Trắc trở đò chiều

Sau một thời gian vò võ nuôi con, khi con cái đã trưởng thành, không ít người nghĩ đến chuyện tìm bạn đời để chia sẻ quãng đời còn lại.
Sau một thời gian vò võ nuôi con, khi con cái đã trưởng thành, không ít người nghĩ đến chuyện tìm bạn đời để chia sẻ quãng đời còn lại. Đó là nhu cầu rất chính đáng và nhân bản, nhưng thực tế cuộc sống vẫn còn những rào cản từ dư luận xã hội đến người thân trong gia đình, khiến người trong cuộc gặp nhiều khó khăn.

Định kiến

Bà Th., nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM kể: “Tôi đã 60 tuổi. Chồng bỏ nhà theo vợ bé sang Mỹ từ năm 1980, hiện hai con tôi đều đã khôn lớn. Gần đây, tôi có quen một người đã ly dị vợ. Thỉnh thoảng, anh có đến nhà chơi thì các con tôi vẫn quý mến, chào hỏi bình thường. Mới đây, anh ấy ngỏ lời cầu hôn.
Thấy tình cảm cũng chín muồi, tôi quyết định nói ý định sẽ tái hôn cho hai con tôi biết và đã gặp phải phản ứng quyết liệt của hai cháu. Đứa con gái nói không muốn cuộc sống gia đình thay đổi, xáo trộn, còn tuyên bố: “Mẹ phải chọn một trong hai: chúng con hoặc là ông ấy! Nếu ông ấy về sống với mẹ, tụi con sẽ bỏ nhà đi”. Đứa con trai lớn thì không tin người chồng sau này sẽ đối xử tốt với tôi. Tôi ở vậy, các con sẽ chăm lo cho tôi, bù đắp cho tôi lúc tuổi già. Tôi băn khoăn quá không biết phải làm sao?”.

Tương tự, nhưng còn nặng nề hơn, bà L. ở Q.3 và ông N. ở Q.Phú Nhuận “yêu nhau” cũng bị không chỉ con, cháu mà cả dòng họ phản đối. Bà L. đã 62 tuổi, sống độc thân hơn 10 năm nay, do chồng bị tai biến, mất sớm. Bà L. hiện sống chung với gia đình người con cả. Hằng ngày, công việc của bà là trông cháu nội.
Rảnh rỗi, bà tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh, sáng nào cũng tập luyện, nên có nhiều bạn già. Gia đình bà L. “dậy sóng” khi đứa cháu nội phát hiện bà có “bạn trai”. Sau đó, chính bà cũng thú thật với các con, cháu là bà sẽ “kết hôn” với ông N. Cả gia đình người con trai đều “dọa”: nếu bà L. kết hôn thì sẽ phải tự lo cuộc sống, con cháu coi như không biết đến bà nữa!

Ông N. đã 72 tuổi, quê ở Huế. Do vợ mất từ năm 1998, ông vào TP.HCM sống chung với gia đình của người con gái lớn. Hằng ngày ông tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh nên quen biết với bà L. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người có tình cảm với nhau. Thấy cha mình hay đi sớm về muộn, nhiều lần ăn mặc chải chuốt, ra khỏi nhà trái giờ giấc, cô con gái sinh nghi, cho người theo dõi, mới biết ông “có bồ”.
Không thể giấu được, ông N. họp gia đình công khai ý định với bà L., nhưng con cháu và cả bà con họ hàng của ông đều không đồng ý. Vì lẽ đó, hai ông bà đều không dám quyết định chuyện hôn nhân và tìm đến luật sư nhờ tư vấn. Sau khi được tư vấn, ông N. và bà L. như được tiếp thêm sức mạnh và sự tin tưởng vào pháp luật, đã mạnh dạn tính chuyện “trăm năm”. Đến lúc này, ông N. gặp phải khó khăn khác. Các con, cháu ông ra “yêu sách” nếu muốn kết hôn, ông phải chia hoặc sang tên toàn bộ đất đai nhà cửa ở ngoài quê cho họ!

Thực tế, một số người trong cuộc đã thuyết phục con cái và người thân chấp nhận cuộc hôn nhân của mình nhưng họ vẫn còn nhiều băn khoăn khác. Chị H., 55 tuổi, ngụ tại Q.8, bộc bạch với nhà tư vấn: “Ở tuổi này, chúng tôi chỉ muốn dựa vào nhau trong đời sống tình cảm, không nhu cầu có con chung vì ai cũng đã có con riêng, không cần tài sản vì mỗi người đều có nhà cửa và thu nhập ổn định. Chúng tôi chỉ muốn đến với nhau theo kiểu “góp gạo nấu cơm chung”, khi nào cảm thấy không hợp nhau, không cần nhau nữa thì chia tay. Không biết làm như vậy có được không, có vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình không?”.

