TP.Thanh Hóa: Nhiều công trình xây dựng được 'mở lối' để hợp thức hóa sai phạm

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu “phải kiên quyết áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định, đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật”.
TP.Thanh Hóa: Nhiều công trình xây dựng được 'mở lối' để hợp thức hóa sai phạm

Những năm gần đây, trên địa bàn TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa ) không khó để phát hiện các công trình, dự án từ nhỏ đến lớn bất chấp quy định xây dựng lấn chiếm, sai giấy phép. Cơ quan chức năng có phát hiện, lập biên bản nhưng xử lý không triệt để, trái lại còn “mở lối” để “hợp thức hóa sai phạm”.

Một ngã tư, 5 công trình vi phạm

Gần đây, trên địa bàn TP.Thanh Hóa xuất hiện nhiều công trình, dự án vi phạm về trật tự xây dựng bị phạt hành chính, khiến UBND tỉnh này phải ban hành chỉ thị yêu cầu nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn.

Ngã tư giao nhau giữa đại lộ Võ Nguyên Giáp với đường CSEDP (khu vực giáp ranh giữa P.Đông Vệ và P.Quảng Thành, TP.Thanh Hóa) là một trong những ngã tư lớn, mới được hình thành, tạo nên cảnh quan đô thị văn minh và hiện đại ở khu vực phía nam TP.Thanh Hóa. Thế nhưng, ngã tư này đang bị “xâm hại” bởi hàng loạt công trình, dự án lớn xây dựng sai quy hoạch mặt bằng, giấy phép xây dựng.

Điển hình như Trung tâm tổ chức sự kiện White Palace, hay còn gọi là “Cung điện trắng” ở ngã tư đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường CSEDP, có tổng diện tích hơn 7.900 m2. Dự án đã được xây dựng với công trình bề thế là tòa nhà khách sạn - thương mại đang hoạt động. Tuy nhiên, khoảng cách từ tường công trình đến đại lộ Võ Nguyên Giáp chỉ có 19 m, trong khi quy định tối thiểu phải cách 25,4 m.

Không chỉ vi phạm chỉ giới xây dựng, “Cung điện trắng” còn có tầng cao, diện tích xây dựng không phù hợp với tổng mặt bằng quy hoạch; chủ đầu tư tự ý xây khu nhà 1 tầng, rộng khoảng 140 m2, dọc đại lộ Võ Nguyên Giáp để làm quán cà phê, trong khi công trình này không có trong mặt bằng xây dựng.

Tháng 3.2020, Thanh tra Sở Xây dựng, Đội kiểm tra quy tắc đô thị TP.Thanh Hóa và UBND P.Đông Vệ đã kiểm tra, phát hiện các vi phạm trên và ra quyết định phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng, sau xử lý vi phạm hành chính, các hạng mục vi phạm vẫn hoàn thành và đi vào hoạt động.

Cũng tại ngã tư trên, một số dự án mắc sai phạm tương tự, như: dự án cửa hàng xăng dầu loại 3 của Công ty TNHH đầu tư xây lắp - Thương mại Việt Nga, đã xây dựng nhà xưởng rộng 580 m2, vi phạm chỉ giới xây dựng và sử dụng không đúng mục đích; Trung tâm thương mại tổng hợp và Showroom ô tô Ford Thanh Hóa xây thêm 3 hạng mục công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; dự án khu thương mại hỗn hợp của Công ty Cp đầu tư Thương mại - Du lịch Hoàng Sơn cũng xây dựng nhiều công trình vi phạm chỉ giới xây dựng...

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ tính riêng khu vực ngã tư đại lộ Võ Nguyên Giáp với đường CSEDP, đã có tới 5 dự án chủ đầu tư các dự án đã xây dựng công trình không có trong mặt bằng quy hoạch xây dựng, sai giấy phép xây dựng, hoặc sử dụng đất không đúng mục đích. Các dự án được xây dựng vào giai đoạn 2015 - 2019 và chính quyền địa phương, đơn vị chức năng đều biết, có kiểm tra, lập biên bản và xử lý hành chính, nhưng không hiểu vì lý do gì, các công trình vi phạm vẫn hoàn thành, hoạt động như chốn không người.

Không cho phép hợp thức hóa sai phạm

Đầu năm 2021, sau khi thành lập đoàn kiểm tra các dự án khu vực ngã tư đại lộ Võ Nguyên Giáp, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã báo cáo UBND tỉnh về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng , trong đó nêu rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm trước tiên thuộc về UBND P.Đông Vệ, UBND P.Quảng Thành và UBND TP.Thanh Hóa.

Sở này cũng khẳng định phần vi phạm của các dự án “không phù hợp với hồ sơ đầu tư xây dựng được thẩm định, cấp phép”, nhưng không kiến nghị xử lý tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định, mà lại đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Viện Quy hoạch kiến trúc Thanh Hóa “nghiên cứu phương án quy hoạch” đối với khu vực nút giao thông đại lộ Võ Nguyên Giáp và đường CSEDP.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Hòa, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị UBND TP.Thanh Hóa, thừa nhận chính việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn công trình sai phạm chưa hiệu quả đã dẫn tới các công trình vi phạm vẫn tồn tại. Khi được hỏi về quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị chức năng có chịu áp lực nào từ cấp trên, hay chủ đầu tư nên mới để tình trạng vi phạm xây dựng tồn tại mà không bị phá dỡ hay không, ông Hòa cho hay: “Tôi nghĩ chả có sức ép nào chống được luật cả”.

Trước tình trạng quản lý xây dựng bộc lộ nhiều yếu kém, buông lỏng quản lý và không nghiêm trên địa bàn TP.Thanh Hóa cũng như các địa phương khác, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng , trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị chỉ đạo khắc phục tình trạng phạt nhưng vẫn để tồn tại. Đáng chú ý, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đối với các công trình vi phạm về xây dựng “phải kiên quyết áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định, đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật”.

Đọc thêm