“Treo” gần 2.000 việc vì án tuyên không rõ

 Nhìn vào những con số mà ngành thi hành án dân sự (THADS) đạt được trong năm nay, có thể rõ sự chuyển biến đồng đều trên mọi mặt công tác, trong đó, nhiều lĩnh vực tạo ra những bứt phá quan trọng. Dù vậy, tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành vẫn tồn tại như một căn bệnh kinh niên.
Nhìn vào những con số mà ngành thi hành án dân sự (THADS) đạt được trong năm nay, có thể rõ sự chuyển biến đồng đều trên mọi mặt công tác, trong đó nhiều lĩnh vực tạo ra những bứt phá quan trọng. Dù vậy, tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành vẫn tồn tại như một căn bệnh kinh niên.
Trao đổi nghiệp vụ THA. Ảnh minh họa

Vượt chỉ tiêu cả về việc và tiền

Báo cáo công tác THA và đặc xá năm 2011 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: năm 2011 tổng số việc toàn ngành phải thi hành là 632.545 việc, tăng hơn 17 ngàn việc so với năm 2010; đã thi hành xong gần 380 ngàn việc/ số có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 88% (vượt chỉ tiêu 7%), tăng hơn 28 ngàn việc so với năm 2010; thu số tiền trên 10 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 76% so số tiền có điều kiện thi hành (vượt chỉ tiêu hơn 15%).

Năm 2011, hành lang cho công tác THADS cũng ngày càng được hoàn thiện, cơ sở vật chất trang thiết bị ngày càng được quan tâm. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức THA được củng cố kiện toàn một bước. Các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường thanh, kiểm tra với công tác THADS nhưng không phát hiện những vi phạm, khuyết điểm lớn.

Gần 2.000 vụ tuyên không rõ, khó thi hành

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng chỉ rõ những hạn chế tồn tại trong công tác THADS. Đáng lo nhất là trong tổng số việc còn phải thi hành chuyển sang kỳ sau, tuy có giảm so với năm 2010, nhưng vẫn cao (234.600 việc). Đội ngũ cán bộ dù được kiện toàn một bước song vẫn còn tình trạng chấp hành viên, cán bộ vi phạm, bị xử lý tăng 24 trường hợp so với năm 2010 và đã có 4 trường hợp bị khởi tố hình sự. Ở nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng, quá tải công việc của chấp hành viên nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn.

Đặc biệt, tình trạng án tuyên không rõ, khó thi hành vẫn tồn tại như một căn bệnh kinh niên. Tính đến ngày 30/9/2011, tổng số việc do án tuyên không rõ, khó thi hành là 1.978 vụ việc, trong đó, số việc do án tuyên không rõ, có sai sót là 911 việc; số việc do bản án, quyết định có căn cứ kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 276 việc; số việc do án tuyên khó thi hành là 791 việc. Không ít bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải xét xử lại nhiều lần, kết quả các lần xét xử lại trái ngược nhau, đặc biệt, có một số vụ việc, cơ quan THADS đã tổ chức thi hành xong, nhưng bản án bị kháng nghị hủy bỏ, đã gây khó khăn, phức tạp cho việc THA và xử lý hậu quả của việc kháng nghị đó.

Giải quyết vấn đề này, Chính phủ đề nghị TANDTC, VKSNDTC tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc xử lý, khắc phục tình trạng án tuyên không rõ, có sai sót hoặc khó thi hành. Đồng thời để giải quyết những vụ việc tồn đọng lâu năm, không thể thi hành, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho chủ trương về việc xây dựng Đề án rà soát, xử lý việc THADS tồn đọng, trong đó có việc đề nghị cho miễn THA khoản nộp ngân sách Nhà nước đối với vụ việc đương sự hoàn toàn không có điều kiện THA.

Đề nghị kéo dài thời gian thí điểm thừa phát lại

Khẳng định kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại trong thời gian qua đã hỗ trợ và tác động tích cực đến một số hoạt động tư pháp, khẳng định chủ trương tái lập chế định Thừa phát lại theo Chiến lược Cải cách tư pháp của Đảng ta là cần thiết và hoàn toàn đúng đắn, nhưng Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cho phép kéo dài thời gian thí điểm chế định này đến 01/7/2014 (Nghị quyết của Quốc hội là đến tháng 7/2012) vì đây là công việc mới, thực hiện còn nhiều khó khăn, lúng túng.

Thu Hằng

Đọc thêm