TP.Hồ Chí Minh: Chọn nhầm mặt để gửi… vàng?

(PLO) - Là người nước ngoài không thể đứng tên mua nhà đất, phải nhờ người đứng tên. Nhưng sự nhờ vả đã bị lợi dụng, khối tài sản lớn có nguy cơ rơi vào tay người khác.
lNhà đất số 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
lNhà đất số 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Cũng chỉ tại tin người
Bà Trần Thị Phương (trú tại 7B/52 Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM) đại diện ủy quyền của ông Trương Trọng Hùng, ông Trương Trọng Dũng và bà Chhun Bernadette (cả 3 người đều cư trú tại Pháp) trong vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà đất số 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 7, quận 3, TP.HCM) cho biết: Từ năm 2009 trở về trước, ba mẹ con bà Chhun Bernadette rất tin tưởng và nhờ bà Nguyễn Thị Tư (ở 455 Nguyễn Đình Chiểu, P.5, Q.3, TP.HCM) quản lý và sử dụng nhà đất số 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhưng đã bị bà Tư và chồng là ông Nguyễn Bá tự ý làm thủ tục hợp thức hoá nhà đất nói trên vào tháng 10/2008. Sau nhiều lần đàm phán không được, mẹ con bà đành phải khởi kiện ra tòa án yêu cầu giải quyết.
Theo bà Phương, nhà đất số 175 Nam Kỳ Khởi Nghĩa về mặt pháp lý là của ông Trương Khắc Cẩn (bố đẻ của ông Hùng và ông Dũng), nhưng sau khi ông Cẩn chết, anh em ông Hùng, ông Dũng đã lập văn bản tự nguyện chuyển cho mẹ là bà Chhun Bernadette toàn quyền định đoạt. Vì vậy, sau khi về Việt Nam, bà Chhun Bernadette làm thủ tục bán căn nhà cho ông Lin Wai Chang (người nước ngoài) và ông Chang đã nhờ bà Tư đứng tên mua thông qua “Hợp đồng tương thuận” được Công chứng tại Phòng công chứng Nhà nước TP.HCM ngày 22/2/1989, với nội dung: “...cam kết cô Nguyễn Thị Tư đứng tên mua nhà, đứng tên sở hữu nhà, sau khi thủ tục hoàn tất, tiền bạc thì ông Chang trả. Trong thời gian ông Chang không có mặt ở TP.HCM thì cô Nguyễn Thị Tư tùy nghi sử dụng căn nhà này, nhưng phải bảo quản tài sản, không được bán, sang nhượng hay cho thuê”. 
Sau đó, vì không có đủ tiền nên bà Chhun Bernadette và ông Chang đã hủy bỏ việc mua bán (theo lời khai của ông Chang tại tòa sơ thẩm), “Hợp đồng tương thuận” vẫn chưa có bên nào xin hủy bỏ, Tòa sơ thẩm cũng không phủ nhận giá trị pháp lý của nó. Do chưa cho phép người nước ngoài mua bán tài sản trong nước, để có người trông coi quản lý nhà, bà Chhun Bernadette tiếp tục làm “Giấy ủy quyền” ngày 26/4/1989 nhờ bà Tư quản lý, sử dụng và được Sở Nhà đất TP.HCM đồng ý và nêu rõ: “Bà Nguyễn Thị Tư chỉ được quyền quản lý, sử dụng, không mua bán, sang nhượng căn nhà trên”.
Cần một bản án công tâm
Tại phiên sơ thẩm ngày 16 và 19/5/2014, bà Phương yêu cầu TAND TP.HCM làm rõ các chứng cứ để tuyên hủy giấy chứng nhận đã cấp cho bà Tư, ông Bá, đồng thời công nhận quyền sở hữu hợp pháp của ông Hùng, ông Dũng đối với khối tài sản trên trên cơ sở bà Phương chỉ ra những điểm nghi vấn cần làm rõ trong các chứng cứ mà bà Tư cung cấp để khẳng định việc mua bán căn nhà của bà Tư với bà Chhun Bernadette là hoàn toàn bất hợp pháp, như: Bà Chhun Bernadette chưa đủ tư cách bán nhà, văn tự mua bán nhà ngày 20/3/1989 vi phạm cả nội dung lẫn hình thức; giá mua bán trong văn tự được ghi là 125 triệu không được người mua công nhận, bên mua không khẳng định được giá mua bán cụ thể là bao nhiêu; không có giấy tờ giao nhận tiền, không chứng minh được tình tiết có ghi trong “Tờ xác nhận và cam kết” đó là “Hợp đồng ủy quyền” ngày 20/5/1989 liên quan đến việc giao nhà, vì vậy không thể coi đây là chứng cứ giao nhận tiền. Trong khi đó “Hợp đồng tương thuận” và “Giấy phép ủy quyền quản lý nhà” vẫn còn nguyên giá trị pháp lý, bà Tư tự mình xin cấp chủ quyền không có sự hiện diện của bà Chhun Bernadette... là trái quy định của pháp luật.
 Bà Phương cho biết thêm, năm 2004, khi Nhà nước thực hiện dự án nâng cấp mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trong “Phiếu xác nhận” ngày 15/12/2004 của UBND phường 7, quận 3 vẫn khẳng định: “Nhà đất thuộc sở hữu của ngoại kiều bà Chhun Bernadette - ủy quyền quản lý nhà cho bà Nguyễn Thị Tư theo Giấy phép số 1404/GP-UQ7 ngày 13/7/1989 của Sở Nhà đất”. Tại Văn bản số 75/BBT ngày 24/5/2005 của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quận 3 yêu cầu: Nếu bà Tư muốn nhận khoản tiền bồi thường thì phải bổ sung giấy ủy quyền của bà Chhun Bernadette đồng ý cho nhận; đồng thời trong Văn bản số 5131 của Hội đồng thẩm định đền bù GPMB của thành phố ngày 20/7/2005 cũng khẳng định bà Tư không thuộc đối tượng bồi thường hỗ trợ…
Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hùng, ông Dũng đòi bà Tư, ông Bá phải trả lại căn nhà số 175 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và số tiền đền bù, hỗ trợ giải tỏa một phần diện tích căn nhà, tiền lãi phát sinh trong quá trình chậm thanh toán từ ngày nhận tiền đến ngày xét xử sơ thẩm; không chấp nhận đòi hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở ngày 24/10/2008 do UBND quận 3 cấp cho bà Tư, ông Bá. 
Thiết nghĩ, HĐXX phúc thẩm tới đây sẽ xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện và đưa ra bản án công tâm, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com


Đọc thêm