Tọa đàm 'Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ'

(PLVN) - Sáng 29/11/2024, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển phối hợp Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) tổ chức Tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ".
Tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ".

Tọa đàm “Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ” nhằm tạo ra một diễn đàn mở để các bên cùng chia sẻ, thảo luận về các chính sách thiết yếu nhằm thúc đẩy thị trường tài chính vi mô phát triển mạnh mẽ, phù hợp với Chiến lược phát triển tài chính toàn diện Quốc gia và những điều chỉnh mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, tháng 1/2024). Đồng thời, buổi tọa đàm cũng tập trung làm rõ những thách thức trong quản lý và vận hành của các chương trình, tổ chức tài chính vi mô hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp cải thiện dựa trên nền tảng pháp lý của các nghị định, quyết định và thông tư hiện hành.

Phát biểu giới thiệu tọa đàm, Nhà báo Bùi Văn Khương, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cho biết: Ngày 22/1/2020, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg. Chiến lược đặt mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính an toàn, phù hợp, có chi phí hợp lý, hướng tới tính trách nhiệm và bền vững, đồng thời được cung cấp bởi các tổ chức hợp pháp.

Sau gần 5 năm triển khai, đây là thời điểm cần thiết để chúng ta nhìn lại tiến độ thực hiện và đánh giá các vấn đề tồn tại. Đặc biệt, cần chú trọng đến hiệu quả triển khai đối với các nhóm yếu thế: cư dân nông thôn, vùng sâu vùng xa; người nghèo, phụ nữ và những đối tượng dễ bị tổn thương khác, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh gia đình.

Nhà báo Bùi Văn Khương, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển phát biểu giới thiệu tọa đàm

Tọa đàm sẽ thảo luận các khía cạnh thiết yếu của tài chính vi mô - một công cụ quan trọng nhằm hỗ trợ người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ vươn lên, vượt qua khó khăn và xây dựng nền tảng phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc, ông Ambrosio N. Barros - Trưởng đại diện văn phòng quốc gia khu vực Mekong, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan - Đại diện nhà tài trợ IFAD tại Việt Nam mong rằng, các ý kiến thảo luận không chỉ xác định các vấn đề và thách thức trong việc phát triển lĩnh vực tài chính vi mô mà còn đề xuất các hành động cụ thể để tiếp tục hỗ trợ người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ông Ambrosio N. Barros - Trưởng đại diện văn phòng quốc gia khu vực Mekong, Giám đốc Quốc gia IFAD Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan - Đại diện nhà tài trợ IFAD tại Việt Nam phát biểu khai mạc.

“Chúng ta hãy cùng học hỏi từ kinh nghiệm phong phú của các tổ chức tài chính vi mô và các chương trình tài chính vi mô, đánh giá các cách tiếp cận đổi mới, thực tiễn tốt, và quan trọng nhất là các bài học rút ra trong việc cung cấp dịch vụ tài chính vi mô”, ông nói.

Tại tọa đàm, TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình bày tham luận: “Tài chính vi mô trong chiến lược Tài chính toàn diện”.

TS. Phạm Minh Tú tập trung vào vai trò của tài chính vi mô trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Mục tiêu chính là thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là ở nông thôn, để góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

TS. Phạm Minh Tú trình bày tham luận tại tọa đàm

Việt Nam có nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu này nhờ vào chiến lược quốc gia rõ ràng, nhu cầu tài chính lớn ở nông thôn và khung pháp lý đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức như năng lực hạn chế của các tổ chức tài chính vi mô, bất cập trong cơ chế chính sách và khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ của một bộ phận người dân.

Để vượt qua thách thức, TS. Phạm Minh Tú đề xuất các giải pháp từ phía cơ quan quản lý như khuyến khích phát triển số lượng tổ chức tài chính vi mô, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường nguồn vốn. Về phía các tổ chức, chương trình, dự án, cần nâng cao năng lực cán bộ, đào tạo khách hàng, thành lập hiệp hội, chủ động nâng cao năng lực tài chính và ứng dụng công nghệ số.

PGS.TS Lê Văn Luyện - Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, Thành viên Hội đồng HVNH nhiệm kỳ 2020-2025 trình bày tham luận: “Tài chính vi mô giúp giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững”.

PGS.TS Lê Văn Luyện nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài chính vi mô trong việc giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Ông cho rằng, ngoài việc cung cấp vốn, các tổ chức tài chính vi mô còn đóng vai trò then chốt trong việc: Giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ và người nghèo, học cách sử dụng tiền, làm kinh tế, xây dựng tài sản và tạo thu nhập thụ động; Kết nối người dân với doanh nghiệp, thị trường, thậm chí xuất khẩu, giúp họ khai thác tiềm năng của địa phương và tạo công ăn việc làm; Giúp người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tránh thất nghiệp và đói nghèo.

PGS.TS Lê Văn Luyện trình bày tham luận tại tọa đàm

Để các tổ chức tài chính vi mô phát huy tối đa tác dụng, PGS.TS Lê Văn Luyện đề nghị cần hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Kết thúc tọa đàm, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế; Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội khẳng định, tài chính vi mô không chỉ là công cụ thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế mà còn đóng vai trò then chốt trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho các cộng đồng nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Bằng cách cung cấp các nguồn lực tài chính thiết yếu cho những đối tượng khó tiếp cận các kênh tài chính truyền thống, tài chính vi mô không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn mà còn mở ra những cơ hội mới để họ vươn lên, cải thiện cuộc sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

"Các ý kiến đóng góp trong buổi tọa đàm hôm nay đã làm rõ hơn hiệu quả thực tiễn của các mô hình tài chính vi mô, không chỉ trong việc nâng cao đời sống người dân mà còn trong việc thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Những câu chuyện thành công và những kết quả đạt được từ các mô hình tài chính vi mô đã chứng minh rằng đây là một công cụ hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững và thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền.", TS. Nguyễn Minh Phong nói.

Đọc thêm