Cuộc tấn công này xảy ra ngay sau một cuộc bố ráp bất thành của chính phủ nhằm vào nơi trú ẩn của Isnilon Hapilon, tên khủng bố người Philippines vừa được tuyên bố là thủ lĩnh của phiến quân IS tại Đông Nam Á.
Mối lo lớn
Cuộc vây hãm Marawi là một phần của làn sóng các cuộc tấn công của các nhóm liên kết với IS đang tìm cách thành lập một tỉnh (wilayat) của IS tại Philippines. Trong những ngày gần đây, các nhóm khác có mối quan hệ với IS, cụ thể là Chiến binh Hồi giáo Tự do Bangsamoro (BIFF), đã tấn công đồng thời ở những nơi khác của Mindanao, làm lo ngại chủ nghĩa khủng bố sẽ lan ra bên ngoài Marawi.
Do sự xuất hiện của các phiến quân nước ngoài trong hàng ngũ Maute, trong đó có các phần tử thánh chiến từ các quốc gia Arập và vùng Caucasus, Chính phủ Philippines đã coi cuộc khủng hoảng tại Mindanao như một cuộc xâm lược của ngoại bang – và đã có phản ứng phù hợp.
Tháng 5/2017, ngay sau các cuộc tấn công đầu tiên tại Mindanao, ông Duterte tuyên bố thiết quân luật trên khắp hòn đảo này và mở rộng quyền hành pháp cho các lực lượng an ninh nhằm thẳng tay trấn áp những kẻ khủng bố.
Nhưng chỉ vài ngày sau khi quân đội tiến vào Marawi, cuộc giao tranh đã trở thành một cuộc chiến trong thành phố, tái hiện các cảnh tượng khủng khiếp tại Aleppo và Mosul. Các lực lượng Philippines cố gắng đánh bật các phần tử thánh chiến đang tận dụng hiệu quả các thiết bị nổ tự chế (IED) và súng bắn tỉa. Việc mở rộng sử dụng không kích cũng làm dấy lên các mối quan ngại về thương vong của dân thường trong khi theo các con số chính thức, ít nhất 70 binh lính và 290 phiến quân đã thiệt mạng.
Hứa hẹn theo đuổi một chính sách đối ngoại “độc lập”, Duterte ban đầu từ chối tìm kiếm viện trợ quân sự chống IS từ Mỹ. Tuy nhiên, khi cuộc giao tranh tiếp diễn, việc quân đội Philippines, vốn chủ yếu được huấn luyện về tác chiến tại khu vực đồng không mông quạnh và rừng rậm nhiệt đới (hơn là trong thành phố), rất cần sự giúp đỡ đã trở nên ngày càng rõ ràng.
|
Quân đội Philippine diệt gần 90 tay súng IS trong trận chiến Marawi |
Lịch sử đầy bạo lực
Trong nhiều thập kỷ, hòn đảo Mindanao đã chứng kiến các cuộc xung đột đẫm máu giữa chính quyền trung ương và các nhóm phiến loạn khác nhau. Xung đột kéo dài đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, khiến hàng triệu người nữa phải rời bỏ quê hương và đẩy phần lớn hòn đảo này vào tình trạng đói nghèo cùng cực và chậm phát triển, tạo nên mảnh đất màu mỡ cho các hệ tư tưởng cực đoan và các nhóm cực đoan.
Tuy nhiên, mức độ bạo lực gần đây tại Mindanao đánh dấu sự hội tụ đầy rắc rối của hai nhân tố then chốt. Thứ nhất là sự “xoay trục” của IS sang châu Á sau những thất bại quân sự nặng nề của chúng tại Trung Đông. Do những sự kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ và việc mở rộng các chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu chống lại IS tại Iraq và Syria, những kẻ ủng hộ IS càng khó di cư đến “vương quốc Hồi giáo” này.
Để đối phó, nhóm này đã kêu gọi những kẻ ủng hộ thành lập các “vương quốc Hồi giáo” vệ tinh tại chính khu vực của chúng, đặc biệt ở Nam Á và Đông Nam Á, quê hương của đa số dân chúng theo đạo Hồi trên thế giới.
