Sau phiên toà xét xử "vụ kiện lô cốt" xảy ra tại TP.HCM, lại một lần nữa dư luận dấy lên những phản ứng xoay quanh chuyện thiệt hại thực tế do “lô cốt” từ các công trình giao thông gây ra. Phiên toà đã khép lại, nhưng bản án chưa làm thoả mãn nhiều người, những cuộc tranh cãi về pháp lý xoay quanh vụ kiện tiếp tục nổ ra.
Một lô cốt giữa lòng thành phố |
Án ngữ trước cửa hàng vẫn không ảnh hưởng kinh doanh?
Ngày 26/12/2012, TAND TPHCM đã xử sơ thẩm vụ kiện “Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn dân sự là bà Nguyễn Thị Thu Bình (ngụ phường 26, quận Bình Thạnh) cùng ông Nguyễn Trí Dũng (ngụ phường 15, quận 10) và bị đơn là Sở GTVT TP.HCM. Bà Bình và ông Dũng đã ủy quyền cho cha ruột là ông Nguyễn Văn Lang (SN 1932, ngụ quận 1) làm đại diện nguyên đơn.
Theo đơn khởi kiện, căn nhà số 12/7 Nguyễn Huy Tự, P.Đa Kao, Q.1 (TP.HCM) thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nguyễn Văn Lang. Từ năm 2001, các con của ông Lang mở quán ăn và kinh doanh khấm khá.
Đến khoảng tháng 1/2005, dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thi công dựng "lô cốt" chắn ngay sát cửa quán ăn của gia đình ông Lang chỉ còn một lối nhỏ để đi qua. Từ đó, công việc kinh doanh của quán ăn bị ngừng trệ. Đồng thời, việc xây dựng tuyến cống bao giếng S27 kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn khiến căn nhà của ông bị lún, nứt nhiều nơi.
Vì vậy, năm 2009, ông Lang đã khởi kiện yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại làm hư hỏng nhà phải sửa chữa là 120 triệu đồng và việc mất thu nhập do bị "lô cốt" án ngữ trước quán là 252 triệu đồng, cộng thêm tiền lãi suất phải chịu từ việc mất thu nhập 90 triệu đồng. Tổng cộng ông Lang yêu cầu bồi thường là hơn 462 triệu đồng và yêu cầu người đứng đầu Sở GTVT phải có lời xin lỗi công khai trước công luận, báo chí vì gây thiệt hại đến sức khỏe, tinh thần, thời gian, công sức...
Tại phiên toà diễn ra vào ngày 26/12/2012 vừa qua, phía bị kiện đưa ra ý kiến là gia đình ông Lang lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh. Theo bản kết quả giám định của cơ quan chức năng, thiệt hại do lún nứt nhà ông Lang chỉ mất chi phí sữa chữa là 31,5 triệu đồng, ngoài ra một lý lẽ khác là tại sao trên đoạn đường “lô cốt” dựng lên có đến 36 hộ dân kinh doanh, mà chỉ có gia đình ông Lang đi kiện?
Từ tất cả những yếu tố trên, Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông Lang. Tòa tuyên buộc Sở GTVT phải bồi thường cho ông Nguyễn Văn Lang 31,5 triệu đồng tiền sửa chữa nhà, ghi nhận tự sự nguyện bồi thường thêm của bị đơn cho nguyên đơn hơn 18 triệu đồng, tổng giá trị bồi thường là 50 triệu đồng.
Riêng việc ông Lang cho rằng công trình gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình là không có căn cứ nên tòa không chấp nhận yêu cầu trên.
Tranh luận với đại diện bị đơn, ông Lang đã phủ nhận việc lấn chiếm lề đường để kinh doanh và cho biết: “Công trình này đi ngang qua nhà của 36 hộ dân khác nhưng không ai kiện vì họ không muốn đụng chạm đến cơ quan công quyền. Riêng tôi, tôi khởi kiện nhằm mục đích chấn chỉnh tình trạng cửa quyền của một số cơ quan. Nhiều cán bộ cứ nghĩ thi công công trình công cộng rồi muốn làm gì thì làm, ảnh hưởng người dân ra sao mặc kệ”.
