Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế: 3 tháng cuối năm, TP Hồ Chí Minh phải thu ít nhất 60.000 tỷ tiền thuế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 9 tháng đầu năm 2921, thu ngân sách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đạt 73,35% dự toán. Để hoàn thành dự toán năm, trong quý IV/2021, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh còn phải thu tối thiểu 60.000 tỷ đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chia sẻ với khó khăn của Cục thuế TP Hồ Chí Minh
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chia sẻ với khó khăn của Cục thuế TP Hồ Chí Minh

Nhiều khoản thu sụt giảm

Tại cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Thuế mới đây, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Lê Duy Minh - cho biết, tổng thu nội địa trên địa bàn 9 tháng là 188.422 tỷ đồng, đạt 73,35% dự toán. Trong đó, thu nội địa trừ dầu là 177.726 tỷ đồng, đạt 71,56% dự toán. Thu nội địa trừ dầu, trừ xổ số kiến thiết, trừ tiền sử dụng đất, trừ lợi nhuận còn lại là 166.714 tỷ đồng, đạt 72,55% dự toán.

Theo Cục trưởng Lê Duy Minh, có được kết quả trên là do số thu 4 tháng đầu năm luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tổng thu 5 tháng đầu năm 2021 tăng 22,07%, là mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu xét tốc độ tăng thu từ khu vực kinh tế thì thu 5 tháng đầu năm 2021 đạt tốc độ tăng cao nhất trong giai đoạn 2017-2021.

Tuy nhiên đến tháng 8, khi thành phố thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, số thu suy giảm nhanh. Tổng thu tháng 9 chỉ còn 9.778 tỷ đồng là mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Với tình hình như vậy, số thu thực tế đã hụt so với ước dự kiến thu quý III/2021 là 8.220 tỷ đồng.

Một số khoản thu chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 như: thu từ thuế thu nhập cá nhân từ tháng 7 đến nay liên tục có tốc độ tăng trưởng âm. Thu tiền sử dụng đất trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 43,18% dự toán và giảm 8,73% so với cùng kỳ...

Đáng chú ý, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh - có số thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 42,7%) và có tổng thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tăng cao nhất trong 4 khu vực kinh tế. Tuy nhiên, do khu vực này tập trung nhiều DN vừa và nhỏ nên dưới áp lực giãn cách xã hội thì nhóm này dễ tổn thương nhất và thực tế đã phản ánh qua số thu của khu vực này trong tháng 9 sụt giảm 76,2% so với cùng kỳ.

Để hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cần tập trung nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra

Để hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cần tập trung nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra

Nhiệm vụ khó khăn...

Mặc dù từ 1/10, TP. Hồ Chí Minh đã được nới lỏng giản cách, nhưng theo Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, nhiệm vụ thu ngân sách còn rất khó khăn, do khu vực TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương - Long An vẫn phải tiếp tục duy trì kiểm soát người ra vào khu vực và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nên việc tái khởi động lại hoạt động của các DN cần có thêm thời gian.

Ngoài ra, nguồn thu của TP. Hồ Chí Minh cũng chịu ảnh hưởng lớn của các chính sách hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong đó, thực hiện chính sách giảm 30% thuế TNDN thì số thu ước tính giảm 1.200 tỷ đồng, trong đó số thu trong năm 2021 là 700 tỷ đồng, năm 2022 là 500 tỷ đồng.

Chính sách giảm thuế GTGT ước tính tác động làm giảm số thu là 1.400 tỷ đồng, trong đó 2 tháng cuối năm 2021 là 700 tỷ đồng, năm 2022 là 700 tỷ đồng. Chính sách miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, sẽ làm giảm số thu là 1.500 tỷ đồng, trong đó năm 2021 là 1.200 tỷ đồng, năm 2022 là 300 tỷ đồng. Chính sách miễn giảm 30% tiền thuê đất, ước tính giảm thu năm 2021 là 776 tỷ đồng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuần, để hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2021, trong quý IV/2021, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh còn phải thu tối thiểu 60.000 tỷ đồng. “Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp!” - người đứng đầu ngành Thuế chia sẻ.

Để thực hiện được mục tiêu này, Tổng cục trưởng đề nghị Cục Thuế thành phố cần tập trung nhân lực cho công tác thanh, kiểm tra, trong đó đẩy mạnh thanh, tra kiểm tra thuế điện tử và kiểm tra tại bàn. Có giải pháp đôn đốc các đơn vị nộp đầy đủ các khoản thuế đã có kết luận thanh kiểm tra; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận tăng thu của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.

Ông Cao Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính Đề án tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, đồng thời xây dựng các nội dung để Bộ trưởng Bộ Tài chính làm việc với các bộ, ngành có liên quan ký quy chế phối hợp. Do đó, Cục Thuế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế triển khai tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa, đa dạng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán, các nhà mạng để nắm cụ thể các giao dịch, doanh thu, thu nhập từ các nhà cung cấp nước ngoài, từ đó có cơ sở đề nghị các tổ chức này kê khai và nộp thuế.

Để giảm nợ đọng thuế trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác phối hợp giữa các phòng chức năng, cũng như tranh thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương để tổ chức thực hiện các biện pháp thu hồi nợ đọng, đặc biệt là các khoản nợ liên quan đến đất, không để nợ mới phát sinh.

“Nhiệm vụ trong những tháng cuối năm còn rất lớn, do đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế mong toàn thể cán bộ, công chức Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu, thi đua trong thực hiện nhiệm vụ theo từng tháng, quý trên cơ sở đó giao cho từng đơn vị, từng cán bộ để nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đọc thêm