TP.HCM thí điểm chợ truyền thống trở lại, xử lý nghiêm việc đầu cơ

0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xem xét thí điểm cho chợ truyền thống hoạt động trở lại ở các khu vực an toàn, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch để găm hàng, đầu cơ hàng hóa để trục lợi.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Đây là vấn đề được nêu ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền, phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tối 16/7.

Thí điểm cho chợ truyền thống hoạt động trở lại

Trao đổi tại cuộc họp, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn 46 trong tổng số 237 chợ; trong đó, bao gồm 3 chợ đầu mối trên địa bàn còn hoạt động.

Như vậy, có đến hơn 3/4 số chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố đã tạm đóng cửa vì có ca F0 hoặc liên quan F0.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, với một số mặt hàng, năng lực cung ứng của chợ truyền thống chiếm đến 60-70%, do đó khi các chợ truyền thống dừng hoạt động, các kênh phân phối hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã phải đẩy công suất hàng lên tối đa, nhưng vẫn không đủ năng lực cung ứng, dẫn đến việc người dân xếp hàng dài chờ mua hàng, giá cả nhiều mặt hàng tăng lên hơn mức bình thường…

Tình trạng này phần nào đã tác động đến vấn đề cung ứng hàng hóa để bảo đảm đời sống cho hơn 10 triệu dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước tình hình trên, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, đề xuất và được lãnh đạo Thành phố chấp thuận phương án cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn như một giải pháp căn cơ để "chia lửa" cho hệ thống siêu thị đang quá tải hiện nay.

Với phương án này, mỗi chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực cung cấp các mặt hàng thiết yếu là cá, thịt và rau, củ quả.

Hàng hóa được chia sẵn theo từng túi, bán đồng giá để đảm bảo giao dịch diễn ra nhanh chóng; người mua đến lấy hàng, thực hiện quy định 5K, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc; các tiểu thương chia ca ra bán theo giờ, theo buổi; chỉ bán khu vực thông thoáng, có nắng; vận động người dân chia ca đi chợ hoặc người bán giao hàng tận nhà cho khách.

Hiện tại Sở Công Thương đang lên kế hoạch tổ chức mở bán thí điểm các mặt hàng rau củ quả tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, sau đó tùy theo kết quả thực hiện để xem xét mở bán thí điểm thêm các mặt hàng thịt heo, gạo, thủy hải sản…, bởi người bán tại chợ dễ nhập mặt hàng này, trong khi nhiều cửa hàng đang tạm ngưng bán, còn siêu thị lại đông người.

Ban quản lý chợ sẽ hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn sản phẩm để thuận tiện mua bán, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán-người mua và thông qua khu phố, tổ dân phố để thông tin về việc tổ chức các điểm bán đến người dân sinh sống trên địa bàn (thời gian, mặt hàng, quy cách, giá bán...).

Ban quản lý chợ sẽ phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bố số người đến theo khung giờ, đảm bảo khống chế lượng khách ra vào chợ phù hợp với số lượng hàng hoá cung ứng và hạn chế tối đa tình trạng tập trung đông người.

Về vấn đề vận chuyển hàng hoá để cung ứng cho người dân, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương tại khu vực miền Nam đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội quá khắc khe khi không cho phép thực hiện thu hoạch nông sản khiến các đơn vị của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ gặp khó khăn trong việc vận chuyển mà còn gặp khó khăn trong việc thu mua, thu hoạch, sơ chế, chế biến hàng hóa.

Sở Công Thương cho rằng Trung ương cần có sự thống nhất phương án hành động giữa các tỉnh, tránh việc mỗi nơi làm một kiểu ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ưu tiên tiêm vaccine cho người sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, các địa phương khác cũng cần có sự ưu tiên này để thuận lợi hơn trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa.

Xử lý nghiêm hành vi găm hàng, đầu cơ

Về vấn đề quản lý giá cả hàng hoá, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết trong thời gian qua, việc cung ứng hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều biến động do người dân đổ xô đến các siêu thị mua thực phẩm gây quá tải.

Nhiều siêu thị phát phiếu hẹn giờ đến mua hàng nhưng đến trưa, chiều có rất nhiều người không nhận được phiếu hẹn do số người vào siêu thị quá đông. Dù hàng hoá dự trữ được bổ sung lên kệ liên tục, nhưng đến chiều tối vẫn thiếu hàng để bán, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, trứng, bún, nui… khiến rất nhiều người dân có nhu cầu nhưng không mua được.

Ngoài ra, còn có tình trạng một số hộ dân đang tự bày bán nhiều mặt hàng rau củ, trứng…, với giá cao hơn siêu thị 30%-50%. Cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh không loại trừ nguồn hàng này là do người dân mua số lượng lớn từ siêu thị để về bán lại.

Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường thành phố cam kết sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi lợi dụng dịch để đầu cơ, găm hàng, tăng giá, thu lợi bất hợp pháp.

Khi phát hiện các hành vi tăng giá quá mức, bất hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh để thu lợi bất chính , người dân có thể gọi đến 2 số đường dây nóng của Cục quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh là 028.39321014 và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Thành phố Hồ Chí Minh là 028.39322491 để phản ánh.

Đọc thêm