Trùm ma túy cưa song sắt vượt ngục lãnh 20 năm tù

(PLVN) - TAND tỉnh Bình Thuận vừa đưa trùm ma túy Nguyễn Viết Huy (SN 1986, ngụ phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 20 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

 

Nguyễn Văn Huy (tức Huy nấm độc)
Nguyễn Văn Huy (tức Huy nấm độc)

Vượt ngục bằng 3 lưỡi cưa

Đối tượng này là thành phần “bất hảo” đã từng vào tù ra tội và được dân chơi gọi với biệt danh Huy “nấm độc”. Khi đang bị cơ quan chức năng tạm giam để điều tra, làm rõ về đường dây mua bán ma túy thì y đã cùng với bạn tù dùng 3 lưỡi cưa để cưa song sắt ở lỗ thông gió trốn khỏi trại tạm giam.

Theo hồ sơ, từ năm 2011, Huy “nấm độc” cầm đầu đường dây chuyên vận chuyển ma túy liên tỉnh từ TP.HCM về tỉnh Bình Thuận tiêu thụ. Đường dây của Huy hoạt động khá quy mô, tổ chức hệ thống chân rết rất chặt chẽ, các điểm mua sỉ, lẻ ma túy đều thông qua đàn em, chứ Huy không bao giờ đứng ra giao dịch.

Tháng 6/2011, Công an tỉnh Bình Thuận đã lập chuyên án và triệt phá thành công đường dây ma túy do Huy “nấm độc” cầm đầu. Ngoài Huy là ông trùm đường dây, cơ quan công an cũng khởi tố 9 đàn em của đối tượng này. Sau đó, Huy bị TAND tỉnh Bình Thuận xử phạt 9 năm tù giam.

Mãn hạn tù và trở về địa phương sinh sống, ngỡ rằng Huy sẽ thay đổi làm lại cuộc đời, có ích cho xã hội. Thế những, đối tượng này lại “ngựa quen đường cũ” tiếp tục móc nối, tổ chức đường dây tiêu thụ ma túy trên địa bàn TP Phan Thiết.

Một lần nữa, Công an tỉnh Bình Thuận lập chuyên án phá đường dây ma túy của Huy. Lần này, hoạt động của y khép kín, tự vận chuyển, tự phân phối. Dù nắm rõ y đang tổ chức cung cấp ma túy, nhưng các trinh sát rất khó đeo bám hay tiếp cận, bởi đối tượng này hoạt động độc lập và rất cáo già khi di chuyển, đồng thời cực kỳ cảnh giác khi hoạt động.

Ngày 6/5/2019, khi Huy “nấm độc” đang một mình điều khiển chiếc xe ô tô màu trắng mang biển số 86A-099.70 từ TP.HCM về Phan Thiết vào nhà riêng thì bị hàng chục trinh sát cải trang của Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Thuận đồng loạt ập vào khống chế ngay trong phòng ngủ.

Tại đây, qua khám xét khẩn cấp, lực lượng công an đã lập biên bản thu giữ khoảng 2kg ma túy đá, 59 viên thuốc lắc, với tổng trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn thu giữ một khẩu súng bắn đạn cao su, một khẩu súng bắn đạn chì mà lúc nào Huy cũng thủ bên mình, cùng 40 triệu đồng và nhiều chứng cứ khác.

Huy “nấm độc” sau đó bị tạm giam tại buồng số 5, nhà 2, khu B của Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận (ở đường Thủ Khoa Huân, phường Phú Thủy, TP.Phan Thiết) để điều tra, làm rõ về đường dây mua bán ma túy này. Giam cùng buồng với y còn có Nguyễn Văn Nưng (SN 1982, ngụ thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Đối tượng Nưng bị tạm giam để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Nguyễn Văn Hưng - kẻ vượt ngục cùng Huy nấm độc cũng đã bị bắt
Nguyễn Văn Hưng - kẻ vượt ngục cùng Huy nấm độc cũng đã bị bắt  

Được biết, Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận chủ yếu là tạm giam các bị can trong các vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Công an tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, đây cũng là nơi giam giữ các đối tượng mang trọng án như: giết người, giết người cướp tài sản… bị tuyên án tử hình chờ thi hành án. Ở đây được canh gác cẩn mật và có cả tháp canh đặt ở trại tạm giam.

