Nhóm lao động đi Nga qua công ty VTC Corp bị về nước trước hạn đã nhanh chóng được Ban lãnh đạo mới của công ty “giải cứu”, thanh lý hợp đồng, đảm bảo quyền lợi chính đáng, trả nợ ngân hàng, thoát cảnh bị tịch biên, phát mại tài sản.
Lao động Vi Thị Phương tại buổi thanh lý hợp đồng với VTC Corp |
Ban lãnh đạo mới tỏ rõ trách nhiệm
Như PLVN Online đã thông tin, sau khi nhóm lao động quê Thanh Hóa và Thái Bình kêu cứu trước cổng Cục Quản lý lao động ngoài nước ( QLLĐNN) do lo sợ bị phát mại nahf cửa, tài sản thế chấp ngân hàng trước khi đi XKLĐ tại Nga qua VTC Corp, Ban lãnh đạo mới của đơn vị này đã họp khẩn cấp để giải quyết vụ việc.
[links()]
Trao đổi với phóng viên PLVN Online, ông Nguyễn Vạn Xuân- chủ tịch HĐQT VTC Corp cho biết tính tới chiều ngày 17/11, công ty đã tiến hành thanh lý hợp đồng với 4 lao động : Vi Thị Phương, Vũ Xuân Quý, Hà Thị Hà, Lê Văn Kỳ theo đúng quy định của pháp luật. Cả 4 lao động đều hài lòng với phương án thanh lý hợp đồng của công ty và đã nhanh chóng hoàn trả ngân hàng nợ vay trước khi đi XKLĐ.
Ngay sau khi thanh lý hợp đồng, VTC Corp đã có văn bản báo cáo Cục QLLĐNN và các cơ quan chức năng.
Cơ quan công an sẽ “truy’ trách nhiệm cá nhân của ban lãnh đạo cũ
Liên quan tới nhóm lao động nói trên được đưa sang Nga từ năm 2008, vất vưởng ở xứ người và buộc phải về nước trước hạn từ năm 2009 nhưng không được giải quyết quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật. Hiện cơ quan công an đang xem xét trách nhiệm của một số cá nhân trong sự việc này.
Trách nhiệm cá nhân thuộc về ban lãnh đạo cũ của VTC Corp do ông Vũ Hải Việt là chủ tịch HĐQT. Khi đó, ông Vũ Hải Việt đã lập chi nhánh của VTC Corp tại Thanh Hóa, giao cho ông Nguyễn Văn Thuật làm giám đốc chi nhánh.
Những lao động và thân nhân của họ cho biết đã nộp tiền cho ông Thuật cao hơn mức quy định của công ty |
Thời điểm năm 2008 ông Thuật đã tuyển nhiều lao động đi Nga và các thị trường khác bằng giấy phép của VTC Corp và thu những khoản tiền cao hơn quy định. Cụ thể như trường hợp của lao động Vi Thị Phương, chi phí phải nộp trước khi đi chỉ là 1.700 USD nhưng Phương đã phải nộp cho ông Thuật 2.500 USD.
Điều đáng nói khi lao động ‘xảy ra chuyện” điện thoại về cho ông Thuật không nghe máy, chi nhánh cũng đóng cửa, người lao động không thể tìm thấy ông Thuật để đòi hỏi có trách nhiệm giải quyết.
Trong khi đó, cuối năm 2009 ông Nguyễn Văn Đâu, giám đốc công ty cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không cũng có công văn gửi công an TP Hà Nội và công an TP Thanh Hóa về hành vi ông Nguyễn Văn Thuật lợi dụng pháp nhân, thu tiền bữa bãi của người lao động.
Theo văn bản này thì ngay sau khi chấm dứt làm đại diện cho VTV Corp tại Thanh Hóa, cũng ngay địa chỉ này ông Thuật đã được ông Đâu bổ nhiệm làm giám đốc trung tâm XKLĐ tại Thanh Hóa. Dưới danh nghĩa công ty cổ phần Cung ứng dịch vụ hàng không, ông Thuật đã thu nhiều tiền của người lao động, hứa hẹn đưa đi Nga nhưng sau đó không đưa đi được và cũng không trả lại tiền cho người lao động.
Đáng lưu ý là có trường hợp ông Thuật thu của lao động Nguyễn Quốc Hoàng 50 triệu đồng bằng phiếu thu của công ty VTC Corp nhưng lại lập hồ sơ vay vốn dưới danh nghĩa công ty cồ phần Cung ứng dịch vụ hàng không để lao động Hoàng vay vốn đi làm việc tại Nga. Sau đó, ông Thuật rút số tiền 40 triệu đồng mà lao động Hoàng vay của ngân hàng để…chi tiêu.
Theo ông Đào Công Hải- Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN thì các đơn vị có giấy phép XKLĐ nếu “cho thuê giấy phép” hay “khoán trắng” cho các trung tâm, chi nhánh do mình lập ra, khi xảy ra vụ việc thì đơn vị đó vẫn phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, từ sự việc trên, thiết nghĩ Cục QLLĐNN cần có chương trình rà soát lại hoạt động của các chi nhánh, trung tâm, tránh cho người lao động bị lừa đảo bởi chính những chi nhánh “núp bóng” giấy phép XKLĐ để hoạt động chụp giựt, gây phương hại cho người lao động.
Thanh Lương