"Trảm" 67 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Năm 2011, có 67 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình quản lý. Trong đó, có 3 trường hợp bị xử lý hình sự, 14 người bị cách chức, 16 người bị cảnh cáo và 34 người bị khiển trách...

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2011 được gửi đến đại biểu Quốc hội dài 15 trang đã phác họa “bức tranh” khá toàn diện về PCTN. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, nhiều ĐBQH còn bày tỏ sự lo ngại trước tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp, số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý chưa tương xứng, mô hình Ban chỉ đạo PCTN còn nhiều bất cập.

Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chiếm đầu bảng

Theo báo cáo của Chính phủ, từ 1/10/2010 đến 30/9/2011 cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố  220 vụ án với 449 bị can về các tội danh tham nhũng. Viện kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 219 vụ với 456 bị can. Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm 229 vụ án với 501 bị cáo.

Trong năm 2011, lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công, quản lý doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng là những lĩnh vực xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng.

Ở một số địa phương, các cơ quan chức năng đã tích cực phát hiện, khởi tố hàng chục vụ án, hàng chục bị can về tội danh tham nhũng. Nhưng cũng có những địa phương cả năm không phát hiện được vụ nào.

Trong số tội phạm mới khởi tố, Chính phủ cho biết, tội tham ô chiếm tỷ trọng lớn nhất (51,8% số vụ và 43,2% số bị can), sau đó lần lượt là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, tội nhận hối lộ.

Trong số bị cáo bị kết tội tham nhũng, tội phạm ít nghiêm trọng chiếm 68,3%, nghiêm trọng chiếm 17,4%, rất nghiêm trọng chiếm 10,6% và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chiếm 3,7%. Tỷ lệ tội phạm tham nhũng được hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ chiếm tỷ lệ 39,2%.

Chính phủ cũng cho biết, năm 2011 có 67 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình quản lý. Trong đó, có 3 trường hợp bị xử lý hình sự, 14 người bị cách chức, 16 người bị cảnh cáo và 34 người bị khiển trách.

Chậm xử lý án tham nhũng

Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên, nhưng Chính phủ cũng thừa nhận: việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng còn nhiều hạn chế, phát hiện chưa kịp thời, còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. Các biện pháp phát hiện tham nhũng chưa được thực hiện đồng bộ, chủ yếu vẫn thông qua hoạt động của các cơ quan chức năng, đơn thư tố cáo, phản ánh của báo chí. Việc phát hiện tham nhũng của các cơ quan giám sát, các cơ quan quản lý hành chính cấp trên đối với cấp dưới và tự phát hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn yếu.

Riêng chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng Chính phủ nhấn mạnh còn hạn chế, số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xử lý chậm, kéo dài, hồ sơ trả lại để điều tra bổ sung nhiều lần. Số vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện và xử lý có xu hướng giảm dần, năm sau ít hơn năm trước. Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi hơn, khó phát hiện hơn.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tiếp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN; phải chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử  các vụ án tham nhũng, xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, những người bao che cho tham nhũng, đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên khen thưởng và bảo đảm an toàn cho người tố cáo tham nhũng.

Thu Hằng

Đọc thêm