Cùng cảnh ngộ nói trên nhưng chị Tr. ở Q.Tân Phú, TP.HCM lại có những quan tâm khác trước khi “đi bước nữa”. Chị tâm sự với luật sư: “Tôi là công nhân may, sau khi ly hôn, phải nuôi hai đứa con và được chia một căn nhà trị giá khoảng 50 cây vàng. Đây là tài sản lớn nhất và duy nhất của tôi. Giờ đây, khi các con đã khôn lớn, tôi dự định “đi bước nữa” với một người cũng đã ly dị vợ. Điều tôi lo ngại là người chồng sắp cưới của tôi đã có con riêng, gia cảnh cũng khó khăn. Nếu vợ chồng hòa thuận và hạnh phúc thì không nói làm gì, còn nếu có chuyện trục trặc xảy ra, tôi có bị buộc phải chia tài sản không?".

Quyền hôn nhân

Tình yêu không phân biệt tuổi tác, nên người luống tuổi vẫn có quyền được yêu và tiến tới hôn nhân, miễn là điều đó không vi phạm pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. Theo các nhà tâm lý học, tình yêu có tác động tích cực đến sức khỏe, tuổi thọ, khả năng lao động sáng tạo của con người, nhất là người cao tuổi. Nó là phương thuốc hữu hiệu có thể ngăn chặn mọi bệnh tật.

Việc tái hôn là cần thiết đối với những người có hoàn cảnh đơn thân, cần một mái ấm, người bạn đời để sẻ chia, chăm sóc lẫn nhau khi bóng xế tuổi già. Điều này thì con, cháu hay người thân của họ không thể nào thay thế được. Khổ nỗi, không ít trường hợp các thành viên trong gia đình quan niệm lạc hậu, hoặc do quá ích kỷ, lo sợ khi ông bà, cha mẹ mình kết hôn là sẽ dành hết tình cảm, sự yêu thương, chăm sóc… cho người khác, nên ngăn cấm, cản trở, thậm chí đe dọa làm cho người trong cuộc rất khó xử khi quyết định chuyện tái hôn. Ngoài ra, nhiều người còn nhầm lẫn, không phân biệt đâu là tình yêu nam, nữ; đâu là tình yêu giữa cha mẹ với con, các cháu với ông, bà nên cũng ngăn cản hôn nhân của người lớn một cách hết sức vô lý.

Kết hôn là một trong các quyền về nhân thân rất quan trọng của công dân, được quy định tại điều 39 Bộ luật Dân sự: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn”. Điều 4, Luật Hôn nhân và gia đình cũng nghiêm cấm cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Người cao tuổi, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2010. Điều 9 của luật này nghiêm cấm việc xâm phạm, cản trở người cao tuổi thực hiện quyền về hôn nhân, quyền về sở hữu tài sản và các quyền hợp pháp khác. Do vậy, những hành vi ngăn cấm hôn nhân tự nguyện tiến bộ đối với ông, bà, cha, mẹ và những người thân của mình bằng cách này hay cách khác đều là hành vi vi phạm pháp luật; có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Pháp luật và xã hội nói chung khuyến khích, ủng hộ những người đơn thân đi tìm hạnh phúc mới. Chúng ta nên nhìn sự kiện “đi bước nữa” của người thân của mình một cách đúng đắn, tích cực, hợp pháp và nhân bản. Để rồi, thay vì phản đối, cản ngăn, chúng ta nên động viên khích lệ để ông, bà, cha, mẹ của mình có thêm sức mạnh, niềm tin trong việc tìm kiếm hạnh phúc mới; để giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích trong quãng đời còn lại.

Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng nên với người trong cuộc, sau khi đã tìm hiểu kỹ về nhau, đến với nhau bằng tình yêu chân chính thì dù có luống tuổi đôi chút cũng đừng ngần ngại chuyện đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn trước khi thành vợ chồng vừa là thể hiện sự trân trọng, nâng niu hạnh phúc trong phần đời còn lại của chính mình vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên về sau.

Theo PNO

Đọc thêm