Trắc ẩn sau vụ kiện nhiều lần ra toà nhất xứ Huế

  Bảy năm theo đuổi vụ kiện, các đương sự trong vụ án đã đến hồi mệt mỏi. Nguyên đơn bộc bạch chẳng lấy làm sung sướng gì khi anh em một nhà chỉ vì đất đai mà kéo nhau ra toà “đòi ăn thua”.
Nhận xét về kỳ án tranh chấp này, ông Trần Tịnh, Chánh toà dân sự TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết “âm vang” của vụ án lớn đến nỗi chỉ cần nói ra tên nguyên đơn, bị đơn bất kể cán bộ toà án nào ở Huế đều biết đến. “Có lẽ đây là vụ án trải qua nhiều lần xét xử nhất mà tôi từng gặp, đã qua nhiều lần sơ thẩm, phúc thẩm và sắp tới không biết phải qua bao nhiêu lần xử nữa mới chấm dứt”, một cán bộ toà án tỉnh nói. 
Mâu thuẫn con riêng – mẹ kế
Nguyên đơn trong vụ kiện là ông Trần Thanh Bình (SN 1951, trú số 86/21, phố Dương Văn An, thành phố Huế) còn bị đơn là mẹ kế Nguyễn Thị Chởi (SN 1944), ngụ cùng địa chỉ trên. Năm 1954 cha ông Bình là cán bộ tập kết ra miền Bắc rồi chung sống với bà Chởi và có bốn người con.
Ở quê ngóng chờ mãi không thấy tin chồng nên mẹ ông Bình lấy chồng mới và có đến 5 người con chung. Rồi mẹ và cha dượng lần lượt qua đời không để lại di chúc, những người anh em cùng mẹ khác cha của ông Bình chuyển vào miền Nam sinh sống, thống nhất giao cho ông Bình trông coi mảnh đất hương hoả. 
Nguyên đơn trình bày lại vụ kiện
Đến năm 1976, cha ruột cùng mẹ kế và các em chuyển từ ngoài Bắc về quê sinh sống cùng ông Bình trên mảnh đất do mẹ và cha dượng tạo dựng. Bốn năm sau ông Bình lập gia đình và chuyển ra ở riêng. Trong thời gian đó gia đình này sống rất hoà thuận, cho đến khi mẹ kế tự ý làm sổ đỏ, chia lô mảnh đất đang sống cho các em cùng cha khác mẹ của ông Bình.
Sự việc nói trên diễn ra vào năm 1991, cũng là năm cha ông Bình vừa qua đời. Cho rằng mình bị “qua mặt” trong quá trình phân chia tài sản chung nên ông Bình được bốn người em cùng mẹ khác cha uỷ quyền làm đơn khởi kiện bà mẹ kế, yêu cầu phải trả lại nhà và toàn bộ quyền sử dụng khu đất rộng gần 600m2.
“Dù bề ngoài tỏ ra bình thường nhưng bà Chởi âm thầm nhờ hàng xóm kí giấy xác nhận để làm sổ đỏ rồi chia mảnh đất thành các lô nhỏ cho con riêng. Vụ việc được tôi phát hiện khi một số hàng xóm báo lại. Đất là của mẹ và cha dượng tôi tạo dựng, vậy mà bà Chởi lại tự ý chiếm đoạt lô đất”, ông Bình trình bày.
Cũng theo lời nguyên đơn, hành động trên của mẹ kế đã dẫn đến quan hệ anh em, mẹ con tốt đẹp lâu nay bị đổ vỡ, từ chỗ thân thiết trở nên “không thèm nhìn mặt nhau”. Ngay sau đó UBND phường đã ra quyết định đình chỉ việc chia đất, không tiến hành cấp sổ đỏ do mảnh đất đang có tranh chấp.
Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần hoà giải nhưng đều bất thành do các bên không thống nhất được giải pháp chung. Theo lời khai lưu lại trong bản án lại tòa án, phía bị đơn không chấp nhận trả lại đất đồng thời lập luận rằng khi về Huế sinh sống tại ngôi nhà này, bà và chồng đã bỏ tiền, công sức để sửa chữa lại ngôi nhà cũ, cơi nới thêm diện tích đất nhằm đảm bảo sinh hoạt gia đình và 10 năm trước đây bà đã tách 100m2 từ khu đất giao cho con chồng là ông Bình sử dụng nên nay bà không chấp nhận yêu cầu trả lại đất.
Trong khi đó những người khởi kiện bà Chởi lại cho rằng khu đất là tài sản do mẹ và cha dượng mình tạo dựng nên đương nhiên quyền sở hữu phải thuộc về họ.
