(ĐNĐT) - Thiếu điện, thủy điện xả lũ, nhập siêu, giá cả tăng cao... là những vấn đề được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội, hôm nay 22-11.
|
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội (Ảnh: TTXVN) |
Một số dự án thủy điện vận hành chưa đúng quy trình
Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), thời gian qua, tình hình mưa lũ đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, trong đó có một phần nguyên nhân do thủy điện xả lũ. Tuy nhiên, "Bộ trưởng trả lời chung chung, không đưa ra số liệu minh chứng trong khi theo số liệu các sở, đài khí tượng thủy văn đưa ra thì rõ ràng có sự liên quan. Mong Bộ trưởng trả lời một cách thuyết phục hơn bằng số liệu", ĐB Hương chất vấn.
"Tôi chưa bao giờ có câu trả lời về sự không liên quan giữa lũ lụt và thủy điện... Lũ lụt làm đảo lộn đời sống người dân, tôi rất chia sẻ nhưng phải nhìn nhận dưới góc độ nhiều nguyên nhân. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị", Bộ trưởng Hoàng nói.
Tiếp tục chất vấn, đại biểu Hương đề nghị Bộ trưởng cho biết chính kiến của mình về việc người dân có được bồi thường thiệt hại do việc xả lũ của các nhà máy thủy điện gây ra. Đây cũng là vấn đề mà đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng làm rõ cơ chế hỗ trợ dân khi các hồ thủy điện xả lũ làm lũ nặng hơn.
"Trên quan điểm tổng thể, nếu các nhà máy thuỷ điện gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân", ông Hoàng trả lời.
Thừa nhận vừa qua một số dự án thủy điện vận hành chưa đúng quy trình, trước khi xả lũ, Ban quản lý nhà máy chưa kịp thời báo cáo với UBND địa phương, ông Hoàng cho biết, Bộ Công thương đang tiến hành rà soát các thủy điện trên toàn quốc và kiên quyết dừng hoặc bãi bỏ các dự án kém hiệu quả có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả kinh tế xã hội. Trên cơ sơ đó, sẽ đánh giá lại những vấn đề được và chưa được của thủy điện, xác định mức độ và trách nhiệm (nếu có) trong việc gây ra lũ lụt.
Trên quan điểm tổng thể, nếu các nhà máy thuỷ điện gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
|
"Chia lửa" với Bộ trưởng Công thương, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây lũ lụt vừa qua ở miền Trung là do biến đổi khí hậu. "Tôi xin lấy ví dụ cụ thể. Ở Ninh Thuận, lượng mưa trong 7 ngày đầu tháng 11-2010 bằng tổng lượng mưa 1 năm ở tỉnh này; còn lượng mưa ở Nha Trang 4 ngày xấp xỉ bằng 1 năm", ông Nguyên cho biết.
Nhiều dự án điện chậm tiến độ
Trả lời chất vấn của các đại biểu về tình trạng thiếu điện thời gian qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận tình hình thiếu điện diễn ra trên phạm vi rộng trong mùa khô vừa qua, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, có nguyên nhân là do chưa thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra trong Tổng sơ đồ điện VI.
Bộ trưởng cũng thừa nhận việc cung ứng điện có thời điểm, có nơi chưa thật sự công bằng, chưa minh bạch. Vừa qua EVN đã kiểm tra, chỉ đạo, yêu cầu những đơn vị cung ứng điện chấn chỉnh, xin lỗi người dân.
Chất vấn về việc chậm tiến độ của các dự án điện, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị Bộ trưởng "cho biết nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chọn năng lực nhà thầu yếu hay không? Nếu có thì Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ và các ngành hữu quan như thế nào?”.
Không trả lời trực tiếp vào vấn đề, ông Hoàng cho biết sơ đồ điện VI được triển khai đúng vào giai đoạn nền kinh tế gặp khủng hoảng, hầu hết các dự án, công trình bị chậm tiến độ do việc thu xếp vốn gặp khó khăn. Các dự án này đều sử dụng vốn vay thương mại chứ không phải nguồn vay ưu đãi.
Được yêu cầu báo cáo bổ sung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu điện, trong đó có thiếu vốn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; phần lớn các công trình điện hiện nay đều vướng khâu giải phóng mặt bằng, nhiều công trình chậm tiến độ đến 2-3 năm; giá điện ở Việt Nam thấp hơn các nước khu vực nền không hấp dẫn nhà đầu tư; năng lực chủ đầu tư và nhà thầu có hạn chế.... "Thiếu điện, với tư cách thành viên Chính phủ, Ban chỉ đạo quy hoạch điện VI, tôi xin nhận trách nhiệm về việc thiếu điện thời gian qua", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các đại biểu cũng đã yêu cầu người đứng đầu ngành Công thương trả lời về vấn đề nhập siêu gia tăng, giá cả tiêu dùng tăng vượt tầm kiểm soát. Đây là những vấn đề, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, "liên quan sát sườn đến đời sống của nhân dân".
ĐNĐT
Nhập siêu giảm dần theo từng năm Trả lời chất vấn các đại biểu về nhập siêu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, xét về tổng thể chúng ta vẫn nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, và đây là thách thức thức đối với nền kinh tế. Thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, theo từng năm con số này đã giảm, nếu như năm 2008 nhập siêu 18 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì năm 2009 là 12,9 tỷ USD (chiếm 22,5%), năm 2010 nhập siêu còn 11,9-12 tỷ USD ( chiếm 17%). Như vậy về con số tuyệt đối đã cơ bản giảm. Bộ trưởng cho rằng, vì chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển nên bắt buộc phải nhập khẩu hàng hoá, máy móc thiết bị với tỷ trọng lớn. Trong đó, hầu hết nguyên vật liệu chúng ta chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đúng. Chẳng hạn dệt may, xuất khẩu được 11 tỷ USD nhưng phải nhập khẩu tới 60%, da giày cũng vậy. Theo mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ nhập siêu xuống còn 14%. Sau 2015 sẽ tiến tới cân bằng cán cân thương mại, ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Chinhphu.vn |