Tuy nhiên, rạng sáng ngày 30/6, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận phát hiện Huy và Nưng đã trốn khỏi buồng giam. Cả 2 đối tượng này tổ chức vượt ngục bằng cách sử dụng đến 3 lưỡi cưa để cưa song sắt ở lỗ thông gió cao quá tầm với của một người.

Sau khi phát hiện vụ việc, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát tỏa đi khắp nơi chặn bắt. Các xe khách chạy trên quốc lộ 1A qua tỉnh Bình Thuận được kiểm tra và hành khách được xem ảnh hỗ trợ nhận dạng nhưng mọi nỗ lực đều không có kết quả. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bình Thuận đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với 2 đối tượng này.

Sau 5 ngày đêm lần theo dấu vết, vào lúc 6h30 ngày 5/7, các trinh sát đã bắt giữ được Huy khi y vẫn còn đang ngủ trong phòng nghỉ ở khách sạn số 368 Ấp Bắc (phường 5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Tại đây, ngoài đối tượng Huy còn có một người phụ nữ. Người phụ nữ này sau đó được xác định là người yêu của Huy.

Trong quá trình theo dấu vết, truy bắt, lực lượng Công an TP HCM đã bắt 2 đối tượng là đàn em của Huy. Khám xét người 2 đối tượng này, Công an TP HCM còn phát hiện 0,5 kg ma túy đá.

Đến 2h ngày 10/7, lực lượng Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ đối tượng Nưng khi y đang ở nhà người quen tại thôn 2 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng).

Được biết, sau khi trốn khỏi trại tạm giam, 2 đối tượng đón taxi vào TP HCM. Tại đây, sau 2 ngày tổ chức nhiều cuộc ăn nhậu tận hưởng tự do, 2 kẻ vượt ngục chia tay mỗi người một hướng.

Huy “nấm độc” với ý định vượt biên giới qua Campuchia nên đã được đàn em đưa xuống TP.Châu Đốc (tỉnh An Giang). Tuy nhiên, do thấy không an toàn nên Huy lại đến TP.Mỹ Tho thì bị bắt.

Sau khi bắt giữ 2 kẻ vượt ngục, cơ quan chức năng đã khởi tố Huy và Nưng về tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”.

Bắt đại úy công an “tiếp sức”… vượt ngục

Cũng liên quan đến vụ vượt ngục này, ngày 11/7/2019, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra về tội “Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn”, quy định tại Điều 376 Bộ luật Hình sự, để điều tra hành vi của các cá nhân để Huy và Nưng trốn trại.

Đến ngày 2/8, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với Đại úy Lê Minh Sơn (SN 1985, nguyên cán bộ Đội Cảnh sát bảo vệ Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 2 Điều 355 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định, Lê Minh Sơn được giao nhiệm vụ tuần tra, canh gác trong và ngoài khu vực giam giữ Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Sơn đã đưa điện thoại di động cho một phạm nhân để người này mang vào trong buồng giam cho các bị can sử dụng.

Từ ngày 28/4 - 29/6/2019, Sơn đã cho các bị can đang bị tạm giam gọi điện thoại về cho người thân nhiều lần, mỗi lần gọi điện người nhà của các bị can này phải chi cho Sơn số tiền từ 5 - 15 triệu đồng. Số tiền này đều được chuyển vào tài khoản của vợ Sơn. Tổng số tiền mà người nhà của các bị can đang bị tạm giam chuyển cho vợ Sơn lên đến hơn 90 triệu đồng.

Trong số các bị can gọi điện thoại thì có Huy “nấm độc” và Nưng. Cả 2 đối tượng này đã liên hệ với các đối tượng ở bên ngoài đưa cưa sắt vào trại tạm giam. Sau đó, 2 đối tượng này cưa đứt song sắt ô thông gió buồng giam và bỏ trốn.

Hành vi của Lê Minh Sơn vi phạm Điều 3; khoản 2 Điều 5 và khoản 6 Điều 6 Thông tư 27/2016/TT-BCA ngày 28/6/2016 của Bộ Công an quy định về công tác vũ trang bảo vệ cơ sở giam giữ.

Sau khi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao bắt tạm giam Đại úy Lê Minh Sơn, nhiều người cũng đã hiểu vì sao 2 phạm nhân được canh giữ tại khu giam giữ đặc biệt dành cho các đối tượng nguy hiểm chờ xét xử, được canh gác cẩn mật lại có thể trốn tù thành công. Đó là có sự “tiếp sức” của Sơn với những lần cho thuê điện thoại để phạm nhân gọi ra ngoài.

Đọc thêm