Bao nhiêu năm nay thiếu nhi vẫn “khát” những chương trình, ấn phẩm giải trí dành riêng cho lứa tuổi mình. Mùa hè đang đi qua nhưng nhìn lại, số lượng phim dành cho thiếu nhi được phát sóng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Chương trình truyền hình dành cho khán giả nhỏ tuổi cũng quá ít, không đa dạng, thiếu sự thu hút. Sách văn học cho đối tượng này cũng không có. Phim truyền hình nhỏ giọt Nếu như những mùa hè trước có những bộ phim ấn tượng như Xóm cào cào, Kính vạn hoa, Ngũ quái Sài Gòn... thì có thể nói mùa phim thiếu nhi hè năm nay thất bát, lên sóng nhỏ giọt và chưa thật sự để lại dấu ấn. Nhiều kênh truyền hình phải phát lại những phim cũ, cộng thêm một số phim nước ngoài để đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức cho khán giả nhỏ tuổi. Dù vậy, thời lượng phát sóng và những đầu phim ít ỏi vẫn không thể giải “cơn khát” phim mùa hè cho các em thiếu nhi.
|
Cảnh trong phim Ngôi đền cổ tích, đang phát sóng vào lúc 19 giờ trên kênh HTV7. Ảnh: C.T.V |
Vẫn có phim lên sóng nhưng thực tế có thể nhìn nhận rằng sức hấp dẫn của các phim thiếu nhi gần đây giảm dần khi các đoàn phim cũng hòa mình vào guồng máy làm phim tốc độ hiện nay, mà theo đạo diễn Mỹ Khanh là “đã khác hồi xưa nhiều”. “Làm nhanh, làm vội thì phim nhạt là điều khó tránh khỏi” – một đạo diễn từng làm phim cho thiếu nhi trăn trở. Vấn đề nan giải chính là kịch bản phim. Nhiều đạo diễn có cùng ý kiến là kịch bản phim cho thiếu nhi vô cùng khan hiếm. Đạo diễn Chu Thiện nói: “Tìm được một kịch bản hay không dễ chút nào. Bản thân tôi cũng từng nhận một số kịch bản phim cho thiếu nhi nhưng thấy các tác giả cứ viết theo trí tưởng tượng miên man, gán ghép cho các nhân vật nhí những hành động, suy nghĩ, lời nói mà các em không có”. Đạo diễn Mỹ Khanh chia sẻ: “Làm phim cho thiếu nhi khó nhất là thể hiện ngôn ngữ hình ảnh, cá tính nhân vật sao cho phù hợp với lứa tuổi các em, phải đồng điệu với tâm hồn trẻ thơ thì mới được các em đón nhận”. Các nhà làm phim tư nhân cũng không mặn mà lắm với đề tài này, do thực tế phim cho thiếu nhi khó tìm được nguồn tài trợ. Không nhiều phim được chọn phát sóng trong giờ vàng vì ảnh hưởng doanh thu quảng cáo của nhà đài, hầu hết được lên sóng lúc 19 giờ, với thời lượng mỗi tập phim chỉ 25 phút. Trong khi những phim đề tài tình yêu, gia đình vốn dễ khai thác và “ăn khách” hơn khi lên sóng. Một đạo diễn cũng nói rằng suốt một năm qua, ông được mời đạo diễn nhiều phim nhưng chưa nhận được từ các đơn vị sản xuất phim tư nhân nào một kịch bản phim dành cho thiếu nhi. Trong khi đó, các hãng phim của Nhà nước đáng lý phải có trách nhiệm sản xuất thì chẳng thấy quan tâm. Nói như thế để thấy rằng khi nhà sản xuất khước từ đề tài này, chạy theo lợi nhuận thì thiệt thòi thuộc về các em nhỏ. Đạo diễn Đỗ Phú Hải góp vào một khó khăn khác, một góc nhìn khác: “Làm phim cho thiếu nhi là một thách thức với đoàn phim. Hầu hết phim đều phải quay trong mùa hè, thời điểm duy nhất các diễn viên nhí có thể tập trung thời gian để đóng phim. Vậy nên số lượng phim cho thiếu nhi mỗi năm ít ỏi cũng là điều dễ hiểu”. Hiếm chương trình thu hút Trong khi màn ảnh nhỏ tràn ngập những chương trình giải trí, game show cho người lớn thì lại thưa vắng chương trình dành cho các em nhỏ. Điểm lại cũng chỉ có những chương trình quen thuộc như Đồ Rê Mí, Chúc bé ngủ ngon, Thế giới ABC, Bé làm họa sĩ cùng một vài game show như Lăng kính thông minh, Tuổi thơ khám phá, Thần đồng đất Việt, phiên bản Việt chương trình Chơi với tôi Seasame... Tuy nhiên, có thể thấy rằng những chương trình này chưa thật sự làm cho các khán giả nhí say mê, có cảm giác được nhập cuộc, đắm mình thật sự vào thế giới của các em. Đạo diễn Đỗ Phú Hải cũng nhìn nhận chương trình truyền hình cho thiếu nhi vẫn có nhưng thật sự thất bại do cách làm chưa thu hút được đối tượng khán giả nhí, ông lý giải: “Người lớn đang áp đặt suy nghĩ của mình cho các em, gán cho các em những hành động và cả tư duy của người lớn. Dù những người dẫn dắt chương trình có cố “cưa sừng làm nghé” thì cũng khó mang đến sức thu hút thật sự. Hãy nhìn vào những chương trình thiếu nhi của nước ngoài, họ luôn để các em nhỏ được hòa mình vào thế giới kỳ bí với hình ảnh những động vật đáng yêu. Đó là cách để các em thật sự say mê, học hỏi và cảm thụ nhanh nhất ý nghĩa giáo dục của một chương trình. Làm được một chương trình truyền hình có sức thu hút thật sự, cần phải nghiên cứu rất kỹ chứ không phải làm đại, làm bừa, không phải chỉ hài hước chọc cười hay trải đủ màu sắc trên sân khấu là được”. Thật vậy, các chương trình dành cho thiếu nhi chỉ phát sóng trong thời gian mặc định ngắn ngủi và không nhiều chương trình tạo được điểm nhấn. Một số kênh truyền hình được quy hoạch xây dựng chương trình cho thiếu nhi, trong thời gian qua cũng đã quên mất nhiệm vụ này. Đạo diễn phim Gia đình phép thuật nêu ý kiến: “Rất cần có một kênh riêng biệt dành cho thiếu nhi để các em thật sự được đắm mình trong đó. Nếu mình chưa làm được những chương trình hay cho các em thì hãy bắt đầu bằng những chương trình của nước ngoài”.
Theo Tiểu Quyên
NLĐ
NLĐ