Tòa tuyên án vẫn không biết bị giam hay tù treo

Sau khi nghe tòa tuyên án, 1 trong 3 bị cáo hỏi Hội đồng xét xử: “Em bị giam hay treo?”. Nghe chủ tọa phiên tòa đáp “bị tù giam”, bị cáo này ngã sụp trước vành móng ngựa. Tình huống trên đặt ra vấn đề: Nhiều bị cáo do quá “ngây ngô” về pháp luật nên mới phạm pháp, đến lúc vướng vòng lao lý vẫn chưa hiểu mình phạm tội gì, khung hình phạt ra sao.
 
Cuối tháng 4/2012 vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế xét xử sơ thẩm 3 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi nghe tòa tuyên án, 1 trong 3 bị cáo đã sững sờ hỏi Hội đồng xét xử: “Em bị giam hay treo?”. Nghe chủ tọa phiên tòa đáp “bị tù giam”, bị cáo này ngã sụp trước vành móng ngựa.
Tình huống trên đặt ra vấn đề cần quan quan tâm: Nhiều bị cáo do quá “ngây ngô” về pháp luật nên mới phạm pháp, đến lúc vướng vòng lao lý vẫn chưa hiểu mình phạm tội gì, khung hình phạt ra sao. 
Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa
Lái xe lôi kéo thợ tiện và nông dân đi lừa đảo
Chủ mưu trong vụ án là Nguyễn Xuân Thi (SN 1978, ngụ Thị xã Hương Trà). Thi là tài xế chuyên vận chuyển vật liệu xây dựng thuê, thường xuyên ra vào Công ty TNHH xi măng Luks Việt Nam (cùng địa chỉ trên) để nhận hàng nên phát hiện công ty này có nhiều sơ hở trong quá trình giao nhận hóa đơn xuất hàng.
Cụ thể tại kho hàng của công ty Luks tất cả các xe hàng có nhu cầu đổi mác xi măng hay thay đổi kho nhận hàng đều có thể gặp trực tiếp thủ kho xin lại hóa đơn và phiếu xuất kho đã nộp trước đó. Từ đây, Thi nảy lòng tham, quyết định sẽ lấy trộm hóa đơn rồi lừa bán cho các đại lí bên ngoài.
Để tiện bề hành động, Thi lôi kéo Lê Sĩ Phong (SN 1985, ngụ TP. Huế). Sáng 31/7/2010, Thi vào Công ty Luks dò xét biết được xe ô tô 75K-0696 đang đợi xếp hàng nhận xi măng tại kho liền điện thoại cho Phong. Phong thản nhiên vào Công ty Luks gặp thủ kho, giả làm tài xế của xe 75K-0696 để xin lại hóa đơn của xe này và thành công.
Sau khi cầm trên tay tờ hóa đơn với số lượng 50 tấn xi măng, Phong và Thi trốn ra ngoài. Để tránh bị phát hiện, Thi sử dụng điện thoại di động của Phong liên hệ với bà Đặng Thị Luyện, chủ kinh doanh vật liệu xây dựng trên đường Bùi Thị Xuân lừa bán hóa đơn trên. Hai bên thống nhất mức giá 50 tấn xi măng “trên giấy tờ” là 39 triệu đồng. Khi bà Luyện hỏi về nguồn gốc số hàng trên, hai đối tượng bảo là “xi măng dư ở công trình cần bán lại”. Trong phi vụ này, Thi lấy 37 triệu đồng, chia cho Phong 2 triệu đồng.
9 tháng sau, Thi rủ Trần Quang Hóa (SN 1982, ngụ Thị xã Hương Trà) để thực hiện phi vụ thứ hai. Sáng 14/3/2011 Thi lái xe vào công ty Luks đợi sẵn. Đầu giờ chiều cùng ngày, Hóa đến gặp thủ kho xin lấy lại hóa đơn và phiếu xuất kho để đổi mác xi măng.
Với thủ đoạn trên, Hóa chiếm đoạt thành công 4 tờ hóa đơn ghi 88 tấn xi măng. Số hóa đơn này được Thi gạ bán cho bà Vũ Thị Vui, chủ cửa hàng Vật liệu xây dựng tại thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền với giá 70 triệu đồng. Lần này, Thi cũng tỏ ra keo kiệt khi chỉ chia cho Hóa 2 triệu đồng.
“Đi đêm lắm có ngày gặp ma”
Sau lần “mất” hóa đơn này, Công ty Luks đã phát hiện sự việc và trình báo công an. Ngay sau đó, lái xe Nguyễn Xuân Thi bị công an khoanh vùng nghi can và đã thừa nhận hành vi phạm tội khi bị triệu tập tới cơ quan điều tra. Cùng với Thi, Phong và Hóa cũng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã tỏ rõ thái độ ăn năn hối cải. Riêng đối tượng Thi sau khi biết vợ mình phải vay mượn khắp nơi để có đủ số tiền bồi hoàn cho người bị hại đã bật khóc nức nở xin giảm án. Kết thúc phiên xử, Tòa tuyên phạt Thi 3 năm 6 tháng tù giam, Hóa 2 năm tù và Phong 1 năm 3 tháng tù. 
Dự Tòa, nhiều người không khỏi bật cười trước sự “ngu dốt pháp luật” của các bị cáo khi ngoài bị cáo Thi thì hai bị cáo còn lại hầu như “mù tịt” kiến thức luật pháp. Chẳng hạn như sau khi nghe tòa tuyên phạt, bị cáo Phong ngây ngô hỏi lại rằng: “Tui bị tù giam hay tù treo?”.
Nghe vị chủ tọa đáp lại “Bị cáo nhận tù giam”, Phong quỵ ngã ngay giữ nền hội trường khiến ai nấy “vừa giận vừa thương”. Được biết, ngoài Thi đã tốt nghiệp cấp 2 thì hai bị cáo còn lại chỉ mới học hết lớp 6. Trả lời câu hỏi của HĐXX, các bị cáo cũng thừa nhận do ít hiểu biết về luật pháp nên mới dẫn đến có hành vi phạm pháp.
Nực cười không kém là những lời chửi bới, so bì mức án sau khi phiên tòa kết thúc. Một người thân của bị cáo Phong bức xúc gào thét: “Thằng Thi chiếm đến cả trăm triệu còn con tui chỉ được 2 triệu vậy mà nó cũng phải đi ngồi tù đấy, oan quá...”. Rõ ràng trong vụ án trên Thi là kẻ chủ mưu còn hai đối tượng Phong và Hóa bị người khác lợi dụng mà không hay biết. 
Dẫu sao vụ án cũng đã kết thúc, những kẻ phạm tội cũng đã chịu sự trừng phạt thích đáng của luật định. Chỉ duy nhất có một điều trăn trở đó chính là kiến thức pháp luật còn quá xa vời với người dân, đặc biệt là những người lao động chân tay ít có cơ hội tiếp xúc các văn bản luật. Cũng chính vì lẽ đó mà nguyên tắc xét xử công khai của tòa án nhằm đảm bảo sự giám sát của nhân dân và chức năng giáo dục pháp luật, đạo đức của các phiên tòa càng chứng tỏ tính ưu việt của nó.    
Mai Long

Đọc thêm