Tiếp vụ “Cố ý gây thương tích” ở Sóc Sơn: Những bất thường trong Kết luận giám định thương tật!

(PLVN) - Trong đơn kêu cứu gửi Báo Pháp luật Việt Nam, ông Tống Công Phi (SN 1956, trú tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) thống thiết trình bày rằng việc các cơ quan tố tụng huyện Sóc Sơn (Hà Nội) truy tố, xét xử con trai ông - bị cáo Tống Công Nam về tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 BLHS là có dấu hiệu oan sai nghiêm trọng.
Ông Tống Công Phi trình bày kêu oan cho con
Ông Tống Công Phi trình bày kêu oan cho con

Như đã phản ánh, vụ xô xát diễn ra từ năm 2009 nhưng mãi đến cuối năm 2017 mới được khởi tố, điều tra. Ngày 30/11/2019, TAND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Tống Công Nam (SN 1988, ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Vụ án đã phải nghị án kéo dài đến 09h ngày 04/12/2019 thì HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung.  

Dấu hiệu bất thường trong bản Kết luận giám định 

Diễn biến phiên tòa cho thấy, tuy nội dung vụ án không phức tạp, hành vi của bị cáo khá đơn giản nhưng quá trình điều tra, truy tố lại bộc lộ nhiều “lỗ hổng” chứng cứ khiến việc truy tố, xét xử bị cáo thiếu căn cứ vững chắc và có dấu hiệu oan sai. Bị cáo Nam kêu oan, bày tỏ nghi ngờ bản Kết luận giám định về tỉ lệ thương tật chưa phù hợp với thương tích thực tế của người bị hại, vi phạm nguyên tắc giám định, nguyên tắc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể. 

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo cũng chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý khi bị cáo chỉ có hành vi gây thương tích cho người bị hại ở phần đầu bên trái nhưng lại phải chịu trách nhiệm về vết thương ở đỉnh đầu phải là không có căn cứ pháp lý; từ đó các luật sư đề nghị trưng cầu giám định lại tỉ lệ thương tật của nạn nhân.

Hồ sơ ban đầu vụ án thể hiện tình trạng thương tích ngày 22/9/2007 của Trương Văn Dũng như sau: “có một vết thương dài khoảng 3-4cm ở phần thái dương đỉnh bên trái chảy máu.” Giấy chứng thương, Bệnh án ngoại khoa của bệnh nhân Dũng do Bệnh viện Việt Đức cấp, thể hiện: Bệnh nhân Dũng vào viện lúc 14h10 ngày 22/9/2007 tình trạng “vết thương trán đỉnh trái (T) 3cm; CT scanner sọ não: vỡ lún xương thái dương đỉnh trái, máu tụ trong não đỉnh trái (T). Dũng đã được Bệnh viện Việt Đức điều trị khuyết sọ thái dương trái bằng tạo hình hộp sọ vùng thái dương đỉnh trái (T).” Như vậy, hành vi của Nam gây ra cho Dũng chỉ có 1 vết thương phần đỉnh đầu trái.

Đáng nói, nạn nhân không được trưng cầu giám định tỉ lệ thương tật ngay mà việc giám định được tiến hành sau đó 8 năm. Theo Kết luận giám định (KLGĐ) số 842 ngày 27/9/2017 của Trung tâm pháp y Hà Nội kết luận về tỉ lệ thương tật của nạn nhân Trương Văn Dũng như sau: sẹo vết thương mổ bán cầu não trái: 07%; khuyết sọ bán cầu trái, đáy cứng: 26%; liệt cứng 1/2 người mức độ vừa 61%; dập não, tụ máu não vùng thái dương đỉnh trái 31%. Tỉ lệ tổn hại sức khỏe là 81% theo phương pháp cộng lùi. Sau đó, người bị hại được giám định pháp y thương tích bổ sung, xác định tỉ lệ tổn hại sức khỏe là 83%.

Bị cáo Nam bày tỏ sự nghi ngờ việc kết luận tỉ lệ thương tật 83% đối với bị hại là không chính xác, cũng như cho rằng những tổn hại đó có thể không phải chỉ do hành vi của bị cáo gây ra.

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Nam đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý của KLGĐ số 842 nói trên. Theo luật sư, sự việc xảy ra ngày 22/9/2009 nhưng mãi đến tháng 9/2017 mới tiến hành giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại; do vậy, trong trường hợp này, áp dụng khoản 1, khoản 3 Điều 2; khoản 6 Điều 3 Thông tư 20/2014 thì tỷ lệ % tổn thương cơ thể được xác định tại thời điểm giám định thông qua phương pháp khám trên cơ thể của người cần được giám định. 

Vị Luật sư phân tích: Tại thời điểm giám định, phần khám giám định, các giám định viên chỉ phát hiện: “Thương tích: liệt cứng 1/2 người bên phải, không liệt mặt, Hoffman (+), Babinski (+), trương lực cơ tăng, phản xạ gân xương, tăng nhiều hơn bên phải. Không rối loạn cơ tròn; Sẹo vết thương vết mổ bán cầu não trái hình chữ C kích thước 25cm x 0,3cm, sẹo trắng, mềm, trên nền khuyết sọ đáy cứng (đã vá xương) kích thước 7cmx8cm. Khám cận lâm sàng: “Xquang sọ: Hình ảnh khuyết xương sọ bán cầu trái đã ghép sọ bằng vật liệu nhân tạo. Đường kính ổ khuyết khoảng 8cmx10cm. Điện não đồ: chưa thấy hoạt động bất thường.”

