Trật tự an toàn học đường

Gần đây, hiện tượng tiêu cực trong xã hội đã tác động trực tiếp đến sinh hoạt và học tập của các em học sinh. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng do chính các em học sinh gây ra đã gây hoang mang, lo lắng, bức xúc cho gia đình, nhà trường và xã hội. Các trường đã chủ động phối hợp với lực lượng công an và gia đình thực hiện nhiều biện pháp giáo dục các em học sinh chấp hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý…

Gần đây, hiện tượng tiêu cực trong xã hội đã tác động trực tiếp đến sinh hoạt và học tập của các em học sinh. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng do chính các em học sinh gây ra đã gây hoang mang, lo lắng, bức xúc cho gia đình, nhà trường và xã hội. Các trường đã chủ động phối hợp với lực lượng công an và gia đình thực hiện nhiều biện pháp giáo dục các em học sinh chấp hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý… Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn hạn chế, việc xử lý, chấn chỉnh những sai phạm còn chậm, thiếu tính triệt để, thường xuyên. Kỷ cương, kỷ luật và công tác quản lý học sinh chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ. Một số biện pháp giáo dục, rèn luyện đối với học sinh về phẩm chất đạo đức, lối sống hiệu quả chưa cao…

Học sinh Trường THPT Nguyễn Bính (Vụ Bản) trong giờ tập thể dục, nâng cao thể chất.
Ảnh: Xuân Thu

Đáng lo ngại, việc một số học sinh đi học mang theo dao, kéo với lý do để “phòng thân” không phải là chuyện hiếm. Tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học rất đáng báo động, nhiều em dành thời gian cho chơi điện tử, truy cập internet… hơn là tập trung việc học tập. Học sinh vi phạm luật lệ an toàn giao thông diễn ra phổ biến.  Đáng lưu ý, nhiều em học sinh bị các đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục, kích động, ép buộc tham gia vào các hoạt động phạm tội hình sự, nghiện hút, tệ nạn xã hội, trong đó có cả các loại tội phạm nguy hiểm…

Để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn học đường, cần đánh giá toàn diện thực trạng học sinh vi phạm kỷ luật và pháp luật ở các trường, các cấp học; xác định rõ những nguyên nhân làm nảy sinh vi phạm.

Các gia đình phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các đồ dùng học tập, sách vở của các em trước khi đến trường, không để các em mang theo hung khí; phụ huynh có con em học cùng lớp nên thường xuyên liên lạc với nhau để trao đổi và biết thêm những thông tin, qua đó sớm phát hiện những biểu hiện, dấu hiệu sa sút trong học tập, lệch lạc trong lối sống, thậm chí nghi vấn liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật để chủ động phối hợp phòng ngừa, giáo dục, quản lý chặt chẽ. Trường hợp cần thiết thì gia đình và nhà trường có thể phối hợp với lực lượng công an, đội thiếu niên, đoàn thanh niên để có biện pháp phù hợp theo dõi, giám sát, cảm hoá, ngăn chặn hành vi vi phạm kịp thời./.

Phạm Như Hùng

Đọc thêm