Vì vậy, IS đang theo chân tiền bối của chúng, al-Qaeda, tổ chức đã mở rộng sang Đông Nam Á vào những năm 1990 khi chúng chịu sức ép tại thành trì chính Afghanistan. Mindanao nói riêng từ lâu đã là một điểm đến rất hấp dẫn đối với các phong trào thánh chiến xuyên quốc gia do tình trạng nghèo đói, thất nghiệp và việc những người Hồi giáo trên đảo, chiếm 20% dân số của đảo, bị gạt ra bên lề. Hơn nữa, Mindanao có biên giới trên biển với các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi là Malaysia và Indonesia, những nước đều có lượng lớn người ủng hộ IS.
|
Nhiều người mắc kẹt tại Marawi muốn được lực lượng cứu hộ giải thoát. |
Nhân tố thứ hai đằng sau cuộc khủng hoảng hiện nay là sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính quyền Philippines và các nhóm phiến loạn Hồi giáo địa phương, đặc biệt là Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, khoe có tận 12.000 chiến binh và kiểm soát phần lớn miền Trung Mindanao.
Là tổng thống đầu tiên đến từ Mindanao và từng hứa hẹn đại diện cho người Hồi giáo ở Philippines, ông Duterte ban đầu ủng hộ kết thúc nhanh cuộc xung đột thông qua thành lập liên bang, trao quyền tự trị lớn hơn về mặt chính trị cho các khu vực có đa số dân theo đạo Hồi trên hòn đảo này. Tuy nhiên, ông Duterte chưa thể thực hiện những lời hứa của mình bởi phải dành phần lớn năm đầu tại nhiệm cho một chiến dịch chống ma túy.
Những đồng minh kỳ lạ
Sau cuộc tấn công vào Marawi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng chìa tay ra cho người đồng cấp Philippines của mình, hứa hẹn mang đến “sự ủng hộ và trợ giúp cho những nỗ lực chống khủng bố của Philippines” với tư cách là một “đồng minh đáng tự hào” của Philippines.
Nhiều tuần sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã bày tỏ “sự cảm thông và ủng hộ” đối với nước này và trấn an Philippines rằng Washington sẽ “sát cánh với Philippines” trong cuộc chiến chống các phần tử khủng bố tại Mindanao. Đáp lại, người phát ngôn của Duterte, Ernesto Abella, nói rằng Philippines “sẵn sàng tiếp nhận viện trợ từ các nước khác nếu họ đề nghị điều đó”.
|
Các trận chiến ở TP Marawi vẫn diễn ra quyết liệt |
Nhưng Tổng thống Philippines, người nổi tiếng vì thường xuyên có những lời nói lớn tiếng bài xích Mỹ và trước đó đe dọa trục xuất các lực lượng của Mỹ khỏi Mindanao, đã tuyên bố rằng ông “chưa bao giờ tiếp cận Mỹ” để xin viện trợ, ám chỉ rằng quân đội nước ông đã đơn phương tìm kiếm điều đó mà không có sự phê chuẩn của ông.
Ông Duterte đã nhiều lần phải chiều theo giới quốc phòng thân Mỹ của nước mình về những vấn đề an ninh quốc gia nhạy cảm, trong đó có các mối quan hệ với Washington, và trường hợp ở đây dường như cũng đúng như vậy.
Tháng 6/2017, Duterte thậm chí còn than vãn nửa đùa nửa thật rằng quân đội Philippines “thực sự ủng hộ Mỹ, tôi không thể phủ nhận điều đó”. Vì vậy, quân đội dường như đã giành được ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình chính sách quốc phòng và đối ngoại của nước này, đặc biệt là bây giờ khi ông Duterte đã bổ nhiệm một số lượng lớn cựu sĩ quan quân đội và thực thi pháp luật vào các vị trí cấp cao trong chính phủ.
Kể từ đầu tháng 6/2017, Washington đã hỗ trợ các chiến dịch của quân đội Philippines tại Marawi, cung cấp cho Manila một loạt vũ khí tiên tiến và thông tin tình báo chiến thuật do máy bay không người lái thu thập. Một bộ phận của Lực lượng đặc biệt Mỹ cũng đang cung cấp huấn luyện tác chiến trong thành phố cho các đối tác Philippines. Các đồng minh khác, đặc biệt là Australia, cũng đã tăng cường viện trợ quân sự cho Philippines.
|
Các trận chiến ở TP Marawi vẫn diễn ra quyết liệt |
Tháng 6/2017, Canberra đã triển khai 2 máy bay do thám AP-3C Orion đến Mindanao để hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố tại khu vực này. Phấn chấn bởi sự trợ giúp, quân đội Philippines đã giành lại phần lớn Malawi, dồn phiến quân vào một vài vùng lân cận…