Trạng Nguyên Nguyễn Trực: Lưỡng quốc Trạng thanh liêm đứng đầu bia Văn Miếu nước Việt

(PLVN) - Tuy đỗ đạt cao nhưng phải ba lần Vua Lê Nhân Tông ban chiếu Nguyễn Trực mới dám nhậm chức vì cho rằng mình còn trẻ chưa thể đảm đương hết trách nhiệm công việc vua giao phó. Khi được vua trọng dụng, suốt quãng đời làm quan ông luôn liêm khiết, chính trực. 
Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực.
Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực.

Trong lịch sử bang giao, Nguyễn Trực được xác nhận là Lưỡng quốc Trạng Nguyên đầu tiên khi cả triều đình nhà Minh - Trung Hoa cũng thán phục tài năng.

Dõng dõi hiếu học

Cha Nguyễn Trực là Nguyễn Thì Trung người làng Bối Khê, huyện Thanh Oai. (Nay là thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ). Dân gian truyền tụng rằng, thân phụ Nguyễn Trực dựng lều trên nền nhà cũ của gia đình họ Nguyễn có danh vọng từ thời Trần Trùng Quang (1409-1413). Ông tổ của Nguyễn Trực là Nguyễn Hữu, dưới triều Trần giữ chức Hàn lâm thị giảng kiêm Thẩm lĩnh viện sứ. Ông nội là Nguyễn Bính giữ chức nho học huấn đạo. 

Nguyễn Thì Trung là người có văn học, nối dõi được gia phong. Đương lúc đời nhuận Hồ, quân nhà Minh tiến sang xâm lược, Nguyễn Thì Trung không hợp tác với giặc, lánh về phía Tây ở thôn Tiếu Động Mộng, làng Nghĩa Bang (xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ). Sau khi Lê Lợi bình định được cả nước, hạ chiếu tìm hỏi những người hiền tài còn bị bỏ rơi, biết được Thì Trung là người có văn học đức hạnh, nhà vua mời về kinh sư nhận chức Thư khố ở Quốc Tử Giám. Sau già yếu xin về dạy học trò, giảng sách cho con là Trực. Gần xa nhiều người theo học. 

Mẹ Nguyễn Trực là người họ Đỗ ở làng Nghĩa Bang. Nguyễn Trực được mẹ sinh ra ở am núi Phật tích, tức núi Sài Sơn ngày nay. Trên núi có chùa và động. Đằng trước có hồ lớn, phía sau có lầu treo chuông. Có quả chuông của thầy chùa Từ Đạo Hạnh đúc vào năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9 triều Lý Nhân Tông (1109). 

Nhà thờ họ Nguyễn - dòng tộc Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực ở Thanh Oai, Hà Nội ngày nay).
Nhà thờ họ Nguyễn - dòng tộc Lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Trực ở Thanh Oai, Hà Nội ngày nay). 

Nơi này, Tĩnh Đô Vương đã ngợi ca: "Ta thích chỗ này vì núi không cao lắm mà đẹp đẽ, nước không sâu lắm mà trong mát". Nguyễn Trực ảnh hưởng ở truyền thống gia đình, được sống bên cạnh núi non kỳ vĩ ấy, nên ông hiếu học từ bé. 

Gia đình tuy vào bậc công thần nhưng rất thanh bạch. Nhà nghèo, Nguyễn Trực thường chăn trâu giúp đỡ cha mẹ. Lúc bé thông minh, học giỏi, xem rộng cách sách. Nhiều khi ngồi trên mình trâu mà tay không rời cuốn sách. Vừa chăn trâu vừa treo sách sừng trâu học (ngưu giác quải thư), không biết mệt mỏi. 

Từ năm 12 tuổi Nguyễn Trực đã giỏi văn, lớn lên đỗ đầu thi Hương, đỗ loại ưu, loại giỏi, xuất sắc ở trường. Cứ thế cho đến năm 26 tuổi, ông tiếp tục đỗ Tiến sĩ. 

Đó là thời Lê Thái Tông năm Đại Bảo thứ ba (năm 1442), triều đình nhà Lê sơ mở khoa thi tiến sĩ đầu tiên, Chánh chủ khảo là quan Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi. Kỳ thi Đình năm ấy, vua ra bài văn yêu cầu sĩ tử luận về phép trị nước của các vương triều.

Sách "Những người thầy trong sử Việt" có đoạn viết về kỳ thi này nhưu sau: "Quan chánh chủ khảo Nguyễn Trãi chăm chú đọc từng quyển thi của các cống sĩ. Đọc đến một quyển, ông sửng sốt bắt gặp những kiến giải độc đáo, sâu sắc và có tính thiết thực với việc trị nước. Đó là bài văn của Nguyễn Trực, người tỏ ra thật khảng khái khi viết: Vua sáng tôi hiền thì nước sẽ thịnh, vua không sáng tôi không hiền thì nước sẽ suy vong.

Quan chánh chủ khảo đã đề xuất để vua lấy chàng thí sinh 26 tuổi này đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, tức Trạng nguyên...". Khoa thi năm ấy, triều đình lấy được 33 người tài, học cao, hiểu rộng đỗ Tiến sĩ. Nguyễn Trực đứng đầu khoa thi với nhiều lời khen ngợi của các vị đại quan, lão thần triều đình, đặc biệt là Nguyễn Trãi.

Trạng nguyên Nguyễn Trực được vua ban sắc là Quốc Tử Giám Thị thư, danh hiệu Á liệt khanh, đồng thời ban cho áo lam bào, mũ cánh chuồn, đai lưng bạc, ngựa trắng... Song không may cùng năm đó, bố của Nguyễn Trực qua đời, ông phải ở nhà chịu tang 3 năm, không được nhận sắc chỉ bổ dụng của triều đình.

