Trận đại hỏa hoạn thiêu rụi London khiến hơn 100.000 người rơi vào tình trạng vô gia cư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ đô London của nước Anh nổi tiếng vì hứng chịu nhiều trận hỏa hoạn nhất. Từ năm 1130 - 1666, đã có tổng cộng 6 lần xảy ra hỏa hoạn lớn tại thành phố này.
Trận đại hỏa hoạn năm 1666 biến London thành bình địa.
Trận đại hỏa hoạn năm 1666 biến London thành bình địa.

Thành London hoa lệ - thủ đô Vương quốc Anh nổi tiếng thế giới vì hứng chịu nhiều trận hỏa hoạn nhất. Từ năm 1130 - 1666, đã có tổng cộng 6 lần xảy ra hỏa hoạn lớn tại thành phố này. Riêng năm 1666, trận hỏa hoạn này đã thiêu hủy gần như toàn bộ thành phố London. Lửa cháy suốt 3 ngày từ ngày 2/9 đến ngày 5/9/1666, thiêu rụi 13.200 ngôi nhà, gần 100.000 người lâm vào cảnh không nhà cửa.

Hỏa hoạn thảm khốc nhất trong lịch sử nước Anh

Sáng chủ nhật ngày 2/9/1666, tại tiệm bánh ở Pudding Lane của Thomas Farriner. Trước khi đi ngủ, Farriner đã kiểm tra cửa hàng một lần cuối cùng. Ông cũng cào than trong lò và thề rằng đã dập tắt lò trước khi đi nằm, nhưng than hồng vẫn âm ỉ cháy và bùng lên, bén nhanh vào những vật dụng làm bánh xung quanh.

Khi tỉnh dậy vào lúc 1h sáng, Farriner kinh hoàng nhìn thấy ngọn lửa đã bao trùm ngôi nhà của mình. Ông và cô con gái đã sống sót nhờ nhanh chóng thoát qua cửa sổ trên tầng và bò theo máng nước đến nhà hàng xóm. Một nam gia nhân của ông cũng thoát thân nhưng một nữ hầu trẻ tuổi đã thiệt mạng do ngạt khói.

Một vài người hàng xóm mang xô hắt nước vào đám lửa đã thiêu rụi phần lớn ngôi nhà của Farriner, nhưng hầu hết mọi người còn lại chỉ đứng nhìn hoặc vội vã trở về nhà để bảo vệ tài sản của họ. Sau đó, Thomas Bludworth - Thị trưởng London lúc bấy giờ đã đến kiểm tra đám cháy, ông tuyên bố không có gì nghiêm trọng và trở về đi ngủ.

Tuy nhiên sự việc không dừng tại đó, một cơn gió lớn nổi lên, thổi ngọn lửa lan từ tiệm bánh sang những tòa nhà khác ở Pudding Lane trước khi tràn đến Phố Cá. Tại đây, ngọn lửa thiêu cháy chuồng ngựa của khách sạn Star Inn. Khi lan đến một cửa hàng chuyên bán phụ tùng cho tàu thủy, ngọn lửa đun nóng những thùng chứa nhựa đường khiến chúng phát nổ và một cơn mưa những mảnh vỡ cháy đỏ phủ lên khu phố.

Ngọn lửa tiếp tục bùng lên về phía Nam hướng đến sông Thames, phá hủy mọi tòa nhà trên đường đi của nó. Nhà thờ Thánh Magnus trở thành nhà thờ đầu tiên trong số 87 nhà thờ và giáo xứ bị thiêu hủy trong đám cháy, cùng với hàng chục thị sảnh và hàng trăm nhà kho ven sông.

Đến lúc mặt trời mọc, trận hỏa hoạn diễn ra không kiểm soát trên bờ sông Thames. Gió mang theo các tia lửa và than khắp thành phố, bắt đầu những đám cháy rải rác, cách xa nơi khởi nguồn.

Ngày 4/9/1666, Tòa thị chính London bốc cháy cùng hầu hết các công trình ở Cheapside, một trong những con phố giàu có nhất thủ đô. Các cổng trên bốn bức tường thành xây từ thời La Mã mở toang để mọi người tháo chạy. Nhưng lúc này, dãy nhà kho, cửa hàng trên bờ sông cũng đang ngùn ngụt cháy và các lối thoát bằng thuyền đều bị chia cắt.

Vào lúc đó, mọi người chạy đến các nhà thờ, giáo xứ hoặc khuôn viên của giáo đường Thánh Paul, một giáo đường từ thời Trung Cổ có đỉnh tháp cao gần 153 mét lừng lững trên bầu trời London để ẩn nấp. Người ta cho rằng kiến trúc bằng đá và quảng trường rộng của nhà thờ sẽ bảo vệ họ, nhưng vào khoảng 8h tối, lửa đã cháy phừng phừng trên tháp giáo đường khiến những người tị nạn tiếp tục chạy thục mạng. Không ngừng di chuyển từ 4 - 5 lần trong nửa ngày, mọi người bắt đầu hoảng loạn tìm mọi cách thoát nạn với ngựa và xe kéo.

