Trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm - Bạc Liêu

(PLVN) -  Ngày 15/4, tại xã Phong Thạnh Tây (thị xã Giá Rai), UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Lễ trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm (1946) nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày diễn ra Trận Giồng Bốm (15/4/1946 – 15/4/2022).

Tham dự buổi lễ, có Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lữ Văn Hùng; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Xuân Thu Vân; Phó cục trưởng Cục di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Đình Thành cùng các lãnh đạo Ban, ngành tỉnh và địa phương.

Theo đó, cách đây 76 năm, thực hiện lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến (23/9/1945) của Chủ tịch Hồ Chí Minh và để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp tái xâm lược lần thứ 2, Hội thánh Cao đài Minh chơn đạo do cụ Cao Triều Phát – Phó Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Bạc Liêu, ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa 1, quyền Chưởng quản Hiệp Thiên đài – Hội thánh Cao đài Minh chơn đạo, Tổng Trưởng Thanh niên Đoàn đạo đức Hậu Giang đã chủ trì cuộc “Khoáng đại hội nghị” tại Tòa thánh Ngọc Minh ở Giồng Bốm nhân đại Lễ Hạ ngươn vào 2 ngày 19 – 20/11/1945 (tức 14 – 15/10/1945 âm lịch) ngay thời điểm Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, tòa thánh vừa mở cửa với sinh khí vô cùng phấn khởi.

Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (bên phải) trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm trận Giồng Bốm năm 1946 cho đại diện UBND tỉnh Bạc Liêu.

Hội nghị đã thống nhất lấy Tòa thánh Ngọc Minh làm đại bản doanh để kháng chiến chống thực dân Pháp. Với khẩu hiệu “Cứu nước là cứu đạo”, các tín đồ quyết hy sinh tài sản, tính mạng để cứu nước, bảo vệ nền đạo. Hội nghị đã suy tôn cụ Cao Triều Phát làm tổng chỉ huy. Tại hội nghị, cụ Cao Triều Phát ra lời hiệu triệu và động viên các chức sắc, chức việc, thanh niên đoàn đạo đức hưởng ứng Ngày Nam bộ kháng chiến bằng hành động cụ thể của mỗi người, mỗi nhà, của từng họ đạo trong toàn phái Minh chơn đạo…

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử Trận Giồng Bốm năm 1946, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tổ chức lập hồ sơ khoa học đề nghị và được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2011. Từ đó đến nay, di tích được giao cho Ban Trị sự Thánh thất Ngọc Minh trực tiếp bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị.

Ngày 1/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3088 về việc xếp hạng di tích Quốc gia Địa điểm Trận Giồng Bốm (1946). Đây vừa là vinh dự, niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của tỉnh Bạc Liêu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Địa điểm Trận Giồng Bốm gắn với phát triển du lịch và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ một cách có hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Di tích Quốc gia Trận Giồng Bốm (xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết Địa điểm Trận Giồng Bốm, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là di tích lịch sử Cấp quốc gia, đúng vào dịp Kỷ niệm 76 năm ngày diễn ra Trận Giồng Bốm (15/4/1946 – 15/4/2022), đây là niềm vinh dự, tự hào, niềm vui chung của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhất là các chức sắc, tín đồ Hội thánh Cao đài Minh Chơn Đạo.

Đồng thời, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều đề nghị Sở Văn hóa – Thông tin, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích; tổ chức xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch và huy động tốt các nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo thêm nhiều hạng mục, công trình, tạo vẻ mỹ quan di tích; từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch... để kết nối tour, tuyến du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu lịch sử và du lịch của du khách.

Cùng đó, Sở tổ chức nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan đến Trận Giồng Bốm năm 1946 và thân thế, sự nghiệp cụ Cao Triều Phát để trưng bày tại di tích. Các cơ quan báo chí trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị lịch sử Trận Giồng Bốm năm 1946; thân thế, sự nghiệp cụ Cao Triều Phát.

Song song đó, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cũng yêu cầu Sở tăng cường công tác giáo dục truyền thống trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên... về giá trị lịch sử của sự kiện quan trọng này, qua đó góp phần nâng cao lòng tự hào và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo của thế hệ trẻ trong công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập. Địa phương cần quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, gia đình người nghèo, gia đình có người thân hy sinh trong Trận Giồng Bốm...

Nhân dịp này, UBND tỉnh Bạc Liêu đã trao bằng khen có 3 tập thể và 4 cá nhân có nhiều đóng góp trong giữ gìn bảo vệ di tích lịch sữ Giồng Bốm; 40 gia đình liệt sĩ được UBND tỉnh và gia đình cụ Cao Triều Phát tặng quà.

Đọc thêm