Vở kịch “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” do Trung tâm CSAGA và Đoàn kịch 3 phối hợp sản xuất, vừa ra mắt tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội. Chỉ diễn ra 30 phút nhưng tác phẩm này đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
|
"Tôi ơi, đừng tuyệt vọng" |
“Tôi ơi đừng tuyệt vọng” là tổng hợp chuyện đời có thực của những phụ nữ, nạn nhân của bạo lực gia đình. Không kể tuổi tác, nghề nghiệp..., mỗi nhân vật có số phận khác nhau. Người bị bạo lực về thể xác, người bị bạo lực tình dục, có người lại chịu những đau đớn về tinh thần hơn tất thẩy mọi đòn roi.
Với lòng dũng cảm vượt qua những rào cản của bản thân và xã hội họ đã bộc lộ nỗi đau thầm kín, mong ước tốt đẹp để trở thành người tiên phong tự giải phóng cuộc đời mình. Qua đó, truyền sức mạnh cho những người cùng cảnh ngộ và góp phần thực hiện sứ mệnh thay đổi cộng đồng.
Vở kịch kết thúc với hình ảnh người chồng thất thế, tay trắng..., về với người vợ của mình và sau những dằn vặt suy nghĩ, người vợ giang tay đón nhận chồng.
Chị Trịnh Thu Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, việc trở về trong vòng tay tha thứ của người phụ nữ là quá dễ dàng với người đàn ông khi họ đã gây thảm kịch cho người phụ nữ. Đáng lẽ họ phải bị trừng trị bằng việc phải trải qua những cảm xúc về đau đớn về thể xác lẫn tinh thần mà họ đã gây ra cho vợ mình.
|
Nỗi đau tột cùng của người phụ nữ |
Nhưng anh Nguyễn Xuân Trường (Bắc Ninh) lại nghĩ rằng kết thúc có hậu như thế mới thể hiện đúng thực tế cuộc sống. Cái kết này sẽ khiến những người đàn ông lầm đường phải dằn vặt, tự điều chỉnh hành vi của mình. "Cái kết đã thể hiện đức tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam và nó gây hiệu ứng tích cực, “vì sự đáng sợ hơn cả trừng phạt là vị tha”, anh Trường nhận định.
Những giai điệu trong bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chợt vang và cũng là thông điệp của vở diễn "Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng/ Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh… Em là ai mà yêu quá đời này...".
Q.Huy