TP.Hồ Chí Minh: Thị trường bất động sản chững lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro

(PLO) - Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2016 so với năm 2015 đã xuất hiện dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn…
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu chững lại. Ảnh minh họa
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu chững lại. Ảnh minh họa

Đó là một phần đánh giá trong Báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016 của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM.

Theo đó, thị trường BĐS TP HCM vẫn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, so với năm 2015 là năm mà thị trường BĐS TP có sự tăng trưởng rất mạnh thì 6 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, như: giao dịch chững lại; có dấu hiệu lệch pha sang phân khúc BĐS cao cấp trong khi thiếu sản phẩm căn hộ bình dân quy mô vừa và nhỏ có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền. 

Có hiện tượng một số chủ đầu tư lạm dụng chế định đặt cọc theo Điều 328 Bộ luật Dân sự trong lúc Luật Kinh doanh BĐS lại không điều chỉnh hành vi này, để huy động vốn trước thông qua các hình thức như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng hứa mua hứa bán, hợp đồng vay vốn người mua nhà... làm tăng rủi ro cho người mua nhà; đã có sự gia tăng rất lớn các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chủ yếu nhằm mục đích mua đi bán lại) ở phân khúc trung - cao cấp… 

Thị trường cũng xuất hiện một số trường hợp chủ đầu tư dự án không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, chưa đảm bảo đủ điều kiện đưa nhà chung cư vào sử dụng đã cho khách hàng vào ở; chưa thực hiện đúng các quy định về thế chấp, giải chấp và bán nhà cho khách hàng đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến an sinh xã hội; tranh chấp trong chung cư vẫn còn xảy ra phức tạp... 

Những vấn đề này đã làm ảnh hưởng đến niềm tin thị trường, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS trong 5 tháng đầu năm 2016. Tuy nhiên, đến tháng 5/2016 với nỗ lực vượt bậc, Chính phủ về cơ bản đã hình thành khung chính sách định hướng phát triển kinh tế đất nước, ổn định vĩ mô với những cam kết lớn: Chính phủ kiến tạo sự phát triển; coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực phát triển; Lãnh đạo thành phố cũng đã truyền cảm hứng và khát vọng cho người dân và doanh nghiệp, chuyển hướng cơ quan chính quyền và đội ngũ công chức sang vai trò phục vụ... Tất cả các việc làm trên của bộ máy nhà nước cộng với nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần ổn định niềm tin của thị trường.

Về nhà ở tái định cư, thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm nên rất cần quỹ nhà để kịp thời thực hiện việc tạm cư và tái định cư. Trong 6 tháng qua, thành phố đã giải quyết vướng mắc về thủ tục đầu tư, phương thức kêu gọi đầu tư, đôn đốc tiến độ, các vướng mắc trong quá trình thực hiện 17 dự án phát triển nhà ở tái định cư với tổng quy mô 6.525 căn hộ và nền đất trên địa bàn thành phố. Về chương trình 12.500 căn, đến nay đã hoàn thành xây dựng được 7.220/8.550 căn hộ. Đây là những dự án nhà tái định cư có đầy đủ các tiện ích và ở vị trí đắc địa. 

Về nhà lưu trú công nhân, nhà cho thuê giá rẻ, nhà ở xã hội cũng đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên với lĩnh vực này vẫn còn một số vướng mắc nên Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có căn cứ cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014; Đề nghị NHNN ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (bằng mức 4,8%/năm của Quyết định 1013/QĐ-TTg) áp dụng trong năm 2016 tại các tổ chức tín dụng đã được NHNN chỉ định tham gia chương trình nhà ở xã hội và cả các ngân hàng khác có dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để thực hiện thống nhất…

Đọc thêm