Tội phạm tạo ra ước tính khoảng 2,1 nghìn tỷ USD trong tổng doanh thu toàn cầu mỗi năm, tương đương 3,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và đang ngày càng lớn mạnh bất chấp sự suy thoái khắp nơi trên thế giới, một quan chức cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 23/4 nói.
“Điều này đưa ngành kinh doanh phi pháp thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới” - ông Yury Fedetov – người đứng đầu văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) nói. Ông Fedetov cũng mô tả “nền kinh tế” này như một mối đe dọa với an ninh và phát triển kinh tế.
Đây là lần đầu tiên con số này được UNODC và Ngân hàng thế giới ước tính và công bố dựa trên những dữ liệu năm 2009. Phát biểu tại buổi khai mạc cuộc họp kéo dài 1 tuần của Ủy ban quốc tế về phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự (CCPCJ), ông Fedetov khuyến cáo tình hình này có thể sẽ còn xấu đi.
Fedetov cho hay, đã có tới 40 tỉ USD bị thất thoát hàng năm do nạn tham nhũng tại các nước đang phát triển và thu nhập bất hợp pháp từ nạn buôn người đã lên tới 32 tỉ USD mỗi năm.
“Theo một số ước tính, đã có lúc, 2,4 triệu người là nạn nhân của nạn buôn người - một loại tội phạm đáng xấu hổ của loại hình nô lệ thời hiện đại” – ông Fedetov nói thêm và dẫn thêm một loạt các loại tội phạm khác mang lại lợi nhuận cao.
Cũng tại cuộc họp, ông Brian Nichols – một quan chức tại Văn phòng các vấn đề ma túy và thực thi pháp luật quốc tế của Mỹ - nhận định các nhóm tội phạm đã cho thấy khả năng thích ứng “ấn tượng” với hành động của cơ quan thực thi pháp luật.
“Ngày nay, các tổ chức tội phạm thường được tổ chức dưới hình thức mạng lưới lỏng lẻo và chỉ hội họp khi thuận tiện và tham gia vào những hoạt động tội phạm đa dạng” – ông Nichols nói. Ông cũng nói về việc các nhóm khủng bố đang chuyển dần sang tội phạm để kiếm tiền cho các hoạt động của mình.
“Thậm chí có những trường hợp nơi những kẻ khủng bố đang biến thành những doanh nhân tội phạm” – ông Nichol nói thêm.
Bảo An (Theo Reuters)