Lưỡng quốc Trạng Nguyên 

Năm 1444, dưới triều Lê Nhân Tông (1443-1459), đầu niên hiệu Thái Hòa năm Quý Hợi, ông nổi tiếng về văn chương, nên được bổ làm Trực học sĩ. Viện Hàn lâm kiếm Vũ ky úy. Ít lâu sau được thăng An phủ sứ phủ Nam Sách, khi về triều được bổ chức Thị giảng, thăng đến Trung thư thị lang (phẩm trật vào hàng tòng tam phẩm) ở sảnh Trung thư. 

Sau ông được nhà Lê cử đi sứ nhà Minh, gặp khoa thi, Nguyễn Trực muốn cho nhà Minh biết tài học của dân ta, nên xin dự thi. Vua Minh phải khen ngợi "đất nào cũng có nhân tài", lại cho đỗ Trạng, nên đời bấy giờ gọi Nguyễn Trực là "Trạng nguyên hai nước" (Lưỡng quốc Trạng nguyên).

Năm Diên Ninh thứ 2 (1454) cũng thời Lê Nhân Tông, gặp lúc triều đình rối ren về chuyện tranh quyền đoạt vị, nhân lúc có đại tang, Nguyễn Trực xin cáo quan về quê. Hàng ngày làm thuốc, đọc sách, mở trường dạy học trò. Bấy giờ học trò trong hạt theo học có đến hàng nghìn. Sau khi mãn tang, sứ Minh sang, vua vời ông về kinh giữ việc tờ bồi qua lại với sứ Minh. Ông họa thơ lưu biệt sứ Minh 50 vận, làm vẻ vang cho quốc thể. 

Sứ Minh, Hoàng Gián, một mực thán phục văn chương uyên bác, tài trí hơn người của Nguyễn Trực. Vua Nhân Tông sai Trung sứ cùng thợ vẽ tới nhà Nguyễn Trực vẽ truyền thần, để bên cạnh chỗ ngồi của vua, để tỏ rằng vua yêu dấu không lúc nào quên được. 

Khi vua Nhân Tông chết, Nguyễn Trực thảo văn tế, lời lẽ thống thiết, kể hết công đức của các tiên đế đã từng chiến thắng quân Minh, giữ nền độc lập cho xã tắc. 

Vua Lê Thánh Tông lên ngôi (1454). Nguyễn Trực càng được vua yêu quý. Thánh Tông là ông vưa chuộng văn chương, đứng đầu "Tao đàn nhị thập bát tú”. Tự xưng là Tao đàn Đô Nguyên súy. Thân Nhân Trung, Đông các Đại học sĩ là Tao đàn Phó Nguyên súy. 

Thân Nhân Trung đã từng ca ngợi Nguyễn Trực: "Lấy văn chương được các triều trí ngộ mà khiêm tốn kính cẩn giữ vẹn trước sau". Lê Thánh Tông cho người đem bộ "Thiên nam dư hạ tập" đến tận chỗ ở của Nguyễn Trực để Nguyễn Trực đọc và phẩm bình. Đủ biết nhà vua quý trọng Nguyễn Trực đặc biệt như thế nào! 

Năm đầu Quang Thuận (1460) Nguyễn Trực được bổ Tuyên phụng đại phu, Trung thư lệnh, ở hàng quan văn rất to. Mấy lần xin về quê nhà, vua không cho về. Nhân dân làng Bối còn truyền tụng bài thơ thủa ấy: 

"Bệnh thừa ân chiếu hứa lưu kinh/ Quy kế như kim nhất vị thành/ Hà nhật tây sơn, sơn hạ lộ/ Soa y tiểu lạp khán xuân canh. 

Tạm dịch là: "Có bệnh, nhờ ơn vua lưu lại ở kinh/ Tính đường về mà đến giờ vẫn chưa về được/ Biết ngày nào được đi con đường ở núi phía tây/ Đội nói nhỏ, mặc áo tơi di xem cày ruộng ngày xuân".

Nguyễn Trực thường khuyên can vua những điều nên làm và không nên làm, Lê Thánh Tông có lúc giận, nhưng thấy ông là người trung trực cũng phải nể trọng vài phần và vẫn giữ ông ở lại triều đình lo việc nước.

Nguyễn Trực bèn than thở: "Đại đình tầng đối tam thiên tự/ Phù thế hư kính ngũ thập niên/ Bất thị vô tâm lai cấm tỉnh/ Chí nhân đa bệnh ức điền viên. 

Tạm dịch là: "Ở sân vua từng làm bài đối sách 3000 chữ/ Trải 50 năm trời ta sống không toại nguyện/ Không phải là vô tâm với nơi cung cấm nhà vua/Vì chưng lắm bệnh, nhớ cảnh ruộng vườn". 

Nguyễn Trực là người đỗ đại khoa mà coi thường công danh, thường muốn về với mảnh ruộng, góc vườn, dạy học, làm thuốc cứu giúp nhân dân. Cho đến khi chết ông vẫn giữ được tấm lòng trong sạch. 

Nguyễn Trực thọ 57 tuổi, năm ông mất là năm Hồng Đức thứ 4 (1474). Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực là một ngôi đền cổ, dựng bên cạnh chùa Bối Khê. 

Hiện nay, di tích Từ đường Trạng nguyên Nguyễn Trực - nơi nhà xưa của ông nằm ở làng Bối Khê đã được trùng tu và được Bộ Văn hóa Thể thao du lịch trao bằng công nhận Di tích Lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.

Đọc thêm