May sao vào đêm đó, trận gió khốc liệt nuôi dưỡng ngọn lửa cuối cùng cũng dịu xuống, cho phép đoàn cứu hỏa của Công tước xứ York thực hiện nhiệm vụ của họ. Về phía bên kia thành phố London, các đơn vị đồn trú sử dụng thuốc nổ để phá hủy nhà cửa, chặn lại đường đi của ngọn lửa. Cho đến chiều ngày 5/9, các đám cháy bị thu hẹp và lụi tàn dần và hầu hết đã được dập tắt vào ngày hôm sau.

“Ngọn lửa” biến London thành bình địa

Trong vỏn vẹn 3 ngày, trận đại hỏa hoạn này đã phá hủy hoàn toàn phần nội thành London, thiêu rụi 13.200 căn nhà, 87 nhà thờ giáo xứ, giáo đường và hầu hết các tòa nhà của thành phố chính quyền. Ước tính trận hỏa hoạn đã phá hủy nhà cửa của 70.000 - 80.000 cư dân thành phố. Thiệt hại vật chất ước tính ban đầu khoảng 100 triệu bảng thời giá lúc đó. Khoảng 100.000 người rơi vào tình trạng vô gia cư. Gần 162.000 mét vuông diện tích thành phố London bị thiêu rụi, để lại một sa mạc đá cháy đen và những “thảm” dầm gỗ cháy âm ỉ.

So sánh với quy mô hủy diệt của trận hỏa hoạn thì số người được cho là đã tử vong lại rất nhỏ. Báo cáo chính thức liệt kệ số ít chỉ có 6 người đã chết. Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu hiện đại cho rằng số người chết thực tế có thể gấp hàng trăm, hàng nghìn lần con số đó.

Một mảnh gốm nóng chảy - chứng tích của trận đại hỏa hoạn năm 1666 đã được trưng bày tại Bảo tàng London, do các nhà khảo cổ sau này tìm thấy ở khu vực Pudding Lane, nơi ngọn lửa xuất phát, cho thấy nhiệt độ có lúc đạt tới 1.700°C.

Yếu tố quan trọng khiến những nỗ lực chữa cháy thất bại là các đường phố quá chật hẹp. Ngay cả lúc bình thường, dòng xe và người đi bộ trong hẻm cũng thường xuyên bị ùn tắc. Trong khi cháy, những đoạn đường này lại bị chặn thêm bởi những người tị nạn cắm trại ở giữa đường với đống đồ đạc mang ra chất bừa bãi. Còn lực lượng cứu hỏa cứ cố tiến vào trong ngược với dòng người tìm cách thoát ra ngoài.

Theo một số lý giải của các nhà khoa học cho rằng: Vào cuối thế kỷ XVII, London lúc đó cũng như phần trung tâm thương mại của thủ đô bây giờ, là thị trường lớn nhất và khu cảng sầm uất nhất ở Anh. Các gia đình thuộc tầng lớp quý tộc thường tránh xa khu trung tâm thành phố huyên náo bằng cách dựng lên những điền trang ở vùng ngoại ô hoặc trong khu vực riêng biệt.

Dòng sông Thames được xem là nguồn cung cấp nước tự nhiên cho việc cho chữa cháy và là lối thoát ra bằng thuyền cho người bị nạn, nhưng các quận nghèo dọc theo bờ sông lại có các cửa hàng và hầm rượu làm bằng các chất dễ cháy mọc lên dọc theo cầu cảng, các khu chung cư ọp ẹp bằng gỗ và phần vách túp lều của người nghèo.

London lúc đó cũng là một kho thuốc súng, đặc biệt là dọc theo bờ sông. Chúng được giữ lại trong nhà của người dân từ những ngày diễn ra nội chiến. Đó là chưa kể đến 500 - 600 tấn thuốc súng được cất giữ trong tòa tháp London. Toàn thành phố với nửa triệu dân lúc đó thực sự là một mồi lửa tiềm năng với đường phố chật hẹp, những chuồng trại chất đầy rơm và cỏ khô, nhiều căn hầm, nhà kho chứa vật liệu dễ cháy như nhựa thông, dầu đốt đèn, than đá…

Thời điểm xảy ra vụ hoả hoạn cũng là lúc hạn hán kéo dài vài tháng dẫn đến tình trạng thiếu nước, biến những căn nhà gỗ thành củi khô dễ bắt lửa nên đã gây ra vụ hoả hoạn khảm khốc nhất lịch sử nước Anh.

Và như nhiều lần trước đó, thành phố London lại được xây dựng lại. Các kiến trúc sư quyết định sử dụng cơ hội này với dự án đầy tham vọng, một trong số đó là các quảng trưởng và đại lộ theo mô hình các thành phố lớn ở Pháp và Ý. Nhưng cuối cùng, London mới trông rất giống như cũ, cho dù các con hẻm đã rộng hơn và nhiều công trình bằng gạch hơn.

Đọc thêm