Sau thất bại nặng nề trong âm mưu phá hoại Hiệp định Genève, chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam thành pháo đài chống cộng bất khả xâm phạm, đánh dấu bằng sự bùng nổ Phong trào Đồng khởi của nhân dân trên toàn miền Nam và sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) vào 20-12-1960, Hoa Kỳ vẫn không từ bỏ tham vọng của mình và tiếp tục tìm kiếm chiến lược quân sự mới để đối phó.
|
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thăm hỏi Quân Giải phóng miền Nam. (Ảnh tư liệu) |
Mục đích của chiến lược Chiến tranh đặc biệt là chống lại chiến tranh du kích, chiến tranh giải phóng ở miền Nam bằng sự phối hợp toàn diện các hoạt động quân sự, chính trị, kinh tế và tâm lý thông qua lực lượng chính quyền, quân đội của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) kết hợp với sự huấn luyện, cố vấn, chỉ huy và trang bị kỹ thuật, vũ khí, phương tiện chiến tranh do Hoa Kỳ viện trợ.
Biện pháp chủ yếu của chiến lược Chiến tranh đặc biệt là mở các cuộc hành quân càn quét, đánh phá nhằm gom dân vào 16.000 “ấp chiến lược” trên tổng số 17.000 thôn ấp ở miền Nam để “tát nước bắt cá”, coi đó là “quốc sách”, là “xương sống” của chiến lược; đồng thời dùng quân chủ lực của VNCH dưới sự yểm trợ của các đơn vị máy bay, xe tăng Hoa Kỳ sử dụng các chiến thuật tân kỳ như “trực thăng vận”, “thiết xa vận” tiến hành các cuộc hành quân để tiêu hao, tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, đẩy cộng sản ra khỏi lãnh thổ Nam Việt Nam.
Nhằm kịp thời đối phó với chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ, đồng thời tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng miền Nam tiến lên, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (BCHTW Đảng) ngày 23-1-1961 đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (gọi tắt là Cục R) thay thế Xứ ủy Nam Bộ, là một bộ phận của BCHTW Đảng, để chỉ đạo trực tiếp ở miền Nam.
Đặc biệt, Chỉ thị ngày 31-1-1961 và Nghị quyết đầu tháng 2-1961 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ quân sự trong 5 năm 1961-1965 và phương hướng nhiệm vụ của cách mạng miền Nam (sau đó được Nghị quyết của Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12-1962 bổ sung thêm) đã chủ trương chuyển từ khởi nghĩa từng phần phát triển lên thành chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn miền, đồng thời đề ra những biện pháp chiến lược hết sức quan trọng, bao gồm:
- Duy trì và đẩy mạnh đấu tranh chính trị cả ở nông thôn và thành thị, đẩy mạnh đấu tranh quân sự lên ngang tầm với đấu tranh chính trị để kịp thời giáng trả các cuộc phản kích của địch, giữ vững thế trận ở vùng nông thôn.
- Đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang cả về số lượng và chất lượng, cả lực lượng tại chỗ và các khối cơ động; đồng thời củng cố một số căn cứ địa, xây dựng hậu phương tại chỗ tạo địa bàn đứng chân vững chắc cho các khối chủ lực.
- Phát triển chiến tranh du kích, đánh phá những nơi xung yếu như kho tàng, sân bay, bến cảng, các trục giao thông huyết mạch; tăng cường hoạt động chiến đấu của lực lượng chủ lực, nâng cao trình độ tác chiến tập trung.
- Vận dụng phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị phù hợp đặc điểm của ba vùng chiến lược: vùng rừng núi lấy đấu tranh quân sự là chính, vùng nông thôn đồng bằng coi trọng cả đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ngang nhau, vùng thành thị thì đẩy mạnh đấu tranh chính trị; kết hợp 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; tập trung mũi nhọn vào nhiệm vụ chống càn quét để làm phá sản chương trình lập “ấp chiến lược” của địch.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và quyết định của Quân ủy Trung ương, Trung ương Cục miền Nam đã tổ chức Hội nghị quân sự tại Chiến khu Đ vào ngày 15-2-1961 để thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Nam. Kết quả là lực lượng Giải phóng quân miền Nam Việt Nam, gọi tắt là Quân Giải phóng miền Nam (QGPMN) được thành lập trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Nam, bao gồm lực lượng ở lại không đi tập kết, lực lượng mới tham gia tại chỗ và lực lượng đi tập kết đã quay lại miền Nam hoạt động.
|
Đại đội súng cối 82 ly của du kích-Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. (Ảnh tư liệu) |
Về mặt chính trị, QGPMN là lực lượng vũ trang của MTDTGPMNVN giai đoạn 1961-1969 và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) giai đoạn 1969-1976; vì vậy, QGPMN chịu sự lãnh đạo tối cao từ trên xuống của Bộ Chính trị, BCHTW của Đảng Lao động Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam của Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam (thành lập vào ngày 1-1-1962), MTDTGPMNVN và CPCMLTCHMNVN.
Kể từ khi thành lập, lực lượng QGPMN không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về nhiều mặt. Ngay trong năm 1961, Trung ương đã giúp xây dựng được 12 tiểu đoàn cho cả Khu V và Nam Bộ. Ngoài lực lượng và trang bị tại chỗ, sự chi viện của miền Bắc là nguồn bổ sung rất quan trọng cho sức mạnh của QGPMN. Chẳng hạn, năm 1963 có trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ và 1.430 tấn vũ khí từ miền Bắc được đưa vào miền Nam; năm 1964 con số đó là 17.427 cán bộ, chiến sĩ và 3.435 tấn vũ khí (Lê Duẩn-Tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 297 và 314). Theo một số liệu thống kê, bộ đội chủ lực của QGPMN vào tháng 12-1974 khoảng 290.000 người, trong đó có chừng 90.000 người miền Nam.
Trong quá trình chiến đấu, QGPMN đã làm nên nhiều trận đánh nổi tiếng, phối hợp mặt trận đấu tranh chính trị giành được những thắng lợi quyết định, góp phần to lớn cùng cả nước đánh bại lần lượt các chiến lược quân sự then chốt của Hoa Kỳ và VNCH: Chiến tranh đặc biệt (1961-1965), Chiến tranh cục bộ (1965-1968), Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973); buộc Hoa Kỳ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương ngày 27-1-1973, rồi tiến lên đánh bại hoàn toàn chế độ VNCH, giải phóng miền Nam vào 30-4-1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (24-6-1976 – 3-7-1976), cùng với sự hoàn thành thống nhất về mặt Nhà nước, lực lượng quân đội cũng đi đến thống nhất dưới tên chung là QĐNDVN. Từ đây, tên gọi QGPMN đã trở thành quá khứ, song vẫn luôn còn đó lịch sử của 15 năm đấu tranh đầy hy sinh, mất mát, gian khổ nhưng anh dũng của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (1961-1976).
QGPMN đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao phó, xứng đáng với 7 chữ vàng “Giải phóng quân anh dũng chiến thắng” được in trên lá quân kỳ do MTDTGPMNVN trao tặng ngay từ ngày thành lập. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ QGPMN mãi mãi in sâu vào văn chương, thơ ca, nhạc họa và là tượng đài trong tâm trí của nhân dân Việt Nam, trong sự ngưỡng mộ của nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý.
NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN