Tan nát tình thâm chỉ vì chiếc bàn thờ trong ngày cúng giỗ

(PLVN) - Là anh em ruột thịt, nhưng giữa ông Đệ và người em trai lại thù hằn, xích mích chỉ vì chiếc bàn để đồ cúng. Bực tức chuyện người em không chịu đóng góp tiền mua bàn, ông Đệ đã dùng khăn tang trói chân, tay em lại ngay trong ngày cúng giỗ cho anh trai. 
Tan nát tình thâm chỉ vì chiếc bàn thờ trong ngày cúng giỗ

Câu chuyện tưởng chừng nằm trong nội bộ gia đình sau đó được đưa ra pháp luật xét xử. Nhưng, khi bản án sơ thẩm được tuyên, hai bên vẫn chưa xuống nước. Trong khi người anh cho rằng hình phạt đối với mình quá nặng và cần phải xử lý cả người em, thì người em lại yêu cầu tòa tăng hình phạt tù đối với anh trai mình.

Anh trai U80 trói chân, tay em trong ngày giỗ

Khán phòng tại TAND tỉnh Nghệ An mới đây đã diễn ra một phiên tòa xét xử hình sự hy hữu. Bị hại và bị cáo trong vụ án là anh em ruột, cùng sống chung tại một làng ở huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An). Là anh em máu mủ ruột rà, nhưng ngày gặp nhau tại tòa, cả hai luôn tránh mặt nhau.

Trong khi người em cầm theo những bức ảnh bị anh trói chân, tay lại để làm bằng chứng trước tòa thì người anh tên Võ Hữu Đệ - cũng là bị cáo trong vụ án cầm theo cả xấp giấy tờ. Suốt quá trình ngồi đợi tòa ra làm việc, cả hai không nói với nhau lời nào khiến không khí càng căng thẳng. Ở bục khai báo, bị cáo là cụ ông 81 tuổi, với mái tóc muối tiêu, chòm râu trắng trả lời rành rọt những câu hỏi của tòa.

Theo lời khai của bị cáo, bị hại dù là em trai của mình nhưng thường trốn tránh trách nhiệm trong gia đình. Ngay cả việc đóng tiền để mua bàn đặt đồ cúng bị hại cũng không thực hiện đầy đủ theo phương án đã thống nhất. Điều tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy nhưng đã khiến bị cáo rất ức chế. Do vậy, chiều 2/12/2018 khi thấy bị hại đem mâm cơm, lễ vật đến cúng cơm ngày mai làm giỗ anh trai đầu, bị cáo cương quyết không cho với lý do “bàn này là bàn của tao, mày muốn cúng thì đưa bàn lên mà cúng”.

Mâm cỗ của bị hại gồm hoa quả, bát hương, ảnh thờ cũng bị cáo hại gạt xuống đất hết. Nhận thấy tình hình căng thẳng nên bị hại bưng đồ lễ về nhà mình. Một lát sau thì quay trở lại cùng với người vợ và chiếc bàn khác vừa mới đi mượn. Khi bị hại đang cùng vợ đưa đồ lễ vào thắp hương thì bất ngờ bị anh trai dùng khăn tang quấn xung quanh cổ. Kế đó, bị cáo cùng người em khác cầm một đầu dây kéo siết và lôi bị hại đi giật lùi từ trong nhà ra ngoài sân.

Bị hại còn bị mấy anh em đấm vào vùng sườn trái. Chưa dừng lại ở đó, bị cáo đã dùng khăn tang trói hai chân, hai tay bị hại ra sau lưng rồi kéo trượt người em ra sân thềm nhà thờ lấy hai chai rượu đổ vào miệng mặc cho bị hại lắc đầu chống cự. Vụ ẩu đã trên khiến bị hại bị chảy máu nên một số người đã trình báo công an.

Bị hại sau khi xuất viện đã có đơn đề nghị được giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe và đề nghị xử lý pháp luật đối với anh trai mình. Trung tâm pháp y tỉnh Nghệ An kết luận bị hại tác động của ngoại lực làm gãy cung trước xương sườn số 3 và số 4, tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 5%.

Nỗi đau lớn sau vụ án nhỏ

Vụ việc anh trói chân, tay em trong ngày giỗ của người thân khiến dư luận địa phương bàn tán. Bị cáo sau đó bị TAND huyện Đô Lương đưa ra xét xử sơ thẩm về tội “Bắt người trái pháp luật” và tuyên phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo. Không đồng tình với mức án trên, bị cáo đã làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời đề nghị tòa xét xử hành vi của bị hại.

Trong khi đó, người em dù không làm đơn kháng cáo, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo vì “6 tháng tù treo thì quá nhẹ, vì họ cố tình giết tôi”, lời bị hại. Đáp lại, bị cáo cho rằng sự việc không đơn thuần như vậy, do bị hại không chịu đóng tiền để anh em làm đồ lễ cúng theo quy định lại có những lời nói khó nghe nên mới xảy ra sự việc trên. “Con cua nếu không bị chọc vào hang nó thì làm gì cắn”, bị cáo lý giải cho hành động bắt người trái pháp luật của mình. Bị cáo cũng cho rằng, trong vụ án này bị hại có một phần lỗi, tuy nhiên việc cơ quan chức năng chỉ truy tố bị cáo là thiếu công bằng.

Trước sự căng thẳng của hai bên, một vị hội thẩm phân tích bị cáo và hại nên vì tình nghĩa anh em, máu mủ ruột rà mà xuống nước để vụ án nhanh khép lại. Đây là vụ án đặc biệt khi bị cáo đã bước qua tuổi 80, sức yếu còn bị hại cũng đã lên chức ông. Tuy nhiên, hai bên vẫn giữ nguyên quan điểm của mình như đã trình bày.

HĐXX nhận định, đây là vụ án thuộc loại ít nghiêm trọng, tuy nhiên hành vi phạm tội của bị cáo là liều lĩnh, trắng trợn, coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe người khác. Hành vi đó không những đã xâm phạm sức khỏe công dân được pháp luật bảo vệ mà còn ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội. 

Vì vậy, việc đưa bị cáo ra xét xử công khai tại phiên tòa và xử các bị cáo mức án nghiêm khắc là cần thiết mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, việc bị cáo là người 81 tuổi, sức khỏe yếu nên cần xem xét giảm nhẹ. Trong phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo không đưa thêm được tình tiết mới của vụ án, do vậy tòa phúc thẩm bác đơn kháng cáo của bị cáo. Tuyên phạt Võ Hữu Đệ 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Bắt người trái pháp luật”.

Tòa kết thúc, bị cáo và bị hại vội đứng dậy ra về. Hai bên chọn hai lối đi khác nhau để tránh chạm mặt. Khi được hỏi “tại sao không xuống nước xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì dù sao đó cũng là anh em trong một gia đình” thì bị hại chỉ trả lời câu nhát gừng “không bao giờ, không còn anh em chi nữa cả”. Mối quan hệ giữa hai bên vốn căng thẳng nên từ ngày xảy ra sự việc trên, hai anh em ruột cũng không còn nhìn mặt nhau dù sống cùng một làng.

Trên sân tòa rộng lớn, bị cáo 81 tuổi đứng khuất ở một nơi xa, chỉ đợi khi vợ chồng em trai ra về mới đến bãi giữ xe. Từ anh em một nhà, ăn cùng một mâm cơm, uống chung chén rượu, hai anh em ấy không còn nhìn mặt nhau khi mái tóc mỗi người đều đã chuyển màu. Liệu vì tình nghĩa anh em, hai bên có bỏ qua cho nhau để sống vui vẻ quãng đời còn lại…?

Đọc thêm