TP.HCM: Xảy ra BLGĐ trên địa bàn, lãnh đạo huyện, xã chịu trách nhiệm

(PLVN) - TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT - UBND về việc đẩy mạnh công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn TP.HCM.
TP.HCM: Xảy ra BLGĐ trên địa bàn, lãnh đạo huyện, xã chịu trách nhiệm

Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu Sở VHTT TP.HCM chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ.

Riêng về góc độ phòng chống BLGĐ, UBND TP.HCM  giao Sở VHTT TP.HCM kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về gia đình và phòng, chống BLGĐ; kịp thời xử lý các hành vi BLGĐ, có các biện pháp can thiệp, xử lý người có hành vi BLGĐ, đặc biệt là những người thường xuyên tái diễn, phải thực hiện hòa giải, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, hoặc có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường, xã, thị trấn; Tiếp tục xét xử lưu động các vụ án về BLGĐ có tội phạm nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn xảy ra vụ việc.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về gia đình, các giá trị nhân văn tốt đẹp về mối quan hệ, ứng xử trong gia đình Việt Nam; lồng ghép kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử và giải quyết mâu thuẫn gia đình, kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên trong chương trình giảng dạy và các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp ở các trường trên địa bàn; tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bệnh nhân là nạn nhân BLGĐ; triển khai lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ trong các hoạt động truyền thông liên quan đến công tác trẻ em, bình đẳng giới, người cao tuổi, người khuyết tật; nâng cao nhận thức cho gia đình và các đối tượng đang điều trị các chất gây nghiện về kiến thức và kỹ năng ngăn ngừa, ứng phó với BLGĐ; thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; lồng ghép kiến thức và kỹ năng hòa giải mâu thuẫn các mối quan hệ trong gia đình vào nội dung tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý đảm bảo tính răn đe, giáo dục để phòng ngừa nguy cơ tái diễn và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân BLGĐ; nhân rộng mô hình “Đội phản ứng nhanh về phòng, chống BLGĐ”...

Đặc biệt, UBND TP.HCM yêu cầu UBND quận, huyện cần bố trí cán bộ làm công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ; tăng cường công tác truyền thông về gia đình và phòng, chống BLGĐ, các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... Người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng BLGĐ trên địa bàn. 

Đọc thêm