Tránh ồ ạt, không bảo đảm chất lượng (Kỳ 2)

Không chỉ thiếu bác sĩ mà tình trạng “chảy máu” chất xám ngày càng tăng. Nguyên nhân có phải do cơ chế hay vấn đề đào tạo chưa thật phù hợp?

Không chỉ thiếu bác sĩ mà tình trạng “chảy máu” chất xám ngày càng tăng. Nguyên nhân có phải do cơ chế hay vấn đề đào tạo chưa thật phù hợp?

 

Trạm y tế xã Lý Học (Vĩnh Bảo) có 1 bác sĩ, 2 y sĩ đều sắp đến tuổi nghỉ theo chế độ Nhà nước, song chưa thu hút được bác sĩ đào tạo chính quy về công tác
Trạm y tế xã Lý Học (Vĩnh Bảo) có 1 bác sĩ, 2 y sĩ đều sắp đến tuổi nghỉ theo chế độ Nhà nước, song chưa thu hút được bác sĩ đào tạo chính quy  về công tác

Dịch chuyển về bệnh viện lớn

 

Lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: Năm 2009, Đà Nẵng có 50/56 xã, phường có bác sĩ. Đến nay, một số chuyển công tác, một số đến tuổi nghỉ hưu nên hiện chỉ còn 30/56 xã, phường còn bác sĩ. Năm qua, Đà Nẵng tiếp nhận 50 bác sĩ về địa phương công tác. Nhưng sau một thời gian, số bác sĩ này xin chuyển về công tác tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Số khác chuyển ra bệnh viện tư nhân làm việc. Chỉ những bác sĩ lớn tuổi, gia đình sống ổn định, không muốn dịch chuyển thì ở lại. Nguyên nhân của tình trạng này do chế độ đãi ngộ đối với y, bác sĩ công tác tại bệnh viện công lập thấp, còn các bệnh viện tư có chế độ ưu đãi, trả lương cao để thu hút nhân tài. Tại Hải Phòng, theo Phó giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh, số bác sĩ có tay nghề ở Hải Phòng chuyển đến địa phương khác không nhiều mà chủ yếu có xu hướng dịch chuyển trên phạm vi địa bàn thành phố.

 

Để ngăn chặn tình trạng này, Giám đốc Sở Y tế Long An Phạm Công Dũng cho biết: Thay vì ngăn cản y, bác sĩ chuyển công tác, Sở Y tế Long An họp để “thương lượng” với bên tiếp nhận, đề nghị họ không nhận các bác sĩ đang công tác tại tỉnh Long An. Song biện pháp này xem ra không hiệu quả. Nếu đơn vị kia không nhận, các bệnh viện tư ở các địa phương sẽ lại đưa ra lời chào mời hấp dẫn, bởi hiện nhiều bệnh viện tư được thành lập và đi vào hoạt động. Vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề “cải thiện thu nhập” nên một số y, bác sĩ chấp nhận rời bỏ cơ sở y tế công lập, thậm chí có trường hợp làm đơn xin nghỉ việc để được chuyển công tác.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Bùi Từ Thiện đề nghị: Luật pháp cần quy định cụ thể bệnh viện tư tham gia đóng góp, trả kinh phí đào tạo cho các trường. Bởi nếu không quy định rõ, bệnh viện tư không mất kinh phí đào tạo vẫn thu hút được đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề.

 

Phân biệt bác sĩ tuyến xã, tuyến huyện ?

 

Mặc dù nhiều bệnh viện tuyến xã, phường, thị trấn có bác sĩ, nhưng những bác sĩ này chủ yếu là đào tạo tại chức. Số bác sĩ có bằng đại học chính quy rất ít. Lý giải điều này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Bùi Từ Thiện cho rằng: Trước hết do cơ chế đãi ngộ đối với bác sĩ tuyến xã chưa phù hợp nên khó thu hút được bác sĩ hệ chính quy ra trường về công tác tại tuyến xã. Họ có thể chấp nhận làm ở các bệnh viện lớn, không cần hưởng lương để có nhiều thời gian làm ở các phòng khám tư với mức thu nhập vài triệu đồng/tháng (trong khi làm ở bệnh viện công mức thu nhập của sinh viên mới tốt nghiệp đại học khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng). Nhưng quan trọng nhất là về công tác tại tuyến xã, các em không có điều kiện phát huy được sở trường chuyên môn. Bởi trạm y tế xã chỉ là tuyến cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu.

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Vũ Thị Bích Việt mạnh dạn đề xuất: Để tránh tình trạng thiếu bác sĩ đối với tuyến y tế xã, việc đào tạo theo địa chỉ là cần thiết. Tuy nhiên, với bác sĩ tuyến xã, phường, khi tốt nghiệp khóa học cần ghi rõ bác sĩ tuyến xã, tuyến huyện. Việc ghi rõ như vậy sẽ hạn chế tình trạng dịch chuyển của các bác sĩ.

 

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Không nên phân biệt bác sĩ tuyến xã, tuyến huyện mà tất cả mọi người khi tốt nghiệp đại học đều là bác sĩ. Song cần nghiên cứu đối với tuyến xã, phường chỉ nên đào tạo y sĩ thay vì đào tạo bác sĩ. Điều quan trọng là những cán bộ y tế này nhiệt tình, trách nhiệm, làm tốt công tác khám, chữa bệnh, y tế dự phòng tại cơ sở.

 

Hoàng Dũng

Đọc thêm