Thị trường chứng khoán èo uột, nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phần ưu đãi chứ chưa nói tới cổ phần phát hành thêm; lãi suất ngân hàng chưa giảm trong khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn con đường phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy còn mới mẻ, nhiều người chưa quen nhưng có vẻ đây là một trong những phương thức mới huy động vốn của doanh nghiệp khi thị trường chứng khoán ảm đạm.
Khá hấp dẫn
Công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO có trụ sở tại Hải Phòng vừa thông báo phát hành đợt trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp đợt 1 năm 2010 kỳ hạn 3 năm, mệnh giá 1 triệu đồng, số lượng phát hành 100.000 trái phiếu, tổng giá trị 100 tỷ đồng. Sự hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp VIPCO là lãi suất năm đầu tiên lên tới 14,5%/ năm ( cao hơn so với lãi suất ngân hàng ở thời điểm hiện tại). Lãi suất các năm tiếp theo được xác định bằng bình quân lãi suất huy động vốn kỳ hạn 12 tháng trả sau của 4 ngân hàng: Đầu tư và phát triển, Ngoại thương, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố tại ngày xác định lãi suất cộng với biên độ 3,5%...
Thực tế, từ giữa năm 2008, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hầu như khựng lại trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới. Sự leo thang của lãi suất sau lạm phát cũng là một trở ngại khi tính toán chi phí nếu gọi vốn qua kênh này. Thời gian gần đây, một loạt doanh nghiệp bắt đầu tìm đến trái phiếu, khi các điều kiện đã thuận lợi hơn. Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) thông báo phát hành thành công trái phiếu đợt 3, kỳ hạn 5 năm với tổng giá trị 200 tỷ đồng. Đợt liền trước, doanh nghiệp này cũng gọi thành công 300 tỷ đồng
Tại Đồng Nai, Công ty Tín Nghĩa cũng phát hành thành công trái phiếu với 500 tỷ đồng, tạo đà cho kế hoạch dự kiến gọi thêm 300 tỷ đồng thời gian tới. Công ty cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho dự án Đông Sài Gòn. Tổng công ty Thép Việt Nam phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu nội tệ… Tập đoàn Sông Đà bán thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu qua Ngân hàng ANZ tư vấn với kỳ hạn 5 năm (năm đầu lãi suất 15%) là thương vụ chào bán ra công chúng thành công lớn đầu tiên trong năm nay. Vincom cũng phát hành thành công 1.000 tỷ đồng, lãi suất 16% cho năm đầu nhưng không được tính là giao dịch ra công chúng như quy định vì toàn bộ số trái phiếu được một ngân hàng quốc doanh lớn tư vấn phát hành đồng thời mua toàn bộ.
Có thể thấy, với những lượng vốn đó, doanh nghiệp không dễ tìm đến ngân hàng, nhất là khi tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, còn với thị trường chứng khoán lại càng khó khăn hơn. Tuy lãi suất có cao hơn lãi suất ngân hàng nhưng bù lại, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí khác và nhà đầu tư cũng có thể yên tâm hơn với một khoản đầu tư có địa chỉ rõ ràng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định: Lãi suất của các doanh nghiệp phát hành thành công gần đây phản ánh đúng quan hệ cung – cầu trên thị trường, và là một mức lãi suất hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay. Với sự hồi phục của nền kinh tế thì mức lãi suất này không quá thấp. Đồng thời, xét về mức độ rủi ro của từng doanh nghiệp và kỳ hạn huy động thì mức lãi suất này cũng không quá cao.
|
Công ty cổ phần vận tải xăng dầu VIPCO vừa thông tin phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất hấp dẫn. Trong ảnh: Tòa nhà VIPCO TOWER trên đường Quang Trung vừa được hoàn thiện. |
Vấn đề là điều kiện bảo đảm
Bên cạnh những tiền đề thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu, đối với doanh nghiệp, dù ưu tiên và mong muốn được phát hành trái phiếu thay vì vay ngân hàng và phát hành cổ phiếu thì vẫn còn không ít khó khăn. Hạn chế lớn nhất khi các doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu là việc tuân thủ các chuẩn mực về kế toán và có một tổ chức định mức tín nhiệm đo lường hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp, làm cơ sở cho các phương án phát hành. Chỉ có một số ít doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức quốc tế (một số ngân hàng hàng đầu) và nếu được xếp hạng thì ở mức rất thấp.
Một khó khăn khác ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp là triển vọng tăng lãi suất cơ bản và thắt chặt tiền tệ khá rõ ràng trong thời gian qua. Lãi suất tăng cao khiến cho doanh nghiệp phải trả mức lãi suất cao hơn mới hấp dẫn được nhà đầu tư và phải thả nổi lãi suất trong thời hạn dài. Ngoài ra, các tổ chức nếu mua trái phiếu sẽ nhìn vào giá trị thực của trái phiếu trên thị trường giao dịch, chứ không phải chỉ là lãi suất. Khi lãi suất tăng, giá trị thực của trái phiếu đã phát hành (với lãi suất cố định) sẽ giảm xuống. Có thể nói, những khó khăn trên đã lý giải việc cho tới nay nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu vẫn là các tổ chức, doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với nhau hoặc ngân hàng, vừa tư vấn phát hành vừa là nhà đầu tư.
Để giải quyết những khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng, ngoài vấn đề tâm lý của nhà đầu tư, cần tạo cho trái phiếu doanh nghiệp tính thanh khoản như trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần minh bạch trong chế độ tài chính, báo cáo để tạo niềm tin cho nhà đầu tư; có kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả, có tính khả thi cao để bảo đảm hoàn vốn và trả lãi cho nhà đầu tư. Các doanh nghiệp cũng cần tìm một nhà phát hành có uy tín có thể tư vấn cho doanh nghiệp về việc định giá trái phiếu, thời hạn trái phiếu. Nhà phát hành uy tín cũng sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nhà đầu tư rộng hơn. Thêm vào đó, doanh nghiệp đã niêm yết sẽ dễ dàng hơn trong việc huy động vốn do có số lượng nhà đầu tư đông đảo hơn và họ cũng có những trải nghiệm để có thể lựa chọn giữa trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu./.
Thanh Hiệp