Tội ác phía sau những gánh hàng rong

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không ít người nông dân phải ra thành phố hành  nghề buôn bán hàng rong. Cùng là người nghèo, cực nhọc kiếm từng đồng đáng lẽ họ phải thương xót cho nhau. Đằng này chỉ vì chỗ ngồi, vì tranh giành vài ba người khách mà họ nhẫn tâm “thủ tiêu” đồng nghiệp của mình. Khi án mạng xảy ra họ mới bàng hoàng tỉnh giấc thì mọi chuyện đã quá muộn màng. 

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không ít người nông dân phải ra thành phố hành  nghề buôn bán hàng rong. Cùng là người nghèo, cực nhọc kiếm từng đồng đáng lẽ họ phải thương xót cho nhau. Đằng này chỉ vì chỗ ngồi, vì tranh giành vài ba người khách mà họ nhẫn tâm “thủ tiêu” đồng nghiệp của mình. Khi án mạng xảy ra họ mới bàng hoàng tỉnh giấc thì mọi chuyện đã quá muộn màng. 

Giết người chỉ vì giành chỗ bán cá

Ngày 29/8/2011, TAND TP. HCM đã đưa ra xét xử Phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị Ngọc Hương (SN 1967, trú tại Bình Dương) về tội “Giết người”.

Hương phải nhận bản án nghiêm khắc cho tội lỗi mình gây ra
Hương phải nhận bản án nghiêm khắc cho tội lỗi mình gây ra

Theo bản án Sơ thẩm, Hương và chị Hiếu cùng kiếm sống bằng nghề bán cá tôm tại chợ Tô Châu (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Chiều 9/7/2010, thấy Hiếu dọn hàng trước "mặt tiền" của mình, Hương sợ chị này giành hết khách nên xảy ra cự cãi. Bị lép vế, chị Hiếu bỏ về không quên kèm lời hăm dọa.

Nghe vợ kể lại sự tình, chồng Hiếu tức giận gọi điện "mách" với chị ruột là Lê Thị Thúy (36 tuổi) và nhờ sang giải quyết mâu thuẫn. Hôm sau, Thúy rủ thêm người bạn thân rồi cùng Hiếu ra chợ để“làm cho ra nhẽ”.

Đang ngồi làm cá cho khách bằng kéo, Hương bị 3 người đàn bà hùng hổ kéo đến lớn tiếng chửi bới. Sau vài câu cãi vã, Hương bị nhóm người này xông vào đánh. Sẵn cái kéo trên tay, Hương đâm túi bụi vào các "đối thủ" rồi chạy ra ngoài kêu chồng chở về nhà. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng chị Hiếu và người bạn thân của Thúy đã tử vong.

Trước đó ngày 14/6/2011, TAND tỉnh Bình Dương đã phạt Hương mức án 20 năm tù về tội Giết người, Thúy nhận 1 năm 8 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng. Tòa cũng buộc Hương phải bồi thường tổng cộng 120 triệu đồng cho gia đình các nạn nhân và cấp dưỡng cho con họ đến lúc trưởng thành.

Tuy nhiên mức án của Hương đã bị VKSND tỉnh Bình Dương kháng nghị, yêu cầu phúc xử theo hướng tăng lên Chung thân. Còn gia đình các nạn nhân cũng có kháng cáo đòi phải xử bị cáo mức án Tử hình. Riêng Thúy xin được hưởng án treo vì đang nuôi con nhỏ và phải chăm sóc con của các nạn nhân.

Cho rằng hành vi của Hương là đặc biệt nghiêm trọng, làm 2 người phải thiệt mạng. Dù Hương bị đánh trước nhưng bị cáo vẫn còn bình tĩnh để vòng ra sau, đâm nhiều nhát vào các bị hại là thể hiện tính côn đồ. Cấp sơ thẩm chỉ phạt Hương mức án 20 năm tù là chưa tương xứng với tội lỗi và hậu quả gây ra. Từ đó Tòa Phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Bình Dương, tuyên phạt bị cáo án Chung thân về tội Giết người. Còn với Thúy, HĐXX cho rằng chính bị cáo là nguyên nhân dẫn đến vụ án này. Mức án mà tòa Sơ thẩm áp dụng là đúng nên đã bác kháng cáo.

Tử vong vì tranh giành khách quán bún mắm

TAND TP. HCM vừa tuyên phạt Trương Văn Trung (SN 1978, thường trú tại Q.4, TP.HCM) án Chung thân vì tội Giết người, đồng thời buộc bị cáo bồi thường 80 triệu đồng, cấp dưỡng hai người con của nạn nhân đến khi đủ 18 tuổi.

Trung gạt nước mắt khi nghe vị luật sư nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình
Trung gạt nước mắt khi nghe vị luật sư nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình

Theo cáo trạng, Trung là nhân viên bảo vệ tại khách sạn Hải Yến (đường Nguyễn Thiện Thuật, P.3, Q.3), có vợ là Hồ Thị Ngọc Loan bán bún mắm tại chợ Bàn Cờ gần đó. Đối diện với quán chị Loan là điểm bán hàng ăn của vợ chồng anh Trần Đỗ Đức Trí và chị Trương Thị Thanh Nhàn.

Trong quá trình buôn bán, vợ Trung đã có nhiều lần cự cãi với vợ chồng anh Trí liên quan đến chuyện tranh giành khách. Trong lúc đang trực bảo vệ tại khách sạn Hải Yến, Trung nghe nhiều tiếng ồn ào phát ra từ quán ăn của vợ. Nghĩ vợ lại bị vợ chồng anh Trí hiếp đáp, Trung vào quầy lễ tân khách sạn lấy con dao chạy ra đầu hẻm đến quán của vợ. Tuy nhiên, Trung đã bị dân phòng khu phố ngăn lại.

