Quốc hội hôm nay và ngày 4/6 thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo ý kiến của ĐBQH về dự thảo này khi thảo luận tại tổ “vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp cần tiếp tục góp ý”, nhất là khi “ý kiến của người dân thì nhiều nhưng tiếp thu thì không được bao nhiêu” trước yêu cầu “tất cả góp ý của nhân dân đều phải đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, tiếp thu hay không tiếp thu đều phải giải trình rõ”.
|
ĐBQH Vương Đình Huệ cùng các Đại biểu thảo luận tại Tổ. |
Theo đánh giá của ĐBQH, Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân “đã thể hiện một bước tiến lớn so với Hiến pháp 1992” nhưng nhiều quy định chưa rõ, còn chồng chéo, chưa phân biệt rõ ràng, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm để công dân thực hiện quyền của mình; chế tài xử lý những người vi phạm pháp luật và những người trong bộ máy công quyền để xảy ra vi phạm.
ĐBQH cho rằng, việc trưng cầu ý dân đã được quy định trong Hiến pháp 1992 nhưng chưa được luật quy định cụ thể để thi hành nên đề nghị sửa Điều 30 của dự thảo theo hướng bổ sung quy định về trường hợp Nhà nước phải tổ chức trưng cầu ý dân, quyền của người dân được “trưng cầu ý kiến đối với những vấn đề quan trọng của đất nước”, quy định rõ hiệu lực của việc trưng cầu dân ý, không nên để suy luận qua từ “biểu quyết”.
Có ĐBQH đề nghị sửa Điều 39 lại là: “mọi người đều có quyền kết hôn” để công nhận quyền tự nhiên của con người trong kết hôn, ly hôn, công nhận hôn nhân đồng giới. Song có ý kiến cho rằng, xu hướng chung hiện nay cho thấy ở thời điểm này chưa phù hợp cho việc thừa nhận hôn nhân đồng giới.
Nhiều ĐBQH tán thành Điều 57 dự thảo quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, không quy định đa sở hữu nhưng cho rằng, cần nghiên cứu về vấn đề trưng mua, trưng dụng đất để làm rõ mối quan hệ giữa Điều 57 và 58; làm rõ nội hàm khái niệm “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” vì đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội không do Nhà nước làm chủ đầu tư thì không nhất thiết áp dụng cơ chế thu hồi đất.
Các ĐBQH đề nghị quy định chỉ thu hồi đất khi thấy cần thiết và có bồi thường; hoặc đối với các trường hợp vi phạm quyền sử dụng đất; hoặc trường hợp bỏ hoang đất, vi phạm quyền sử dụng đất… Đề nghị quy định cụ thể việc thu hồi đất trên cùng một địa bàn được đền bù ngang nhau cho tất cả các dự án mà không phân biệt mục đích thu hồi, tính chất của dự án.
Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội cần phân biệt vì lợi ích quốc gia hay vì mục đích khác và giá trị đền bù phải hợp lý, đồng thời cần tính đến công việc của người dân sau khi bị thu hồi đất. Nếu thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh thì cần điều tiết công cụ thuế để hỗ trợ cho người bị thu hồi đất.
Tán thành thành lập Hội đồng Hiến pháp, các ĐBQH cho rằng, để cơ quan này hoạt động hiệu quả, cần tăng thẩm quyền, quy định rõ chức năng, vị trí và hiệu lực của các quyết định của cơ quan này vì nếu chỉ quy định thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp như Điều 120 của Dự thảo thì không cần thiết phải thành lập.
Bên cạnh quyền “kiến nghị”, Hội đồng phải có thẩm quyền phán quyết thông qua quyền “tạm đình chỉ” việc thi hành văn bản và báo cáo trước Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội; quyền “giải thích Hiến pháp”; xử lý trong các trường hợp vi phạm Hiến pháp; hoạt động theo cơ chế độc lập…
H.Giang