơn nữa, chính lối sống vô cảm của một số người lớn tuổi, sự thiếu trách nhiệm, sẵn sàng tàn nhẫn với người khác, vô hình trung trở thành khuôn mẫu ứng xử cho lớp trẻ khi vướng phải các vấn đề cần giải quyết”, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết.

Đọc thêm