Tổng hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 đến ngày 25//3: Mỹ đã hết tự tin, đối mặt với nguy cơ trở thành tâm dịch, Italia mất hy vọng dịch đi xuống

(PLVN) - Chỉ một thời gian ngắn trước đây, Tổng thống Mỹ đã khá tự tin khi đối diện với dịch bệnh do Sars-CoV-2 gây ra. Nhưng đến thời điểm hiện tại, quốc gia này đang phải đối mặt vớt nguy cơ to lớn. Trong khi đó, sau 3 ngày tràn đầy hy vọng, số ca tử vong ở Italia lại  bất ngờ tăng trở lại.
Tổng hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 đến ngày 25//3: Mỹ đã hết tự tin, đối mặt với nguy cơ trở thành tâm dịch, Italia mất hy vọng dịch đi xuống

Tính đến sáng 25/3, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tới nay đã xuất hiện tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong vòng 24 giờ qua có thêm 2.091 người thiệt mạng và 38.816 ca bệnh mới,

Như vậy, đến thời điểm hiện nay, tổng số ca mắc bệnh trên toàn thế giới lên trên 417.600 người, 18.605 người tử vong do Covid-19.

Tính đến rạng sáng 25/3 (theo giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận tổng cộng 53.996 trường hợp mắc COVID-19 và 685 ca tử vong, tăng 132 trường hợp so với một ngày trước đó. Mỹ trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 thế giới bởi dịch COVID-19, sau Trung Quốc và Italy. Tổng thống Donald Trump đã ban bố lệnh thảm họa ở 3 bang và tuyên bố bất kỳ ai đi khỏi thành phố này cũng nên tiến hành cách ly 14 ngày.

Trước  đó,  tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới. Theo người phát ngôn WHO Margaret Harris, trong 24 giờ qua, 85% số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 xảy ra tại châu Âu và Mỹ, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ chiếm tới 40%.

Bà Harris nhận định trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh tại Mỹ, quốc gia này có nguy cơ trở thành tâm dịch mới.

Theo số liệu đến hết ngày 24/3, Italy đã có gần 70.000 ca mắc Covid-19, tuy nhiên tốc độ lây nhiễm của dịch có dấu hiệu giảm dần khi tỷ lệ tăng ca nhiễm mới trong ngày 24/3 chỉ ở mức 7%, thấp nhất trong hơn 1 tuần qua.

Điều đáng ngại là số ca tử vong lại tăng cao trở lại sau 3 ngày giảm, với 743 nạn nhân mới, con số cao thứ hai trong một ngày từ trước đến nay. Tổng cộng, số người thiệt mạng từ đầu dịch ở Italy đã lên tới 6.820 người, cao hơn gấp hai lần số ca tử vong tại Trung Quốc.

Điều đáng lo ngại là thông tin được tờ báo “Cộng hoà” của Italy ngày 24/3 đăng tải: Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Italy, Angelo Borrelli thừa nhận, số ca mắc Covid-19 được công bố cho đến nay tại Italy có thể chỉ là 1/10 con số thực tế. Vì Italy chưa thực hiện xét nghiệm nhiều trên quy mô lớn và số lượng những người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng tại nước này có thể cao hơn nhiều so với các tính toán ban đầu.

Theo các số liệu cập nhật tính đến 10h sáng 25/3 (giờ địa phương), Australia đã có hơn 2.300 ca nhiễm Covid-19, tăng hơn 400 ca nhiễm mới so với sáng qua (24/3), trong đó 8 trường hợp đã tử vong. New South Wales hiện là bang có nhiều ca mắc Covid-19 nhất, với 1.029 trường hợp.

Tại Nhật Bản, sự kiện được chờ đợi nhất trong năm là Thế vận hội Tokyo 2020 (Olympic Tokyo 2020) đã phải hoãn vì dịch COVID-19. Ngày 24/3, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 và Nhật Bản đã nhất trí hoãn tổ chức sự kiện thể thao được cả thế giới mong đợi này sang năm 2021, lùi 1 năm so với kế hoạch hiện nay.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết tính đến hết ngày 24/3 theo giờ địa phương, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.193 người, chưa kể 710 ca mắc trên tàu Diamond Princess được cách ly tại cảng Yokohama. Đến nay, Nhật Bản ghi nhận 52 ca tử vong do COVID-19, bao gồm các trường hợp trên tàu du lịch này.

