TP.HCM: Tập trung nguồn lực thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

(PLVN) - Công tác thu hồi tiền, tài sản đã có những bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản trong những vụ án tham nhũng, kinh tế vẫn còn thấp.
Lực lượng chức năng TP. HCM cưỡng chế vụ Vũ Nhôm
Lực lượng chức năng TP. HCM cưỡng chế vụ Vũ Nhôm

Khó truy tìm tài sản

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự, tính đến 07 tháng đầu năm 2022, số việc phải thi hành của toàn hệ thống là 3.328 việc, trong đó tại TP.HCM là 268 việc (chiếm 8,05% số việc phải thi hành của toàn quốc). Về tiền phải thi hành toàn hệ thống là: 79.305.053.339.000 đồng trong đó, tại Cục THADS TP.HCM là: 61.149.756.155.000 đồng (chiếm 77,11% số tiền phải thi hành của toàn hệ thống).

Kết quả thu hồi tiền, tài sản 07 tháng đầu năm toàn hệ thống thi hành được 9.077.090.408.000 đồng, trong đó tại Cục THADS TP.HCM là: 8.436.872.829.000 đồng, chiếm 92% số tổng thu của cả nước. Đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo toàn Thành phố là 39 vụ án, đến nay đã tổ chức thi hành xong 11 vụ, còn phải thi hành là 28 vụ án. (trong đó tại Cục THADS TP.HCM là 20 vụ án).

Tuy nhiên, công tác này còn rất nhiều hạn chế, khó khăn như, số tiền, tài sản bị thất thoát do hành vi phạm tội về tham nhũng, kinh tế là rất lớn nhưng tài sản để đảm bảo thi hành án thì nhỏ, chưa có các biện pháp, quy định cụ thể truy tìm tài sản của người phải thi hành án bị che giấu nguồn gốc.

Để thực hiện nhiệm vụ này, bên cạnh việc tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án của đương sự, cơ quan THADS chủ yếu xử lý các tài sản đã được kê biên mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng để đảm bảo thi hành án. Đối với nhiệm vụ xác minh điều kiện thi hành án, ngoài các tài sản đã được kê biên, được tuyên xử lý trong Bản án, quyết định của Tòa, hầu như cơ quan THADS khó có thể xác minh được thêm tài sản hoặc nguồn thu nhập khác vì tội phạm tham nhũng thường tìm mọi cách để tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản. Trong khi đó, cơ quan THADS chỉ có thể căn cứ vào tình trạng pháp lý hiện hành của tài sản để xử lý mà không có thẩm quyền điều tra, chứng minh nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa chú trọng áp dụng biện pháp cần thiết để đảm bảo thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử…

Ngoài ra, hiện nay cơ quan thi hành án thụ lý nhiều vụ việc liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai, tuy nhiên, khi thi hành các vụ việc thi hành án liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai, các cơ quan THADS hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn vì pháp luật THADS còn thiếu các quy định cần thiết điều chỉnh.

Thành lập các tổ Chấp hành viên đặc biệt

Thời gian qua, công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được Lãnh đạo , lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Cục THADS TP. đặc biệt quan tâm, chú trọng. Đến nay, Cục đã ký Quy chế phối hợp liên ngành với Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Ngân hàng Nhà nước cùng cấp, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố, Sở Tài chính thành phố và các Quy chế phối hợp liên ngành này tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực tiễn, qua đó đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác THADS.

Thời gian tới, Lãnh đạo Cục THADS thành phố trực tiếp chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án các vụ án kinh tế, tham nhũng có giá trị lớn, phức tạp và phân công Lãnh đạo Cục trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, quán triệt sâu rộng đến toàn thể Chấp hành viên, công chức cơ quan thi hành án nâng cao nhận thức về công tác thu hồi tiền, tài sản; Thành lập các tổ Chấp hành viên trực tiếp thi hành các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, gồm những Chấp hành viên có năng lực chuyên môn vững vàng, nhiều kinh nghiệm, nhằm tổ chức hiệu quả, tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo các Phòng chuyên môn, các Chi cục, Chấp hành viên chủ động, tích cực phối hợp với các trại giam, trại tạm giam trong quá trình giải quyết việc thi hành án dân sự liên quan đến đương sự là phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù...để thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, tài sản cho nhà nước trong các vụ án xâm phạm các quy định trong quản lý kinh tế nhằm khắc phục hậu quả do tham nhũng, vi phạm pháp luật gây ra; Tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý các tài sản đảm bảo theo án tuyên như xây dựng các quy chế phối hợp liên ngành nội chính, quy chế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố, Sở Tài chính Thành phố…

Với việc áp dụng nhiều biện pháp tổ chức thi hành án, trong những năm gần đây kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Đọc thêm