TP Hồ Chí Minh: Mỗi trường sẽ thành lập một điểm tiêm cho học sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 23/3, tại Hội nghị sơ kết học kỳ 1 năm học 2021-2022 cấp tiểu học do Sở GD&ĐT TP HCM tổ chức, đại diện các Phòng GD&ĐT đã chỉ ra một số thực tế khiến các trường đang gặp khó trong triển khai dạy học và phòng chống dịch COVID-19.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đại diện Phòng GD&ĐT quận 3, hiện nay, hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến cho giáo viên đang triển khai theo hướng mỗi nơi một kiểu.

Vì vậy, đại diện Phòng GD&ĐT quận 3 đề xuất Sở tổ chức những buổi tập huấn mang tính bài bản hơn về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho giáo viên để thống nhất thực hiện trong toàn ngành.

Ở góc độ khác, đại diện Phòng GD&ĐT quận 10 nêu ý kiến, sau thời gian dài học trực tuyến tại nhà, nhiều học sinh (HS) bị ảnh hưởng về sức khỏe thị lực, cột sống... Do đó, nhà giáo này đề xuất ngành giáo dục quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19, thực hiện các video clip bài tập thể dục về mắt cho học sinh.

Liên quan vấn đề học tập, đại diện Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp băn khoăn, hiện vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa đồng thuận cho con đến trường. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, học sinh hai khối 1, 2 sẽ tham gia kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tiếp: “Trường hợp phụ huynh vẫn kiên quyết không đồng ý cho con đến trường đến cuối năm học thì việc đánh giá kết quả học tập cuối năm sẽ thực hiện như thế nào?”.

Đối với những trường hợp này, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết, các trường cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đến trường vì chỉ khi đến trường học trực tiếp, các em mới được đảm bảo chất lượng dạy học tốt nhất.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng nêu ra khó khăn với các trường khi vừa thực hiện công tác dạy học vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 như thiếu kinh phí thực hiện khám sức khỏe đầu năm cho HS (trong bối cảnh đơn vị y tế công lập quá tải, chi phí hợp đồng với các đơn vị y tế tư nhân vượt quá khả năng của các trường), chưa có quy định về thu tiền buổi 2 với học sinh hai khối 1 và 2 (hai khối lớp đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018), thiếu cơ chế tuyển dụng nhân viên phụ trách công tác y tế ở các nhà trường...

Riêng với công tác chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT) lưu ý, mỗi cơ sở trường học sẽ thành lập một điểm tiêm cho HS, trường hợp bất khả kháng mới đưa HS trường mình qua trường khác tiêm vaccine.

Ông Trọng lưu ý, do đối tượng tiêm vaccine lần này là trẻ nhỏ nên yêu cầu công tác chuẩn bị phải kỹ lưỡng, chu đáo, cẩn trọng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS.

Các cơ sở giáo dục phải huy động toàn bộ đội ngũ gồm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để phục vụ công tác tiêm chủng cho HS.

Mới đây, trả lời báo chí, ông Dương Trí Dũng, Phó GĐ Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, Sở GD&ĐT và Y tế đang tính toán để đề xuất cho HS là F1, đã tiêm vaccine COVID-19 được đi học trực tiếp.

Theo ông Dũng, trước đây, TP đã từng thực hiện việc cho HS là F1 đi học trực tiếp. Tuy nhiên, sau này khi có hướng dẫn mới của Bộ Y tế, TP đã tuân thủ và yêu cầu HS là F1 phải ở nhà cách ly 5 ngày nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và ở nhà 7 ngày nếu chưa tiêm vaccine.

Thời điểm này, hai Sở đang thảo luận tính toán để có cơ sở đề xuất cho HS là F1 đi học trực tiếp cho phù hợp với tình hình thực tế.

Được biết, TP hiện đã phát hiện gần 100.000 HS, giáo viên, nhân viên ở các trường học là F0, kéo theo đó là rất nhiều học sinh là F1 phải nghỉ học ở nhà. Trong đó, có nhiều em liên tục bị xác định là F1 và liên tục phải nghỉ ở nhà.

Nhiều trường hiện cũng đang rất khó khăn về công tác nhân sự (nhiều giáo viên là F0 nên không thể đến trường giảng dạy) và cơ sở vật chất nên không thể chu toàn trong việc dạy học cho HS là F0, F1 phải nghỉ ở nhà.

Đọc thêm