Tại Lễ trao giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn lần thứ II năm 2024, diễn ra tối 10/12, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải cho biết, chất lượng các tác phẩm độ đồng đều cao, chủ đề các tác phẩm tham dự giải đa dạng, phong phú, phản ánh sâu sắc quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang mô hình kinh tế đa giá trị, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất theo chuỗi giá trị.
|
Trao giải cho các tác phẩm đoạt giải. Ảnh Ngọc Quang |
Ban Tổ chức đã nhận được 1.950 tác phẩm hợp lệ từ hơn 200 cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương gửi về tham dự giải. Ban sơ khảo đã chọn ra 70 tác phẩm vào vòng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã chấm độc lập, sau đó họp và chọn ra 42 tác phẩm xuất sắc để trao 2 giải A, 4 giải B, 6 giải C, 10 giải Khuyến khích và 20 giải Chuyên đề. Tổng giá trị các giải thưởng là 540 triệu đồng.
Ban Tổ chức Giải đánh giá, phần lớn các tác phẩm tham dự giải phản ánh sâu sắc quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình kinh tế đa giá trị, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn. Đã có rất nhiều tác phẩm xuất sắc tập trung viết, phản ánh về hình mẫu người nông dân mới, văn minh, chuyên nghiệp, như tác phẩm: “Cái bắt tay với nông dân” của tác giả Xích Lô, bút danh của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; “Đi tìm nghìn lẻ một cách làm giàu của nông dân" của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng; "Giàng A Hiếu - Người đánh thức "xứ sở hạnh phúc" Suối Giàng" của tác giả Phùng Thị Hồng Hạnh (Báo Đầu tư)… Mỗi tác phẩm đã khắc họa lên được chân dung và cả sự chuyển mình của người nông dân trong thời kỳ mới.
Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Sự tham gia của các tác giả cả chuyên và không chuyên đã chứng minh sự hấp dẫn, sức lan tỏa của giải báo chí chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta. Mỗi tác phẩm báo chí thực sự là nguồn tư liệu quý giá để các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo trong xây dựng cơ chế, chính sách; Là nguồn động viên, cổ vũ kịp thời đến người nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát huy hơn nữa vai trò chủ thể, trung tâm của mình”.