TP.Hồ Chí Minh: Thừa phát lại ngày càng khẳng định vai trò trong đời sống

(PLO) - UBND TP.Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang đã tham dự hội nghị.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng phát biểu tại hội nghị
Nhu cầu sử dụng thừa phát lại ngày càng tăng
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) từ năm 2009 theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội. Sau đó, trên cơ sở kết quả sơ kết việc thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP.HCM, Chính phủ đã báo cáo, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định TPL. Theo đó, chế định TPL đã được tiếp tục thực hiện thí điểm tại TP.HCM và 12 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.
Sau thời gian thực hiện thí điểm, đến nay TP.HCM đã có 11 văn phòng TPL đang hoạt động, với tổng số 46 TPL hành nghề, 76 thư ký nghiệp vụ và 75 nhân viên khác. Trong số này, có 7 văn phòng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và 4 văn phòng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Theo thống kê của UBND TP.HCM, từ năm 2010 đến hết tháng 6/2015, hoạt động của chế định TPL đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, đã tống đạt theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan thi hành án (THA) 501.156 văn bản; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức và đăng ký tại Sở Tư pháp 32.527 vi bằng; xác minh điều kiện THA: thực hiện được 382 vụ việc theo yêu cầu của đương sự; về tổ chức THA: đã thụ lý 196 vụ việc theo yêu cầu của đương sự, trong đó có 146 vụ việc đã chấm dứt thi hành với giá trị THA về tiền là 420.635.727.590 đồng.
UBND TP.HCM cũng nhận định kết quả hoạt động của các Văn phòng TPL trên địa bàn TP trong suốt quá trình thực hiện thí điểm đã khẳng định sự cần thiết của chế định TPL, khẳng định nhu cầu của xã hội đối với hoạt động TPL thông qua số lượng việc do TPL thực hiện cũng như doanh thu mà hoạt động này đạt được tăng đều hàng năm. Đạt được kết quả đó còn là sự nỗ lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ và chính quyền TP trong quá trình tiếp tục thực hiện thí điểm.
Đề nghị cho áp dụng chính thức
Qua thực tiễn thí điểm chế định TPL trên địa bàn TP.HCM cho thấy các hiệu quả của chế định này và nhu cầu thực tế ngày càng tăng của xã hội (từ phía cơ quan nhà nước cũng như người dân) đối với các hoạt động của TPL; đội ngũ TPL hoàn toàn có đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu của xã hội đối với các hoạt động của mình. 
Mặt khác, việc thực hiện có hiệu quả chế định này sẽ góp phần giảm tải một số lượng lớn công việc của cơ quan Tòa án, THADS. Trên cơ sở những kết quả đạt được tại TP.HCM, UBND TP kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định TPL Trung ương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng chính thức chế định này. 
Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện thể chế về TPL, lâu dài cần ban hành Luật về TPL cũng như Quy tắc đạo đức hành nghề TPL để đảm bảo hiệu lực pháp lý đối với hoạt động TPL; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nghiệp vụ cho TPL…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả TP.HCM đã đạt được trong việc triển khai thí điểm chế định TPL. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, thành công trong thí điểm chế định này của TP.HCM có ý nghĩa quan trọng trong chủ trương xã hội hóa hoạt động tư pháp. 
Theo Thứ trưởng Đinh Trung Tụng: “Tính đến thời điểm này có thể khẳng định TPL đã bắt đầu trở thành một nghề, từng bước khẳng định vị trí trong xã hội”. Thứ trưởng cũng mong muốn Thành ủy, UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ cho các văn phòng TPL hoạt động hiệu quả. Các cấp, ngành tăng cường phối hợp để tiếp tục đưa chế định TPL ngày càng đi vào đời sống. 

Đọc thêm