TP HCM đề xuất cơ chế linh hoạt trong luân chuyển cán bộ THA

TP HCM là một địa phương thực hiện khá tốt công tác điều động, luân chuyển, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức ngành thi hành án (THA). Vì thế, với khối lượng án và tiền phải thi hành hằng năm rất lớn nhưng ngành thi hành án dân sự (THADS) vẫn đạt những kết quả khả quan.

TP HCM là một địa phương thực hiện khá tốt công tác điều động, luân chuyển, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức ngành thi hành án (THA). Vì thế, với khối lượng án và tiền phải thi hành hằng năm rất lớn nhưng ngành thi hành án dân sự (THADS) vẫn đạt những kết quả khả quan.

 

Vẫn còn tâm lý "tư duy nhiệm kỳ"

Theo Cục trưởng Cục THADS TP HCM Nguyễn Văn Lực, việc thực hiện việc điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác trên địa bàn TP đã được thực hiện đúng kế hoạch, quy hoạch, diễn ra trên nguyên tắc tập trung dân chủ và công khai. Thực tế trong những năm vừa qua, chưa để xảy ra trường hợp khiếu nại hoặc có biểu hiện tiêu cực.

"Bước đầu việc luân chuyển đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công chức. Các cơ quan THA trên địa bàn đã chủ động và thực hiện tốt hơn công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng công chức", Cục trưởng Nguyễn Văn Lực đánh giá.

Theo số liệu của Cục THADS TP HCM, nếu như năm 2009, Cục luân chuyển, điều động đối với 28 trường hợp (gồm chấp hành viên và chuyên viên) thì 6 tháng đầu năm 2013 đã thực hiện điều chuyển 29 trường hợp, ngoài chấp hành viên còn có cả lãnh đạo cơ quan THA, thẩm tra viên, thư ký, kế toán...

Mặc dù việc điều động cán bộ đã được thực hiện quyết liệt, ưu tiên những địa bàn nhiều án, khó khăn về nhân lực hay yếu kém trong công việc, bước đầu có kết quả. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với ngành chính là vấn về về nhận thức. Làm chuyển biến nhận thức của người được luân chuyển là công tác rất khó khăn đòi hỏi sự kiên trì, cảm thông, thấu hiểu của người làm công tác tổ chức.

Bên cạnh đó, THADS là một lĩnh vực hết sức đặc thù, để có hiệu quả cao trong công tác đòi hỏi công chức ngoài chuyên sâu về nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm thì còn phải có mối quan hệ với các cơ quan hữu quan. Vì vậy, môi trường công tác cần có tính ổn định và thời gian tương đối dài. Do đó khi phải thay đổi môi trường công tác thường xuyên sẽ có những xáo trộn, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của toàn ngành.

Cũng theo Cục THADS TP, thời gian định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định (36 tháng) là quá ngắn. Chính vì vậy tạo ra tâm lý "tư duy nhiệm kỳ" hết sức nguy hiểm. Vì công chức chỉ làm việc cầm chừng, chọn những hồ sơ dễ để làm còn hồ sơ khó giải quyết thì để lại chờ hết nhiệm kỳ sẽ chuyển giao cho người khác.

Thêm vào đó, hiện nay, đang thiếu các hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục luân chuyển và đặc biệt thiếu những chính sách khuyến khích công chức được luân chuyển như phụ cấp đi xa, nhà ở công vụ, nâng lương trước niên hạn, chính sách "hậu" chuyển đổi khiến việc luân chuyển gặp nhiều khó khăn.

Cần có chính sách hỗ trợ cho công chức thuộc diện luân chuyển

Để việc luân chuyển cán bộ được thực hiện một cách bài bản, hiệu quả, Cục trưởng Nguyễn Văn Lực đề xuất: Cần có cơ chế điều động, luân chuyển linh hoạt để tập trung nguồn lực cho những địa bàn trọng điểm về THA. Có cơ chế thu hút cán bộ làm việc trong cơ quan THA đặc biệt là thu hút những người có năng lực, có tâm huyết với ngành.

Đồng thời cũng phải có cơ chế tinh giản biên chế, sàng lọc, loại bỏ những người không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực...và nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ cán bộ công chức thuộc diện luân chuyển. Có thể mở rộng việc luân chuyển công chức ra ngoài phạm vi cơ quan THA nhằm thu hút người có năng lực vào làm việc tại cơ quan THA và công chức cơ quan THADS sang làm việc tại các cơ quan khác kể cả cán bộ lãnh đạo.

Một đề xuất khác đáng lưu ý của Cục THADS TP HCM là cần có hướng luân chuyển công chức trẻ có năng lực, trong diện quy hoạch vào các chức vụ như Vụ phó, Vụ trưởng của Tổng cục THADS về địa phương và ngược lại để có thêm kinh nghiệm công tác.

Riêng với thời gian thực hiện việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, Cục THATP kiến nghị kéo dài thời gian lên 5 năm. Đối với các trường hợp luân chuyển, biệt phái thì cần quy định thời gian một cách linh hoạt hơn, theo đó chỉ nên quy định thời gian tối thiểu và tối đa để tạo động lực cho người được điều động, luân chuyển phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trước mắt, để việc luân chuyển được thực hiện tốt, ngành THADS TP HCM vẫn đang triển khai nhiều giải pháp như làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng quy trình, kế hoạch luân chuyển hợp lý, rà soát, cân đối nhu cầu các đơn vị THA và đặc biệt thường xuyên kiểm tra, đánh giá để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Thông qua công tác luân chuyển đã tạo cơ hội cho công chức phát huy năng lực cá nhân, nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, từ đó tạo nguồn cán bộ kế thừa cho các chức danh lãnh đạo, quản lý trong tương lai.  (Cục THADS TP HCM)

Thu Hằng

Đọc thêm