Tại Tây Ban Nha trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 514 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.696 người, tăng 23,5% so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới tăng gần 20% lên 39.673 trường hợp.

Chính phủ Anh thông báo nước này trong 24h qua đã có thêm 87 ca tử vong sau khi xét nghiệm dương tính virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 422 người. Tính tới ngày 25/3, Anh ghi nhận 8.077 ca mắc COVID-19, tăng hơn 1.400 ca so với mức 6.650 ca trong ngày 23/3.

Hạ viện Anh đã thông qua dự luật khẩn cấp mới trao thêm quyền hạn cho chính phủ nước này trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Việc dự luật chống virus SARS-CoV-2 được thông qua chỉ trong 1 ngày cho thấy quốc gia châu Âu này đang khẩn trương ứng phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi tại nước này.

Tính tới ngày 25/3, Đức ghi nhận có 32.986 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 157 người tử vong.

Đức cũng là quốc gia châu Âu bị dịch bệnh tấn công mạnh. Ngày 24/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tuyên bố chính phủ nước này sẽ quay trở lại chính sách "thắt lưng buộc bụng" sau khi cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 qua đi.

Phát biểu trên đài truyền hình DZF, Bộ trưởng Altmaier nêu rõ nước Đức đang sử dụng tiền dựa trên những điều kiện thị trường vốn thuận lợi, khi người dân tin tưởng vào chính phủ. “Cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế châu Âu cũng đã thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (812,25 tỷ USD) nhằm giảm thiểu các tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế. Đó là một loạt biện pháp hỗ trợ các công ty trong khủng hoảng và Bộ trưởng Almaier cũng tái khẳng định chính phủ sẵn sàng mua cổ phần của các công ty chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh.

Tại Pháp, virus Sars-CoV-2 đã giết chết thêm 240 người – Bộ trưởng Y tế nước này cho biết hôm 24/3, đưa tổng số ca tử vong tại đây lên 1.100. Bộ trưởng Jerrome Salomon cho biết có ít nhất 22.300 người đã có chẩn đoán dương tính với virus tại Pháp, với 10.176 người phải nhập viện và 2.516 trường hợp đang phải chăm sóc đặc biệt. Các quan chức nước này cũng tin rằng con số được ghi nhận không phản ánh đúng số liệu thật, vì chỉ những người có biểu hiện triệu chứng nặng thường mới được xét nghiệm.

Ngày 24/3, Chính phủ Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi đã quyết định ban bố lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc để đối phó với dịch COVID-19 trong vòng 21 ngày, tính từ nửa đêm 24/3.

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Thủ tướng Modi kêu gọi người dân Ấn Độ hãy nghiêm túc thực hiện lệnh này, đồng thời cảnh báo về những mối nguy hiểm của việc ra khỏi nhà trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nhấn mạnh biện pháp giãn cách xã hội sẽ áp dụng với tất cả mọi người.

Iran vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á, ngoài Trung Quốc. Ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết số ca tử vong tại nước này tăng 122 ca trong vòng 24 giờ qua lên tổng cộng 1.934 ca. Số ca được xác nhận mắc bệnh COVID-19 tại Iran tăng 1.762 ca trong cùng khoảng thời gian này, nâng tổng số bệnh nhân lên 24.811 người. 

Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch toàn cầu này hồi tháng 12/2019, tiếp tục đà thuyên giảm của dịch bệnh. Trong vòng 24h qua, quốc gia tỷ dân này tiếp tục không ghi nhận ca mắc bệnh mới. Tới sáng 25/3, Trung Quốc có tổng công 81.171 ca mắc COVID-19, trong đó 3.277 người tử vong.

Chiều 24/3, Lào cũng đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên. Tại cuộc họp báo ở trụ sở Bộ Y tế, đại diện Bộ Y tế nước này đã thông báo 2 ca đầu tiên mắc bệnh COVID-19. Như vậy, Lào là quốc gia cuối cùng tại Đông Nam Á xác nhận có người mắc COVID-19.

Tại Việt Nam, đến hết ngày 24/3, đã có 134 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 18 ca đã chữa khỏi. Điều lo lắng là trong ngày 24/3, 1 ca mới phát hiện có lịch sử dịch tễ khác hẳn với những ca trước đó. bệnh nhân này đã đi khám ở BV Bạch Mai - nơi đã phát hiện 2 nhân vien y tế nhiễm Covid-19.

Đọc thêm