Tranh tụng tại tòa sao chỉ là “nguyên tắc”?

“Tranh tụng không chỉ là một nguyên tắc hoạt động tố tụng của tòa án mà là nguyên tắc hoạt động của tất cả các giai đoạn tố tụng”.

“Tranh tụng không chỉ là một nguyên tắc hoạt động tố tụng của tòa án mà là nguyên tắc hoạt động của tất cả các giai đoạn tố tụng”.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo Hiếp pháp sửa đổi Hiến pháp 1992, các quy định về Tòa án, VKS đã được gộp lại trong một số điều luật. Theo đó, Điều 108 của Hiếp pháp sửa đổi được gộp từ các điều 129, 130, 131, 132 và 133, quy định những vấn đề quan trọng của nhánh quyền lực tư pháp như: việc xét xử của toà án nhân dân có hội thẩm tham gia; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; toà án nhân dân xét xử công khai, xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Trong những quy định quan trọng trên, dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định về tranh tụng là “Nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm”.

Tranh tụng là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm bởi đây không chỉ là việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền con người trong các hoạt động tư pháp mà còn là vấn đề đảm bảo sự khách quan, đúng đắn, công bằng của pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề “tranh tụng tại tòa” được quy định như trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là quá mờ nhạt, sẽ không tạo được những đột phá quan trọng trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Theo đánh giá của các luật sư, người dân rất trông đợi sự khách quan, công bằng và đúng đắn trong hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp. Vì vậy, vấn đề “tranh tụng” cần phải được xây dựng công phu và có quy định tương xứng trong Hiến pháp sửa đổi. Nếu tranh tụng chỉ dừng lại là một “nguyên tắc” hoạt động của Tòa án thì tranh tụng sẽ trở thành vấn đề hình thức, tồn tại cho có mà thôi.

Để làm rõ hơn vai trò lý do của việc tại sao phải sửa đổi nội dung này và quy định tranh tụng trong Hiếp pháp sửa đổi như thế nào cho phù hợp, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang trao đổi:

Thưa Luật sư, vấn đề tranh tụng được quy định như thế nào trong Hiếp pháp 1992?

- Hiến pháp năm 1992, chưa có quy định về vấn đề tranh tụng. Năm 2001, Hiến pháp 1992 được sửa đổi một số nội dung, nhưng cũng chưa có nội dung về tranh tụng tại tòa, kể cả tranh tụng được quy định như một nguyên tắc.

Theo ông, tại sao trong nội dung sửa đổi Hiếp pháp 1992 lần này, tranh tụng lại được quy định trong Hiếp pháp với tính chất là nguyên tắc?

- Từ năm 2001 đến nay, Nhà nước đã đẩy mạnh cải cách tư pháp. Với việc ban hành Nghị quyết 08 về một số vấn đề của công tác tư pháp, Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị và các văn bản pháp luật quan trọng như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005, vấn đề tranh tụng đã được đề cập đến. Trong đó, các văn bản pháp luật trên đã quy định, bản án của tòa án chỉ được căn cứ vào kết quả tranh tụng, việc hỏi tại phiên toà và các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên toà.

Để đẩy mạnh thực hiện cải cách tư pháp thì trong lần sửa đổi Hiếp pháp này, việc quy định tranh tụng trong văn bản pháp lý quan trọng nhất của nước ta là rất cần thiết. Việc quy định tranh tụng trong Hiếp pháp sẽ là tiền đề để xây dựng và hoàn thiện quy định về tranh tụng trong các văn bản pháp luật tố tụng.

Trong dự thảo Hiến pháp quy định “Nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo” và có nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy là không tương xứng với vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm này, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Hiến pháp là đạo luật gốc, không quy định cụ thể, chi tiết từng vấn đề. Nội dung cụ thể của các chế định sẽ được văn bản luật hoặc văn bản dưới luật quy định. Vì thế, trong Hiến pháp cũng không cần quy định của thể về “tranh tụng”.

Tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm tranh tụng như thể hiện trong nội dung dựa Hiếp pháp sửa đổi. Thứ nhất, tranh tụng không đồng nghĩa với tranh luận. Tranh tụng diễn ra trong suốt quá trình tố tụng, từ điều tra, truy tố đến xét xử còn tranh luận thì là một phần của phiên tòa (phần tranh luận). Vì vậy, nếu nói đến tranh tụng thì phải khẳng định, tranh tụng được diễn ra trong suốt quá trình tố tụng giữa cơ quan tố tụng với bị can, bị cáo và người bào chữa của họ.

Quá trình tranh tụng không chỉ thể hiện ở tranh luận bằng lời nói như diễn biến ở tòa, mà còn thể hiện trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, quan điểm, kiến nghị để đảm bảo cho quá trình tố tụng được đúng đắn và phán quyết cuối cùng là khách quan, đúng pháp luật. Quy định như dự thảo Hiến pháp thì “tranh tụng” được hiểu là “tranh luận”.

Thứ hai, tranh tụng không chỉ là một nguyên tắc hoạt động tố tụng của tòa án mà là nguyên tắc hoạt động của tất cả các giai đoạn tố tụng khi có “đối tụng” giữa cơ quan tố tụng và người tham gia tố tụng. Do đó, nếu chỉ quy định “Nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo”  thì rõ ràng là chưa thỏa đáng.

Theo ông, trong Hiến pháp, tranh tụng cần được quy định như thế nào cho phù hợp với mục tiêu cải cách tư pháp?

- Theo tôi, cần quy định, “Các cơ quan tố tụng phải đảm bảo quyền tranh tụng của bị can, bị cáo” trong Hiến pháp. Bản thân quy định này đã là một nguyên tắc, một chế định quan trọng để từng bước xây dựng và hoàn thiện pháp luật tố tụng.

Theo tôi, sửa đổi Hiếp pháp để tạo động lực mới cho việc phát triển kinh tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, để xây dựng một nền tư pháp công bằng nhằm duy trì và phát triển xã hội ổn định, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Chế định “tranh tụng” khi được quy định tương xứng trong Hiếp pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và hoạt thiện pháp luật tố tụng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn. Khi có tranh tụng thuận lợi, công bằng thì quyền lợi của công dân mới được đảm bảo và tiêu cực trong tố tụng mới giảm đi.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm