Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII diễn ra từ ngày 20/10 đến 27/11/2009. Quốc hội làm việc thực tế trong 32 ngày. Trong đó tiến hành 45 phiên họp toàn thể cho ý kiến về 34 báo cáo, tờ trình và dự án Luật; tiến hành 15 phiên thảo luận tổ; Dành 9 phiên họp toàn thể để giám sát, xem xét và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn ĐBQH tỉnh hái Nguyên đã tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri.
1. Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. Các vị ĐBQH Đoàn Thái Nguyên đã có 6 lượt ý kiến thảo luận tổ và 2 ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường về việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009, nhiệm vụ năm 2010; tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010. Các ý kiến thảo luận tập trung về vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát , đảm bảo nguồn hàng góp phần bình ổn thị trường; về vấn đề kỷ luật tài chính và việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước; về hiệu quả thực hiện gói kích cầu của Chính phủ; về vấn đề phát triển vùng… Các vị ĐBQH kiến nghị phải tăng cường kỷ luật tài chính trong năm 2010 và những năm tiếp theo, cần thiết thì đề nghị Quốc hội quyết định giới hạn mức chi vượt dự toán; đề nghị có gói kích cầu thứ 2 trong năm 2010, tập trung vào các mục tiêu dài hạn; đề nghị cần phải có sự đánh giá rõ hơn, kỹ hơn vấn đề phát triển vùng và tiếp tục có cơ chế chính sách đầu tư theo vùng, cả vùng khó khăn và vùng kinh tế trọng điểm.
|
Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tại một buổi thảo luận tổ |
2. Tham gia công tác xây dựng pháp luật. Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành 13 buổi thảo luận tổ và 18 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường để xem xét, góp ý về 18 dự án luật, trong đó có 7 dự án luật được thông qua. Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã có 49 ý kiến thảo luận tổ và 8 ý kiến thảo luận tại hội trường. Các ý kiến tham gia thảo luận của các ĐBQH Đoàn Thái Nguyên tập trung phân tích và thể hiện quan điểm về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của các dự án Luật. Từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động, chỉ đạo, giám sát ở địa phương và kinh nghiệm xây dựng pháp luật của mình, các vị ĐBQH cũng kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhiều ý kiến để các dự án Luật khi ban hành sẽ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và có tính khả thi cao. Về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Vượng đề nghị Chính phủ phải phải đề ra một loạt biện pháp quản lý kèm theo để đảm bảo lợi ích của Nhà nước phải đến được đúng đối tượng và công trình đảm bảo yêu cầu về chất lượng; đồng thời đề xuất một giải pháp là có thể ban hành một cơ chế, chính sách về tín dụng cho công nhân, người lao động và CBCC được vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua nhà ở thay vì giảm thuế suất cho doanh nghiệp như quy định của dự thảo Luật. Thảo luận về dự án Luật thuế tài Nguyên, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng dự thảo Luật phân cấp quá nhiều thẩm quyền cho Chính phủ qui định về thuế tài nguyên, đề nghị giảm bớt việc phân cấp cho Chính phủ, nên giao thẩm quyền quyết định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phù hợp với Hiến pháp về thẩm quyền quyết định các sắc thuế. Về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Ðại biểu Lê Thị Nga đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có ý kiến chính thức về việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với dự thảo Luật NHNNVN (sửa đổi). Để đảm bảo tính khả thi của Điều 20, dự án Luật dân quân tự vệ khi triển khai thực hiện, đại biểu Phan Văn Tường đề nghị tách huấn luyện thường xuyên và huấn luyện hoạt động tác chiến phục vụ chiến đấu của lực lượng tự vệ. Huấn luyện thường xuyên không phải đảm bảo chi trả trợ cấp mà chỉ khi nào hoạt động phục vụ chiến đấu hoặc chiến đấu của lực lượng và các cấp có thẩm quyền điều động thì mới chi trả, coi đây là nghĩa vụ tham gia bắt buộc của từng người trong độ tuổi. Giải thích rõ hơn dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, đại biểu Phạm Mạnh Hùng phân tích về 4 yếu tố mang tính chất đổi mới trong dự thảo sửa đổi lần này sẽ tạo thêm những cơ sở pháp lý để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
3. Tham gia hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã có 2 ý kiến thảo luận về nội dung giám sát nêu trên. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng các tập đoàn và tổng công ty nhà nướccó 4 lợi thế rất quan trọng. Đó là lợi thế về vốn, lợi thế về đất đai, lợi thế về yếu tố cạnh tranh và lợi thế thứ tư là niềm tin xã hội. Tuy nhiên, theo nhận định của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhiều doanh nghiệp nhà nước đã không tận dụng được những lợi thế này, thậm chí lãng phí nó. Trên cơ sở phân tích đó, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị có quy định rõ hơn về cơ chế để công khai hoá và minh bạch hoá hơn nữa hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội và cử tri giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của những doanh nghiệp này; phải có lộ trình rõ hơn việc thực hiện tách nghĩa vụ xã hội với phần lợi nhuận kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; Nhà nước với tư cách chủ sở hữu thì cần có những tác động trực tiếp đến việc tổ chức lại, cơ cấu sở hữu, xác định chiến lược và phương hướng hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Đại biểu Nguyễn Văn Thời phân tích và kiến nghị về công tác quản lý vốn nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đại biểu Nguyễn Văn Thời cho rằng công ty quản lý vốn nhà nước (SCIC) không thể thực hiện tốt chức năng của mình do số lượng người và năng lực quản lý của một số người của công ty không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Thời đề nghị khẩn trương thực hiện việc đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX; khi thực hiện tái cấu trúc lại các doanh nghiệp Nhà nước thì nên phân ra hai loại: loại thứ nhất là các doanh nghiệp thực hiện chính sách an sinh xã hội rõ ràng, thứ hai là doanh nghiệp có tính chất kinh doanh thuần túy; chuyển từ cấp vốn cho doanh nghiệp sang việc đầu tư vốn. Đầu tư vào những doanh nghiệp thực hiện chính sách an sinh xã hội thì không thu lãi thông qua cổ tức hoặc có thể thu với mức thấp; những doanh nghiệp kinh doanh thực sự thì thu lãi thông qua cổ tức để tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
4. Tham gia hoạt động chất vấn. Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên có 4 chất vấn bằng văn bản, (2 chất vấn Bộ Công Thương, 1 chất vấn Bộ Công an, 1 chất vấn Bộ Y tế) và 1 chất vấn trực tiếp Thống đốc Ngân hàng nhà nước tại hội trường. Các chất vấn của ĐBQH tập trung về các vấn đề trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng nhà nước trong việc để đồng tiền Việt Nam trượt giá, giải pháp giúp Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định giá trị đồng tiền, không tiếp tục bị trượt giá trong thời gian tới; Về giải pháp để đảm bảo kinh doanh xăng dầu lành mạnh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; Về nguyên nhân của việc khan hiếm xe ô tô và giá xe bị đẩy lên trong thời gian vừa qua và giải pháp khắc phục tình trạng này; Về hiệu quả kinh tế-xã hội của việc xử lý các vụ vi phạm về môi trường; Về nguyên nhân cơ bản nhất của tình trạng tai nạn giao thông vẫn không có chiều hướng giảm và giải pháp để sớm giảm thiểu tình trạng này; Về giải pháp khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Các vị ĐBQH đã nhận được văn bản trả lời của các Bộ trưởng về các nội dung chất vấn.
5. Tham gia quyết định những vấn đề quan trọng.
Tại kỳ họp này, sau khi nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện một số công trình quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Thủy điện Sơn La, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Quốc hội đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hai dự án trọng điểm là Dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Về Dự án Nhà máy Thủy điện Lai Châu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cơ bản đồng tình với tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Vượng đề nghị Chính phủ cần phân tích, giải trình và làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến dự án. Đề nghị Chính phủ phải có sự quan tâm hơn nữa và có biện pháp cụ thể để thực hiện tốt vấn đề di dân tái định cư, đảm bảo người dân đến nơi ở mới phải có điều kiện sống và làm việc thực sự tốt hơn nơi ở cũ. Bổ sung làm rõ hơn vấn đề rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để đảm bảo an toàn cho dự án; đề nghị làm rõ hơn hiệu quả kinh tế của dự án.
Về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đều bày tỏ quan điểm đồng tình, nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN và MT. Bên cạnh đó, đề nghị phải đặt vấn đề an toàn lên trên hết, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình công nghệ và quy định về đảm bảo an toàn; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đền người dân, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nhân lực phục vụ cho mục tiêu lâu dài.
Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã góp phần vào sự đổi mới các kỳ họp của Quốc hội theo hướng ngày càng chất lượng và thực chất.
Đình Hải lược ghi