Tuy nhiên, trong Bản KLGĐ pháp y thương tích số 842, ngoài giám định bằng việc khám trên cơ thể, các giám định viên lại lấy thêm 31% tỷ lệ tổn thương “Dập não, tụ máu não vùng thái dương – đỉnh trái” thông qua việc nghiên cứu hồ sơ bệnh án (chỉ áp dụng trong trường hợp người cần được giám định đã chết hoặc mất tích) là không đúng quy định.

Điểm bất thường nữa là, Bản KLGĐ số 842 tính cả “sẹo vết thương vết mổ bán cầu não trái” 7% là vi phạm khoản 2, 3 Điều 3 (nguyên tắc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể) Thông tư số 20/2014: “2. Mỗi tổn thương cơ quan của cơ thể và mỗi di chứng do tổn thương này gây ra chỉ được tính tỷ lệ % tổn thương cơ thể một lần… 3.Nếu nhiều tổn thương cơ thể là triệu chứng thuộc một hội chứng hoặc thuộc một bệnh đã được nêu trong Bảng tỷ lệ quy định tại Điều 1 Thông tư này thì tỷ lệ % tổn thương cơ thể được xác định theo hội chứng hoặc theo bệnh đó”.

Hồ sơ cho thấy: do anh Dũng bị chấn thương (khuyết sọ) nên để điều trị khuyết sọ, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành phẫu thuật tạo hình hộp sọ bằng titan, cách thức phẫu thuật: rạch da theo đường mổ cũ (rạch da ngoài cùng thái dương đỉnh trái) bộc lộ vùng khuyết sọ TD (T), tiến hành tách cơ TD ra khỏi màng cứng, đặt titan, cố định bằng vít… . Như vậy, sẹo vết mổ bán cầu não trái không phải là một tổn thương, cũng không phải là di chứng do tổn thương gây ra. Đây là cách thức để điều trị khuyết sọ, mà tổn thương khuyết sọ bán cầu trái đã được tính tổn thương cơ thể bằng 26%.

Bên cạnh đó, các luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng Bản KLGĐ số 842 kết luận: anh Trương Văn Dũng bị liệt cứng 1/2 người phải mức độ vừa 61% là chưa khách quan, chưa đúng với tổn thương thực tế của nạn nhân. Bởi vì: Việc khám giám định để ra KLGĐ số 842 được thực hiện vào ngày 19/9/2017, tại Trung tâm giám định pháp y Hà Nội thể hiện anh Dũng liệt cứng 1/2 người phải mức độ vừa 61%. Nhưng, 05 (năm) ngày sau (ngày 25/9/2017), anh Dũng vào Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên khám thần kinh thể hiện: dây thần kinh sọ não: liệt nhẹ 1/2 người phải; chẩn đoán khi vào khoa điều trị: liệt nhẹ 1/2 người phải sau chấn thương sọ não.

Đối chiếu với Mục 2.5 phần V chương 2 Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích (Bảng 1) ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014, xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể cho từng thương tích và di chứng thì “Liệt nửa người mức độ nhẹ: 36-40%”, chứ không thể là 61% như KLGĐ số 842 xác định.

Tại sao có vết thương đỉnh đầu bên phải?

Diễn biến vụ án cho thấy bị cáo Tống Công Nam chỉ gây thương tích cho nạn nhân Trương Văn Dũng vết thương ở đỉnh đầu bên trái, thế nhưng trong hồ sơ vụ án lại xuất hiện them vết thương đỉnh đầu bên phải. 

Tại hồ sơ bệnh án ban đầu tại Bệnh viện Việt Đức xác định anh Dũng bị vết thương đỉnh đầu bên trái. Cơ chế hình thành vết thương phù hợp với diễn biến hành vi vụ án, do bị cáo Nam gây ra và bị cáo cũng thừa nhận. Tuy nhiên, hơn hai năm sau vụ xô xát, trong Bệnh án năm 2011 của Bệnh viện 19-8 kết quả chụp CT Scanner sọ não bệnh nhân Trương Văn Dũng ngày 25/11/2011 thể hiện: “Hình ảnh ổ dịch hóa vùng thái dương đỉnh trái; Dụng cụ KHX vùng thái dương đỉnh phải.”

Vậy tổn thương vùng thái dương đỉnh phải của nạn nhân Dũng xuất hiện từ khi nào, có phải do Tống Công Nam gây ra hay do người khác, sự việc khác? Tổn thương vùng thái dương đỉnh phải này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe hiện tại của Trương Văn Dũng? Điều này chưa được điều tra, kết luận làm rõ.

Tại phiên tòa, gia đình nạn nhân cho biết: anh Dũng bị động kinh sau chấn thương và được điều trị bằng thuốc Celebrolying trong thời gian dài. Đáng nói, đây loại thuốc chống chỉ định trong tình trạng động kinh. Vậy việc anh Dũng bị động kinh sau chấn thương lại được điều trị liên tục trong 8 năm bằng thuốc Celebrolying có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của Dũng cũng chưa được điều tra, làm rõ…

Những vi phạm trong vụ án đã làm sai lệch đặc biệt nghiêm trọng về tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại, làm cho kết quả giám định không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến tính minh bạch trong việc giải quyết vụ án. Hy vọng phiên tòa sơ thẩm được mở lại tới đây, HĐXX Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn sẽ giải quyết vụ án một cách minh bạch, công tâm, hành vi phạm tội đến đâu phải chịu trách nhiệm hình sự đến đó, không bỏ lọt hành vi phạm tội cũng như tránh oan sai. 

Đọc thêm