Từ những vụ án buôn người: Nạn nhân vừa đáng thương vừa đáng giận?

(PLVN) - Mua bán người trở thành tệ nạn nhức nhối ở các huyện miền núi trong những năm gần đây. Có không ít trường hợp chính nạn nhân đã “ngã giá” bán mình nên bị dư luận phán xét. Nhưng cần đặt vào hoàn cảnh khó khăn của họ để có góc nhìn nhân văn hơn. Họ không đáng bị phán xét mà cần phải xử lý thật nghiêm những kẻ lợi dụng sự yếu thế của phụ nữ, trẻ em biến họ thành món hàng để trục lợi.
Bị cáo trong một vụ án  mua bán người.
Bị cáo trong một vụ án mua bán người.

Cam go cuộc chiến chống nạn buôn người

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với dân số khoảng 3,3 triệu người, trong đó có 27 xã biên giới, 10 huyện, 1 thị xã miền núi với khoảng 50 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số. Những năm qua tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Nhận thức của bà con vùng cao về pháp luật còn hạn chế; tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động là những yếu tố mà bọn tội phạm mua bán người thường lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo chị em bán ra ngoài nước hay đưa đến các trung tâm thành phố.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, lực lượng Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai. Riêng năm 2020, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ và nhiều đối tượng mua bán người.

Thời gian qua, công an tỉnh phối hợp với Tổ chức quốc tế Rồng Xanh giải cứu thành công hơn 200 nạn nhân bị bán ra nước ngoài, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nạn buôn bán người tập trung chủ yếu ở một số huyện miền núi như: Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu…“Đối tượng” mà bọn tội phạm buôn người hướng đến chủ yếu là trẻ em và phụ nữ từ 14 - 30 tuổi, hoặc những phụ nữ “quá lứa lỡ thì”; số có hoàn cảnh khó khăn; số ăn chơi đua đòi; số em gái có tư tưởng thoát ly công việc nông nghiệp, muốn tìm kiếm việc làm nhàn hạ, lương cao; trẻ em không có người lớn trông coi… nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt.

Một nạn nhân bị bán qua biên giới đã được giải cứu.
Một nạn nhân bị bán qua biên giới đã được giải cứu. 

Thủ đoạn chủ yếu của tội phạm mua bán người là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua đầu mối trung gian để tiếp cận, dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho nạn nhân với mức lương cao. Có những đối tượng còn công khai ngã giá, rủ rê nạn nhân đi lấy chồng ở nước ngoài sẽ có cuộc sống sung túc và gia đình nhận được số tiền lớn. Trước những lời mời hấp dẫn, nhiều nạn nhân tự nguyện đi theo. 

Có không ít trường hợp sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc hoặc bán đến các địa phương khác trong nước làm gái mại dâm đã trở về địa phương lừa phỉnh phụ nữ, trẻ em gái quen biết đem đi bán. Khi nạn nhân biết mình bị bán đòi về thì bị các đối tượng khống chế bằng cách đánh đập hoặc buộc phải thanh toán chi phí làm cho nạn nhân không thể kháng cự. Quá trình đưa nạn nhân đi, đối tượng còn quản lý giấy tờ tùy thân và không cho họ mang theo tiền nhằm hạn chế khả năng bỏ trốn. 

Cũng có không ít vụ án mua bán người được đưa ra ánh sáng khi các nạn nhân vỡ mộng “giấc mơ Trung Quốc”, trở về Việt Nam và tố cáo người đưa mình đi. Hầu hết các nạn nhân cho biết, sau khi bị bán sang Trung Quốc họ phải làm vợ, chịu sự kìm kẹp, quản lý của gia đình chồng, hoặc tệ hơn là bị bán vào các cơ sở mại dâm. Khi trốn được trở về họ đều trong tình trạng không có việc làm ổn định, tâm lý, tinh thần hoang mang.

Đáng giận hay đáng thương?

Hiện chưa có thống kê cụ thể những vụ án mua bán người có bắt nguồn từ nhu cầu “đổi đời” của các nạn nhân. Tuy nhiên, quá trình xét xử tại TAND tỉnh Nghệ An không hiếm có những vụ án mà chính nạn nhân cũng có một phần lỗi, tự biến mình thành “món hàng” cho tội phạm mua bán người.

Cụt Thị C. (SN 2001, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) là trường hợp như thế. Lập gia đình sớm, người chồng cũng trẻ tuổi, không có công việc ổn định. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, vợ chồng C. suốt ngày cãi nhau. Chồng C. còn sa đà vào rượu chè và hay đánh đập vợ. Không chịu nổi những trận đòn từ chồng, C. buồn chán ôm con về nhà bố mẹ đẻ.

Trong lúc bế tắc. C. biết Moong Thị Lệ (SN 1986, trú xã Xá Lượng) có người quen đang ở Trung Quốc nên ra điều kiện nếu được trả 100 triệu đồng thì sẽ đồng ý đi lấy chồng Trung Quốc. Sau đó, Moong Thị Lệ đã liên lạc với người quen đang sống ở Trung Quốc để đưa C. sang xứ người. Sau quá trình thương lượng, C. thống nhất sang Trung Quốc để nhận lấy 90 triệu đồng. Cuối tháng 4/2018, Moong Thị Lệ đưa Cụt Thị C. vượt biên sang Trung Quốc. Sau thời gian sinh sống, C. trốn về quê nhà, làm đơn tố cáo các đối tượng.

Nhiều năm công tác tại Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, luật sư Tạ Ngọc Vân (văn phòng Luật sư Tạ Vân và cộng sự) và các cộng sự đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giải cứu thành công hơn 400 trẻ em gái và phụ nữ là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Theo luật sư Tạ Ngọc Vân: hầu hết bị hại đều ở vùng sâu, vùng xa, rơi vào tình trạng yếu thế hoặc các tình huống dễ bị tổn thương như gia cảnh quá éo le, mẹ đơn thân, hoặc chồng nghiện ma túy và bị bạo hành. Thậm chí có trường hợp phải vay nợ lãi để chữa bệnh cho con. Ở trong tình trạng tuyệt vọng như thế thì việc đưa ra quyết định sáng suốt đối với họ là điều khó khăn. 

Bị bán sang Trung Quốc, các nạn nhân phải đối mặt với việc bị bóc lột và bị lạm dụng, bị coi thường danh dự, nhân phẩm. Hệ lụy của nó còn rất dai dẳng, các nạn nhân rơi vào tình trạng sống dở chết dở, nhiều trường hợp sống lâu trong tình trạng này đã mất khả năng phản kháng.

Theo luật sư Vân, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì việc các nạn nhân đồng ý hoặc xin đi và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người thì họ không đáng bị phán xét. Phải đặt vào hoàn cảnh của họ để có góc nhìn nhân văn hơn. Cần phải xử lý thật nghiêm những đối tượng lợi dụng sự yếu thế của phụ nữ và trẻ em gái, biến họ thành món hàng để trục lợi.

Đọc thêm