Một số yêu cầu không phù hợp
Những năm qua, việc các đơn vị thi công dựng rào chắn để thi công các công trình công cộng đã gây nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân TP.HCM. Chính vì vậy, Vụ kiện “lô cốt” của gia đình ông Lang đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo dư luận nhân dân, mà nhất là những người dân "cùng cảnh ngộ" vì những chiếc lô cốt rào chắn trước nhà.
Nhiều người đã hy vọng gia đình ông Lang thắng cuộc, những mong mở ra một "tiền lệ" mới để hạn chế sự "bành trướng" của các “lô cốt”, và bù đắp được những thiệt hại mà “lô cốt” gây ra.
Đơn kiện của gia đình ông Lang được gửi từ năm 2009, được thụ lý năm 2010, và đến những ngày cuối năm 2012 mới được đưa ra xét xử, tưởng chừng như sự chờ đợi quá lâu và quá mòn mỏi, sẽ khiến vụ kiện bị "nguội" đi. Thế nhưng, ngược lại, vụ kiện “lô cốt” đã thu hút sự theo dõi, chờ đợi của phần đông dư luận.
Ngay khi bản án được tuyên, đã có không ít luồng ý kiến trái chiều, thậm chí tranh cãi nổ ra từ các câu chuyện hè đường cho đến trên mạng xã hội và cả các trang báo. Một số người cho rằng, như vậy là ông Lang và gia đình đã "chiến thắng ngoạn mục" ở một vụ kiện mà bị đơn có liên quan là cơ quan công quyền, tưởng chừng chỉ có thể như "kiện củ khoai", nhưng rồi kết quả là gia đình ông cuối cùng cũng đã được nhận tiền bồi thường.
Ngược lại, một số khá đông đảo khác lại cho rằng, như vậy là người dân đã thua cuộc trong vụ kiện chủ “lô cốt”, vì hầu hết yêu cầu đã bị bác, và số tiền nhận được chỉ suýt soát 1/10 thiệt hại ước tính trên thực tế, sau một hành trình theo kiện dài đăng đẵng, hao tổn tiền bạc và sức khoẻ.
Phần lớn ý kiến nói rằng, vụ kiện đầu tiên mà kết quả "bèo" như thế thì không hy vọng những vụ kiện tiếp theo từ phía những người dân bị thiệt hại do “lô cốt”, hay nói rộng ra là các vụ việc có liên quan đến các cơ quan công quyền.
Như vậy, vụ kiện có thể đã kết thúc sau bản án tuyên tại toà, nhưng nó chưa hề khép lại trong lòng dân, bởi những khúc mắc "thoả đáng hay không thoả đáng", nên dừng lại hay kiện tiếp vẫn tiếp tục được đặt ra...
Về sự việc này, Luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre nêu ra ý kiến: Theo nội dung trên cho thấy nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Sở GTVT - Chủ đầu tư bồi thường thiệt hại làm hư hỏng nhà – làm mất thu nhập là có căn cứ pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được qui định tại Chương 21 Bộ Luật Dân Sự. Tuy nhiên, mức bồi thường tiền được áp dụng như thế nào cho phù hợp với thiệt hại bị hư hỏng, chi phí khắc phục sửa chữa trên thực tế đây còn là vấn đề cần phải được xem xét chính xác.
Đối với việc mất thu nhập, Tòa án không chỉ căn cứ theo lời khai mà còn dựa trên mức thu nhập đã đăng ký kê khai – đóng thuế trước đây của phía nguyên đơn (nếu có).Việc yêu cầu 90 triệu đồng tiền lãi được tính từ số tiền mất thu nhập sẽ không được Tòa chấp nhận vì đây là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không thuộc quan hệ tranh chấp vay mượn tiền.
Tóm lại, một số yêu cầu của bà Bình - ông Dũng chưa phù hợp qui định pháp luật cần phải xem xét rút giảm để tránh bị án phí, vô tình yêu cầu đúng trở thành sai. Và nên dừng lại hay tiếp tục kiện (kháng cáo) sẽ thuộc về quyền tự quyết của đương sự.
Xin lưu ý về nguyên tắc, đương sự phải tự cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp theo qui định tại Điều 6 BLTTDS là điều rất cần thiết để được Tòa án chấp nhận yêu cầu .
Ngọc Mai – Hòa Khánh