Vụ kiện giữ kỉ lục số lần ra toà 
Hoà giải bất thành, các bên đã phải nhờ đến sự phân xử của pháp luật. Giữa năm 2005 vụ việc được thụ lý, gần hai năm sau mở phiên sơ thẩm với phán quyết đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Nguyên đơn sau đó có đơn kháng cáo yêu cầu xét xử lại và hai tháng sau phiên phúc thẩm được mở, sửa một phần quyết định sơ thẩm nhưng bản án vẫn giữ nguyên phán quyết đình chỉ giải quyết vụ án khiến nguyên đơn không “tâm phục khẩu phục”.
Quyết tâm đeo đuổi vụ việc, nguyên đơn làm đơn kháng nghị gửi lên Giám đốc thẩm TAND tối cao và 3 năm sau thì nhận được quyết định của Giám đốc thẩm, huỷ bản án dân sự phúc thẩm của tòa tỉnh; huỷ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của tòa thành phố. Đồng thời Hội đồng Giám đốc thẩm cũng trả hồ sơ, yêu cầu tòa thành phố xử lại vụ án do có nhiều sai sót. Vậy là một lần nữa vụ án được lật lại.
Cuối tháng 10/2011, tức sáu năm sau ngày khởi kiện lần đầu, tòa án thành phố mở phiên toà xét xử sơ thẩm lần 2 nhận định rằng tài sản của mẹ ruột và cha dượng ông Bình là hai người có công tạo dựng nên thửa đất đang tranh chấp chỉ chiếm… 15% trong ngôi nhà được cha đẻ và mẹ kế ông cải tạo sau này.
Thêm phần khó hiểu nữa khi 15% tài sản do toà xác định trên lại nằm lọt thỏm giữa thửa đất chung, không có lối ra vào. Từ nhận định trên, tòa thành phố Huế phán quyết buộc bà Chởi phải trả bằng tiền với quyền sử dụng đất và tài sản là ngôi nhà rộng chỉ hơn 33m2.
Không chấp nhận, Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị và tại phiên toà phúc thẩm hồi tháng 4/2012 vừa qua, tòa tỉnh quyết định huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu toà cấp dưới giải quyết lại vụ việc. Thêm một lần vụ việc lâm vào tình trạng “xóa cờ đánh lại”, không rõ khi nào vụ kiện mới được phân giải.
Chữ “tham” thắng chữ “tình” 
Bảy năm theo đuổi vụ kiện, các đương sự trong vụ án đã đến hồi mệt mỏi. Nguyên đơn bộc bạch chẳng lấy làm sung sướng gì khi anh em một nhà chỉ vì đất đai mà kéo nhau ra toà “đòi ăn thua”.
“Suốt ngày phải lo tìm chứng cứ ứng phó trước pháp luật, rồi lại lo lắng, đề phòng chính người thân là em út của mình. Thực tình tôi đâu muốn cơ sự nên nông nỗi này, nhưng không chịu được vụ việc vì tham lam mà quên mất tình người”, ông Bình trải lòng. Đó là chưa kể suốt bảy năm qua ông đã cất công ra tận Toà án tối cao tại Hà Nội không biết bao nhiêu lần “ăn chờ nằm chực” để “than khóc”.
Nói về nguyên nhân khiến mình theo đuổi vụ kiện đến cùng, ông Bình tâm sự: “Ngạo ngược, hơn mấy đứa em cùng cha khác mẹ còn sang hăm doạ đòi lấy luôn ngôi nhà vợ chồng tôi đang sinh sống. Chúng làm như thể tôi đang sống nhờ trên đất của chúng vậy. Sự thật đây là đất hương hoả do mẹ tôi lúc còn sống đã khổ công tạo dựng nên”.
Cũng theo lời nguyên đơn kể lại, từ khi xảy ra tranh chấp đến nay, dù sống cạnh nhà nhau nhưng gia đình ông và gia đình mẹ kế chưa bao giờ nhìn nhau bằng “nửa con mắt”. Thậm chí theo lời nguyên đơn trình bày, không ít lần những người em của ông còn vác dao sang hăm doạ, rượt đuổi con trai ông chạy toán loạn. 
Chứng kiến cảnh chú cầm dao đòi chém cháu, anh em một nhà nhục mạ nhau lẫn nhau, vợ ông Bình thở dài giọng não nề: “Trước kia cả nhà lúc nào cũng đông vui, thăm hỏi nhau. Vậy mà đùng một cái gặp nhau cứ như thể người lạ. Vợ chồng tôi nếu có thắng kiện đi nữa cũng đâu nỡ lòng lấy lại hết đất chứ. Không hiểu người ta nghĩ sao mà lại độc quyền chiếm đoạt trắng trợn đến vậy”.
Chỉ vì mảnh đất mà những người thân trở thành đối địch nhau trước vành móng ngựa. Tiền bạc, đất đai trong cuộc sống dẫu là thứ vật chất rất quan trọng nhưng chẳng lẽ lớn hơn cả tình người, tình ruột thịt?.
Mai Long

Đọc thêm