Trả giá cao cho ’bốc thầu giá cao’

Theo quyết định giao đất của UBND huyện Thủy Nguyên, tiền sử dụng đất thu được qua đấu thầu gần 3 tỷ đồng. Để thu tiền cao nhất có thể, các vị lãnh đạo xã ra nghị quyết “bốc thầu giá cao” đối với những lô đất được cấp cho người dân. Họ đã phải trả giá cho việc làm của mình...

Theo quyết định giao đất của UBND huyện Thủy Nguyên, tiền sử dụng đất thu được qua đấu thầu gần 3 tỷ đồng. Để thu tiền cao nhất có thể, các vị lãnh đạo xã ra nghị quyết “bốc thầu giá cao” đối với những lô đất được cấp cho người dân. Họ đã phải trả giá cho việc làm của mình, tuy nhiên vẫn còn đó sự bất bình của một số người dân… 

Năm 2004 – 2005, UBND huyện Thủy Nguyên đã ra quyết định giao đất cho 159 hộ dân trên địa bàn xã Quảng Thanh làm nhà ở. Khi triển khai các quyết định giao đất của UBND huyện, các vị lãnh đạo UBND xã Quảng Thanh nhận thấy số tiền sử dụng đất ngân sách xã chỉ thu được chưa đến 3 tỷ đồng, trong lúc ngân sách địa phương eo hẹp, nhiều khoản cần phải chi, trong đó có cả việc chi giải phóng, san lấp mặt bằng cho chính khu đất được giao cho công dân làm nhà ở, các vị lãnh đạo xã Quảng Thanh đã mạnh dạn tới mức vi phạm pháp luật.

Cụ thể, HĐND xã đã ra nghị quyết chuyển các hộ được giao đất sang “bốc thầu giá cao”. Để việc “bốc thầu giá cao” diễn ra thuận lợi, chính quyền xã Quảng Thanh đã để lại toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 159 hộ dân được UBND huyện ra quyết định trước đó để tiến hành “bốc thầu”.

Theo lãnh đạo xã Quảng Thanh thời kỳ này, do việc “bốc thầu giá cao” sẽ “phân loại” được những hộ chưa có nhu cầu sử dụng đất, do vậy, cả những người không có tên trong các quyết định giao đất của UBND huyện Thủy Nguyên cũng được tham gia bốc thầu.

Ngay sau đó, cả 5 khu vực được quy hoạch làm nhà ở được xây dựng giá đất mới, tổ chức tiến hành “bốc thầu giá cao”. Kết quả bất ngờ ngoài mong đợi của những người ra chủ trương, khu đất thấp nhất giá đất ở cũng được xác định 58 triệu đồng/lô, khu đất có giá cao nhất lên đến 138 triệu đồng/lô. Theo tính toán của lãnh đạo xã Quảng Thanh, chỉ với 149 lô đất được đem ra “bốc thầu giá cao”, ngân sách xã đã thu được hơn 18 tỷ đồng, cao hơn 15 tỷ đồng so với quyết định giao cấp đất của UBND huyện

Trả giá..

Đến thời điểm hiện tại, đã có 97 hộ dân nộp tiền sử dụng đất theo giá “bốc thầu giá cao” với tổng số tiền thu được hơn 8,2 tỷ đồng. Khoản tiền này được lãnh đạo xã duyệt chi cho các khoản xây mới một số công trình của xã như làm đường liên thôn, liên xã, làm trường tiểu học, đền bù hành lang tưới tiêu nước, san lấp mặt bằng khu dân cư…

Thế nhưng, chủ trương “bốc thầu giá cao” đã vấp phải phản ứng của một số người dân trong xã. Từ năm 2007, UBND huyện Thủy Nguyên đã lập tổ công tác, tiến hành kiểm tra xác minh đơn thư tố cáo việc HĐND xã ra chủ trương “bốc thầu giá cao”, gây bất bình trong dư luận. Ngay sau đó, chủ tịch HĐND, chủ tịch, một phó chủ tịch UBND xã Quảng Thanh đã bị khai trừ đảng, cách chức. Nhiều hộ dân trúng đấu thầu quyền sử dụng đất bị “ách” lại quyền sử dụng đất vì chính quyền cấp xã bị khiếu nại.

Trả giá cao cho ’bốc thầu giá cao’ ảnh 1
Vướng khiếu nại, quyền lợi của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng 

Đến nay, đơn thư khiếu nại vụ việc “bốc thầu giá cao” vẫn được gửi vượt cấp lên các cơ quan chức năng. Để giải quyết dứt điểm vụ việc, sớm ổn định tình hình chính trị tại địa phương, CA TP.Hải Phòng đã vào cuộc điều tra vụ việc, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TP Hải Phòng cũng đã báo cáo Văn phòng chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Theo kết quả kiểm tra, xác minh giải quyết đơn tố cáo, các cựu lãnh đạo xã đã có sai phạm, như: thiếu công khai, dân chủ trong việc thông báo cho các đối tượng có quyết định cấp đất ở của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; cấp ủy, chính quyền xã có chủ trương và tổ chức thực hiện việc chuyển từ cấp đất sang “bốc thầu giá cao”  cho tất cả các đối tượng có quyết định cấp đất và không có quyết định cấp đất là việc vi phạm pháp luật; tùy tiện ban hành quy định giá đất từng khu vực, xây dựng “quy chế bốc thầu” trái với quy định của pháp luật, tạo sơ hở cho một số đối tượng không có nhu cầu sử dụng đất nhưng được tham gia bốc thầu để mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương…

Cảnh báo “kẽ hở” trong giao cấp đất

Có một thực tế, trong số 159 lô đất được đem ra “bốc thầu”, đã có 97 hộ nộp tiền sử dụng đất theo kết quả đấu thầu; 52 trường hợp trúng giá đấu thầu quyền sử dụng đất đang được các cấp chính quyền đôn đốc để tiếp tục nộp đầy đủ số tiền như kết quả bốc thầu trước đây. Đây được xem là căn cứ để nhận định kết quả đấu thầu không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người dân như trong đơn tố cáo. Qua việc “bốc thầu giá đất” cũng cho thấy việc Nhà nước quy định giá đất ở còn chưa sát với thực tế, dễ nảy sinh tư tưởng của một số người chưa có nhu cầu sử dụng đất nhưng vẫn nộp đơn để được xin cấp đất nhằm hưởng khoản chênh lệch địa tô trong các quyết định giao cấp đất.

Trên cơ sở kết luận không có dấu hiệu tư lợi của chủ trương bốc thầu giá cao, để giải quyết dứt điểm vụ việc, mới đây, UBND huyện Thủy Nguyên đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hải Phòng cho chủ trương được tiếp tục xem xét quyền lợi của 15 hộ dân có tên trong danh sách giao đất ban đầu hoặc có quyết định giao đất nhưng không được thông báo tham gia bốc thầu.

Thông qua việc “tính” lại giá đất của chính quyền cấp xã, các cấp chính quyền cũng cần nhìn thẳng vào sự thật: trong một số trường hợp, các quyết định giao đất còn kẽ hở để những người chưa thực sự có nhu cầu sử dụng đất lợi dụng xin giao cấp đất. Hơn nữa, chính quyền địa phương cần công khai, minh bạch các chủ trương của mình, tránh việc khiếu nại kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều người nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương đúng đắn của chính quyền cấp cơ sở.           

        
Linh Nhâm

         
Thu thêm ngân sách hơn chục tỷ đồng… vẫn có lỗi

Đọc thêm