Trẻ nổi hạch cổ, coi chừng bệnh nặng

QTV - Sốt cao kèm nổi hạch ở cổ, mẹ chỉ mua thuốc giảm đau cho uống, đến ngày thứ tư sau khi phát bệnh, bé gái lên cơn co giật rồi bất tỉnh.

QTV - Sốt cao kèm nổi hạch ở cổ, mẹ chỉ mua thuốc giảm đau cho uống, đến ngày thứ tư sau khi phát bệnh, bé gái lên cơn co giật rồi bất tỉnh.

Bệnh nhi nguy kịch vì hạch cổ điều trị tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: Bác sĩ Minh Tiến.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), bé gái 2 tuổi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co giật, khó thở, cổ sưng tấy, đỏ hốc mắt, da nổi bông toàn thân, mạch đập yếu.

Các xét nghiệm cấp cứu cho thấy bé có biểu hiện nhiễm trùng nặng. Kết quả cấy máu và cấy dịch phế quản xác định bệnh nhi bị nhiễm phế cầu khuẩn có tên khoa học là pneumococcus.

Mẹ cháu cho hay, ba ngày trước khi nhập viện, cổ bé càng ngày càng sưng to và có dấu hiệu nhiễm trùng. "Tôi đã mua thuốc ở hiệu thuốc cho bé uống nhưng đến ngày thứ tư sau khi nổi hạch, con tôi yếu dần rồi thở yếu”, người mẹ nói.

Sau hơn một tuần điều trị kháng sinh đặc hiệu phối hợp với thở máy, điều chỉnh nước điện giải và nuôi ăn qua tĩnh mạch tại khoa Cấp cứu Hồi sức, đến nay bệnh nhi mới dần tỉnh táo.

Cùng bị nổi hạch ở cổ nhưng chủ quan không đến bệnh viện thăm khám mà nghe theo lời thầy lang đắp lá cây và vẽ bùa, bé trai 3 tuổi ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhập viện trong tình trạng mê man với cổ sưng to, lở loét. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm phế cầu. Phải mất gần một tháng điều trị, bé mới may mắn khỏi bệnh.

Một trường hợp khác, bé Nguyễn Tuấn Anh, 6 tuổi ở Nam Cát Tiên (Đồng Nai) được đưa đến bệnh viện nhi của tỉnh trong tình trạng nguy kịch với một bên cổ lở loét và sưng to. Xét nghiệm sau đó cũng cho thấy bé bị nhiễm trùng do phế cầu. Bệnh nhi được chuyển đến TP HCM cấp cứu gần nửa tháng mới hồi phục.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, nguyên nhân viêm hạch cổ thường do nhiễm khuẩn như tụ cầu, phế cầu, liên cầu, hoặc là triệu chứng của nhiều bệnh, từ các bệnh viêm của đường hô hấp trên như viêm loét amiđan, viêm họng, viêm tuyến nước bọt. Hiếm hơn do bệnh lý miễn dịch, bệnh chuyển hóa, bệnh lý ác tính.

Không ít lần tiếp nhận điều trị những ca nổi hạch cổ nhưng nhập viện muộn khiến bệnh đã nghiêm trọng đe dọa tính mạng, bác sĩ Tiến khuyên phụ huynh khi thấy con em bị sốt và nổi hạch cổ cần đưa đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám tìm hiểu nguyên nhân, điều trị kịp thời.

Với hạch do nhiễm phế cầu, để phòng bệnh, ngoài việc giữ gìn vệ sinh cơ thể cho bé, ngoài ra bố mẹ cũng có thể đưa bé đi tiêm văcxin để ngừa.

Theo VnExpress

Đọc thêm