Với tổng số gần 1000 di tích được phát hiện, kiểm kê, Hải Phòng là một trong những địa phương có hệ thống di tích phong phú, đa dạng trong cả nước. Hệ thống di tích đó là tài sản quý nhưng đồng thời cũng đặt thành phố trước bài toán trùng tu, tôn tạo và gìn giữ, phát huy giá trị di tích trong cuộc sống. Trùng tu thế nào phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương và vẫn giữ được yếu tố gốc, nét đặc trưng của công trình là vấn đề lớn cần được quan tâm.
Đình Dư Hàng (quận Lê Chân) vừa được khởi công tu bổ Ảnh: Đỗ Hiền |
Những tín hiệu vui
Cùng với sự ra đời của Luật Di sản (năm 2001) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản (năm 2009), công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Hiện, việc tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn thành phố được hưởng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích của quốc gia và của thành phố. Với việc tranh thủ nguồn vốn trung ương, trong 5 năm (2006-2010), Hải Phòng thực hiện nhiều công trình, dự án tôn tạo các di tích cấp quốc gia trên địa bàn thành phố như dự án tu bổ, tôn tạo di tích từ Lương Xâm (quận Hải An), đền Nghè (quận Lê Chân), đình Khinh Giao (huyện An Dương), đền thờ Nữ tướng Lê Chân (xã An Tín, huyện An Lão), đền Gắm (huyện Tiên Lãng), đình Tả Quan (huyện Thủy Nguyên)… và gần đây nhất là dự án tu bổ di tích đình Cung Chúc (huyện Vĩnh Bảo) và đình Dư Hàng (quận Lê Chân).
Dự án bố trí ngân sách đầu tư chống xuống cấp các di tích cấp thành phố khoảng 1 tỷ đồng/năm được triển khai từ năm 2008 đến năm 2012. Với số tiền đó, mỗi năm thành phố sẽ tu bổ khoảng 10 di tích. Như vậy, qua 5 năm, Hải Phòng sẽ có thêm gần 60 di tích được tu bổ, tôn tạo. Cộng với lượng di tích tại các địa phương được tôn tạo bằng hàng trăm tỷ đồng huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, có thể thấy rằng, hệ thống di tích trên địa bàn thành phố hiện được quan tâm, đầu tư rất lớn. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích có nhiều tín hiệu đáng mừng.
Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lại Đình Ngọc, nhìn chung, việc tu bổ, tôn tạo các di tích được triển khai tốt. Các di tích sau tu bổ đều phát huy giá trị, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân. Tiêu biểu như di tích từ Lương Xâm sau tu bổ, tôn tạo được khoanh vùng, không còn bị xâm hại, cơ sở vật chất được nâng cấp. Theo thống kê của Ban quản lý di tích, lượng khách tham quan tăng nhiều so với trước. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Nghè, với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng đã trả lại cho di tích diện mạo vốn có, phục vụ tốt nhu cầu chiêm bái của du khách thập phương. Hiện, đền Nghè là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong khu vực nội thành Hải Phòng.
Vẫn khó khăn trong gìn giữ yếu tố gốc của di tích
Số lượng di tích được trùng tu, tôn tạo lớn chứng tỏ sự quan tâm của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng đối với việc gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống cha ông để lại. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, sự quan tâm đó nếu không được thực hiện một cách bài bản, đúng nguyên tắc sẽ dẫn đến hệ quả xấu là làm biến dạng di tích, méo mó lịch sử. Một trong những nguyên tắc cơ bản trong tu bổ di tích là quá trình tu bổ, tôn tạo phải gìn giữ được những yếu tố gốc của di tích đó.
Theo ông Nguyễn Đình Chỉnh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ di tích (thuộc Bảo tàng Hải Phòng), hiện nay, việc gìn giữ yếu tố gốc của di tích được thực hiện khá tốt ở các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng. Tuy nhiên, với những di tích chưa xếp hạng, được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa thì nguyên tắc này nhiều khả năng bị vi phạm. Như trường hợp đình Hạ Trang, xã Bát Trang (huyện An Lão), dù được đầu tư với số tiền hơn 30 tỷ đồng nhưng theo ý kiến của nhiều nhà chuyên môn, công trình không còn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng của một đình làng truyền thống.
Nguyên nhân của tình trạng này là do khi tu bổ hay phục dựng di tích, cần thiết có sự tư vấn, hướng dẫn của các cơ quan chức năng để xây dựng bản thiết kế công trình. Tuy nhiên, nhiều công trình tu bổ, phục dựng di tích không báo cáo các cơ quan chức năng, dẫn tới chất lượng công trình không được bảo đảm. Ông Chỉnh cũng cho biết, hiện Phòng Nghiệp vụ di tích chỉ có 4 cán bộ làm công tác chuyên môn thực sự trong khi thành phố có đến gần 1.000 di tích. Trước thực tế đó, việc có những di tích tu bổ mà không giữ được yếu tố gốc của công trình là điều khó tránh khỏi. Mong rằng thời gian tới, các cơ quan chức năng của thành phố quan tâm, giải quyết bất cập này, để công tác trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố đạt được hiệu quả như mong đợi.
Như Vân