Theo các chuyên gia y tế, có hàng nghìn thành phần hóa học được tìm thấy trong khói thuốc lá và hàng trăm thành phần trong số đó gây hại đến sức khỏe con người, hàng chục chất có khả năng gây ung thư bao gồm cả các chất gây nghiện và gây độc.
Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, đứng thứ 3 trong ASEAN. Có 38,9% nam giới trên 15 tuổi tại Việt Nam hút thuốc. Hàng năm có tới 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá (bao gồm nạn nhân tiếp xúc khói thuốc một cách thụ động). Tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động sâu sắc đến tâm lý, xã hội và môi trường của người trẻ.
Việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hơn 10 năm qua đã hạn chế đáng kể số người hút thuốc lá, từ đó kéo giảm tình trạng tử vong và bệnh tật liên quan đến thuốc lá. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tăng cường thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng, nhất là thanh niên và người chưa hút thuốc, đặc biệt trong bối cảnh các loại thuốc lá mới đang “lôi kéo” giới trẻ như hiện nay.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, hướng tới đối tượng mục tiêu là thanh niên, sinh viên, chiều 12/12, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Tác hại của thuốc lá và khuyến cáo với sinh viên”.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương và Ths. Trần Trọng Đại - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Luật Hà Nội trực tiếp tọa đàm.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, các chuyên gia sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích về tác hại của hút thuốc lá (bao gồm thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá mới), thực trạng và nguyên nhân dẫn đến thanh niên, sinh viên hút thuốc, từ đó đưa ra những khuyến cáo phù hợp.