Tranh cãi quanh đất vượt hạn mức

 Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã trình UBND thành phố Dự thảo phương án xây dựng bảng giá đất năm 2012, dựa trên cơ sở giá đất do Ban Chỉ đạo xây dựng bảng giá đất 24 quận huyện đề xuất và giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường theo đơn vị tư vấn. Đến tháng 11, dự kiến sở này sẽ trình chính quyền thành phố Bảng giá đất năm 2012.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã trình UBND thành phố Dự thảo phương án xây dựng bảng giá đất năm 2012, dựa trên cơ sở giá đất do Ban Chỉ đạo xây dựng bảng giá đất 24 quận huyện đề xuất và giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường theo đơn vị tư vấn. Đến tháng 11, dự kiến sở này sẽ trình chính quyền thành phố Bảng giá đất năm 2012.

Để xây dựng khung giá đất ở mức độ hợp lý nhất, vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh và đại diện các quận, huyện đã tổ chức cuộc họp nhằm góp ý cho dự thảo “Quyết định hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố”.

Đối với loại đất vượt hạn mức, Sở Tài chính đưa ra 2 phương án để áp dụng: hệ số điều chỉnh không quá 2 lần và hệ số điều chỉnh không quá 3 lần. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho rằng, dù giá đất đã “giảm nhiệt” nhưng vẫn cao, nếu áp dụng theo Sở Tài chính sẽ gây khó cho thị trường bất động sản.

Tại TP. Hồ Chí Minh, đối tượng sử hữu đất vượt định mức là không hề ít và nếu áp theo đề xuất trên thì sẽ có nhiều người chịu không xiết. Đại diện Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh cho biết, đối với đất thuộc cá nhân, hộ gia đình tự mua, nhận chuyển nhượng, thừa kế thì không thể áp dụng hệ số theo như Dự thảo. Nếu áp dụng dễ dẫn đến tình trạng người dân không có tiền đóng thuế, mà không có tiền đóng thuế thì việc hợp thức hóa nhà đất, chuyển nhượng, thừa kế  hoặc thế chấp ngân hàng để vay tiền cũng không thực hiện được. Cùng loại đất vượt hạn mức này, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đề xuất hệ số điều chỉnh chỉ từ 1,5 lần đối với khu vực ngoại thành và 2 lần đối với khu vực nội thành theo bảng giá đất do UBND TP.Hồ Chí Minh ban hành.

Một số cán bộ quản lý về đất đai tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, quy định về hạn mức đất ở không còn phù hợp với quá trình đô thị hóa, bởi quy định này ban hành từ năm 2001. Hạn mức đất ở quá thấp trong khi lại phải đóng tiền quá cao cho phần đất ngoài hạn mức sẽ làm cho nhiều người kham không nổi. Ông Trần Thức Oánh, giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản ở Thủ Đức cho biết, hiện có nhiều người sử hữu số đất vượt hạn mức quy định, nhưng không ai xây nhà hết toàn bộ diện tích đất, nếu phải đóng thuế với mức cao như dự thảo đề ra thì người dân khó thực hiện được. Mặt khác khi áp dụng khung giá ở tầm cao, giá nhà đất sẽ còn đội lên cao hơn giá thực tế, gây khó cho thị trường.

Ông Từ Đức Minh, chuyên gia bất động sản nhìn nhận, việc áp dụng mức giá đất cao như Sở Tài chính thành phố đưa ra sẽ phát sinh nhiều điều bất hợp lý. Theo ông Minh, đối với các trường hợp người dân đã thực hiện giao dịch một mảnh đất trước đó nay phải đóng tiền sử dụng đất theo giá mới, như vậy là bỏ thêm một lần tiền để mua mảnh đất đó. Những trường hợp đã sang nhượng đất nhưng do thủ tục hợp thức hóa nhà đất nhiêu khê, kéo dài nay áp dụng mức giá đất gấp hai ba lần là bất hợp lý vì những trường hợp này lỗi thuộc về cơ quan cấp giấy chứng nhận.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành nhà đất còn cho rằng,  khung giá đất của Chính phủ ban hành năm 2007 đã làm khó cho chính quyền các cấp trong việc quản lý đất. Khung giá đất theo quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế, dẫn tới việc người dân không kê khai đúng giá khi mua bán, chuyển nhượng để giảm thuế. Kế hoạch đưa ra khung giá đất mới là cần thiết, song chỉ vì thu được nhiều thuế mà không  tính đến quyền lợi của người dân dễ gây ra bất ổn cho an sinh xã hội. Mặt khác khi tiền sử dụng đất được tính ở mức cao sẽ khiến những lô đất có diện tích lớn sẽ khó giao dịch, mà muốn giao dịch thì phải cắt nhỏ, gây thất thu thuế là không ít.

Mị Na- Hoàng Tuấn

Đọc thêm