(ĐNĐT) - Trong khuôn khổ Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc” tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (từ ngày 8 đến 15-1), Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Giáo sư Hoàng Châu Ký và Nghệ thuật Tuồng Việt Nam”
Dự tọa đàm có gần 200 đại biểu là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, các Giáo sư, NSND, NSƯT trên cả nước.
Tại buổi tọa đàm, đã có 24 tham luận trình bày nêu bậc lên những đóng góp to lớn của Giáo sư Hoàng Châu Ký đối với nghệ thuật Tuồng Việt Nam.
Giáo sư Hoàng Châu Ký sinh ngày 16-5-1921, đến với cách mạng từ năm 16 tuổi. Đến năm tròn 21 tuổi, ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông đã giữ nhiều trọng trách về công tác Đảng. Từ năm 1950, từ một nhà hoạt động chính trị, ông trở thành một nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển nghệ thuật sân khấu tuồng. Ông nguyên là Bí thư Đảng Đoàn kiêm Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghệ thuật Sân khấu.
Giáo sư Hoàng Châu Ký đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống, với những công trình: Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng; Nghệ thuật biên kịch tuồng; Nghệ thuật biểu diễn tuồng; Nghệ thuật tuồng cung đình; Từ điển tuồng; Giá trị của vở tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến; Tuồng Quảng Nam...
Những công trình của Giáo sư đã phát hiện, khẳng định và trả lại giá trị bản sắc dân tộc của tuồng, phản bác những quan điểm cho rằng tuồng chỉ là nghệ thuật phong kiến cung đình, và là bản sao của kịch nghệ Trung Hoa.
Giáo sư Hoàng Châu Ký còn là một đạo diễn, viết và sưu tập, chỉnh lý hàng chục kịch bản tuồng cổ mẫu mực mà bất cứ nhà hát tuồng nào cũng dàn dựng như Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu và ông còn nhà sư phạm lớn về nghệ thuật sân khấu. Ông đã chủ trì tham gia soạn thảo nhiều chương trình, giáo trình và trực tiếp giảng dạy về nghệ thuật tuồng trong các trường đào tạo diễn viên sân khấu từ bậc trung học đến đại học, trên đại học.
Vì vậy, ông là một trong số rất ít các chuyên gia đầu ngành được Nhà nước phong tặng hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Từ hoạt động nghiên cứu, sáng tác đến đạo diễn, giảng dạy, Giáo sư Hoàng Châu Ký đã thu được những kết quả to lớn, thành công rất đáng khâm phục, đóng góp hiệu quả vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Công lao to lớn của Giáo sư Hoàng Châu Ký đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật. Giáo sư Hoàng Châu Ký mất ngày 31-1-2008, để lại khoảng trống không gì bù đắp được trong lĩnh vực nghiên cứu tuồng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, nhấn mạnh: “Giáo sư Hoàng Châu Ký đã không còn trên cõi đời này nữa, nhưng những công trình nghiên cứu, những tác phẩm nghệ thuật, những học trò của ông đang ở khắp mọi miền đất nước sẽ là di sản bất biến, sống mãi với thời gian”.
VĂN NỞ