Không chịu thua, Trung thuê xe ôm chạy về nhà ở Q.4 gọi người ra “cứu viện” nhưng không có ai ở nhà. Trung vào nhà lấy một con dao nhọn giấu trong người quay trở ra thì gặp chị Loan vừa về tới. Trung hỏi chuyện vợ nhưng chị Loan ậm ờ cho qua chuyện và khuyên Trung bỏ qua.

Không nghe lời vợ can ngăn, Trung chạy xe đến quán vợ chồng anh Trí, chị Nhàn. Thấy anh Trí đang lom khom làm việc, từ phía sau, Trung đâm một nhát trúng vào lưng nạn nhân. Khi anh Trí vừa quay người lại, Trung đâm thêm một nhát vào ngực trái và bồi thêm nhiều nhát ở trán, mặt, tay… của nạn nhân.

Sau khi gây án, Trung bỏ chạy nhưng đã bị dân phòng khu phố bắt giữ cùng hung khí và đưa về công an P.3, Q.3.

Tại phiên tòa, Trung thừa nhận mọi tội lỗi mà mình gây ra như Cáo trạng nêu. Điệu bộ đầy khổ sở, Trung cố biện minh: "Vợ chồng họ đã ép, đánh gia đình bị cáo nhiều năm nay rồi. Càng ngày càng dồn gia đình bị cáo vào ngõ cụt. Bị cáo chỉ muốn cảnh cáo họ thôi nhưng không ngờ đến nông nỗi này...".

Vợ Trung nước mắt lưng tròng: "Nhiều lần công an phường mời hai bên lên giảng hòa. Chúng tôi đã viết cam kết không gây gổ nữa nhưng anh chị ấy lúc nào cũng kiếm chuyện. Thấy khách đến hàng ăn của tôi, họ hăm dọa “ăn quán bên đó coi chừng đổ máu” làm khách sợ mà đi hết… ".

Mất mạng vì đoạn vỉa hè

Nguyễn Thị Hoa và chị Kim Anh thường ngồi bán mũ bảo hiểm ở vỉa hè đường Láng (phía bờ sông Tô Lịch, gần cầu Cống Mọc), thuộc địa bàn phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Khoảng 15h ngày 11/3/2011, Hoa đến vỉa hè đối diện với số nhà 404 đường Láng bán mũ bảo hiểm.

Ngay lúc đó, chị Kim Anh cũng đến ngồi bên cạnh phía tay phải của Hoa để bán. Ít phút sau, CA phường Láng Hạ, Hà Nội đi kiểm tra thì Hoa nhanh chân thu dọn được quầy mũ chạy thoát còn chị Kim Anh bị tổ công tác đưa về trụ sở CA phường để xử lý về việc lấn chiếm vỉa hè.

Sau khi lực lượng CA làm nhiệm vụ đi khỏi, Hoa tiếp tục mang mũ bảo hiểm ra chỗ cũ ngồi bán và có lấn sang chỗ trước chị Kim Anh ngồi. Sau khi ở trụ sở CA phường Láng Hạ về, chị Kim Anh thấy Hoa ngồi bán nên đã xông vào đòi chỗ dẫn đến việc hai bên cãi nhau rồi lao vào giật áo, túm tóc, cào cấu mặt nhau. Giằng co, đánh nhau được khoảng 3 phút thì cả Hoa và chị Kim Anh cùng ngã xuống vỉa hè. Chị Kim Anh ngã ngửa, đập đầu xuống vỉa hè bất tỉnh, còn Hoa ngã nghiêng người về phía bên trái.

Hoa ngồi dậy nhưng vẫn thấy chị Kim Anh nằm bất động nên đã gọi mọi người xung quanh đến cứu và trực tiếp Hoa đã xoa dầu gió cho chị Kim Anh nhưng cô gái vẫn không tỉnh lại. Anh Trần Quang Thành, chồng của Hoa cũng bán mũ bảo hiểm gần đó đã dùng xe máy đưa chị Kim Anh vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tuy nhiên, Kim Anh đã tử vong trước khi vào bệnh viện. Đến 20h, ngày 12/3/2010, Hoa đã đến cơ quan Công an đầu thú. Căn cứ vào tài liệu điều tra, chứng cứ thu thập được và lời khai nhận tội của bị can, Viện KSND quận Đống Đa, Hà Nội đã truy tố đối với Nguyễn Thị Hoa về hành vi "Cố ý gây thương tích" theo khoản 3, Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa ngày 13/6/2011, HĐXX TAND quận Đống Đa cho rằng Cáo trạng truy tố đã đúng người đúng tội nên đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hoa 7 năm tù giam và phải bồi thường cho phía bị hại 65 triệu đồng.

Thiệt cả đôi bên

Hầu hết những gia đình bị hại và bị cáo đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, bị cáo đã tước đoạt mạng sống của nạn nhân khiến cho gia đình tan nát, chồng mất vợ, vợ mất chồng, những đứa con nhỏ phải sống trong cảnh không cha, không mẹ.

Đành rằng những kẻ gây tội ác sẽ phải trả giá bằng những năm tháng lao tù nhưng nỗi đau mất người thân chỉ vì “gánh hàng rong” đến bao giờ mới nguôi ngoai?

Để giảm bớt những nỗi đau không đáng có này, chính quyền sở tại nên xây dựng các tiêu chí văn hóa đường phố vận động nhân dân quanh khu vực không hoạt động bán hàng rong, kiên quyết xử lý những người vi phạm. Sao cho môi trường xã hội được nề nếp, an toàn, từ đó mà hạn chế những nảy sinh, tranh chấp không đáng có.

Dương Tử

Đọc thêm