Trị ''bệnh'' non kém về bản lĩnh chính trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong khi nhiều cán bộ, đảng viên hăng hái, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thực hiện triệt để các chương trình, kế hoạch mà cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng thì ở đâu đó trong bộ máy chính quyền tồn tại những cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị yếu kém, thiếu ý chí, khát vọng vươn lên, “bàn lùi”, hay đòi hỏi.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII biểu quyết thông qua chương trình hội nghị lần thứ tư.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII biểu quyết thông qua chương trình hội nghị lần thứ tư.

Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là sự cấu thành của nhiều yếu tố như nhận thức, nhãn quan, lập trường... Phẩm chất chính trị giúp cán bộ, đảng viên làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh thực tiễn và kiểm soát được hành vi, thái độ để vượt qua khó khăn, thách thức của cuộc sống, nêu cao tấm gương đảng viên trước quần chúng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng.

Hiện nay, trong các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tồn tại không ít hiện tượng cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị yếu kém. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ những trường hợp suy thoái về chính trị, trong đó có các biểu hiện sa sút ý chí phấn đấu, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao…

Hiện tượng làm việc hời hợt, thiếu khát vọng, không dám dấn thân ở cán bộ, đảng viên hiện nay thường tồn tại ở những người đã ổn định vị trí công tác hay những cán bộ đã được bổ nhiệm giữ các chức vụ nhất định. Nó có thể xuất phát từ các mâu thuẫn trong phương pháp làm việc; do không được cấp ủy, lãnh đạo đánh giá đúng năng lực và bị đưa vào các lĩnh vực công tác không đúng sở thích, sở trường, trình độ... Hoặc xuất hiện ở những cán bộ, đảng viên có tư tưởng kén chọn, mong ở nơi nhiều bổng lộc hơn những nơi gian khó.

Gần đây, tại kỳ họp thứ chín (ngày 9-4), Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã quyết định kiến nghị cấp trên kỷ luật nghiêm khắc nguyên 4 cán bộ Sở Kế hoạch - Đầu tư do đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi của các cá nhân trên là không chịu tu dưỡng, phấn đấu...

Đáng nói, khi nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ở một số địa phương, đơn vị vướng lao lý do có sai phạm trong quá trình công tác, có tình trạng “sợ trách nhiệm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, dẫn đến việc “né” trách nhiệm bằng văn bản “xin ý kiến cấp trên” đối với nhiều công việc thuộc quyền giải quyết… Ngày 12-2-2020, tại phiên họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã nhấn mạnh đến việc chống “vi rút trì trệ”, không chịu làm việc của cán bộ, từ trung ương tới địa phương.

Có nhiều nguyên nhân lý giải về hiện tượng bản lĩnh chính trị yếu kém trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhưng xét đến cùng thì chất lượng công tác thấp của cá nhân là hệ quả từ tinh thần trách nhiệm yếu kém, thiếu ý chí, thiếu khát vọng, không dám dấn thân. Đây cũng là nguyên nhân sinh ra một bộ phận cán bộ, đảng viên “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà không rõ công việc, không rõ sản phẩm. Ở tầm vĩ mô thì thấy rằng, tư duy quản lý nặng về cơ chế “xin - cho” là nguyên nhân gây ra tình trạng cán bộ, đảng viên giảm nhiệt huyết, e ngại trong công tác.

Để phòng, chống “bệnh” non kém về bản lĩnh chính trị như nêu ở trên thì vấn đề quan trọng nhất là công tác lãnh đạo, tổ chức và triển khai nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cần được tiến hành một cách khoa học, dân chủ, rõ ràng và minh bạch. Cần làm tốt hơn nữa công tác giao việc và đánh giá cán bộ qua những việc làm cụ thể, tiêu chí cụ thể; chỉ rõ danh tính những nhân vật quen thói dựa dẫm, ỷ lại và đùn đẩy để cảnh báo, nhắc nhở và đặt ra thời gian cho họ sửa chữa.

Đồng thời có giải pháp động viên, khuyến khích những người sáng tạo, mạnh dạn áp dụng sáng kiến, nâng cao chất lượng công tác. Tăng cường công tác kiểm tra và coi trọng kiểm tra thực chất, tránh tuyệt đối cách kiểm tra “cưỡi ngựa xem hoa” hoặc kiểm tra lấy lệ, chỉ để cho đủ quy trình lãnh đạo, quản lý.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần chú trọng tạo cơ chế quản lý chặt chẽ từ xác định vị trí việc làm, bố trí nhân sự tới nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức... để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn cũng như có đủ bản lĩnh vượt qua khó khăn thử thách.

Cần triển khai rộng cơ chế thi tuyển cán bộ quản lý nhằm lựa chọn tốt nhất người có phẩm chất và năng lực. Trong đó, quy chế thi tuyển phải chặt chẽ, khách quan, nhằm loại trừ tác động của mọi yếu tố thân hữu, tiêu cực giữa người tổ chức thi, người chấm thi và người thi. Thêm nữa, cần tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch lại chức năng, nhiệm vụ trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, giảm nhân lực...

Mới đây, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) đã thông qua Nghị quyết về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.

Một trong những vấn đề được Thành ủy hướng tới là sẽ đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ; kiên quyết thay thế, điều chuyển cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thiếu tập trung, quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tín nhiệm thấp, bè cánh gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, có sai phạm nhưng chưa đến mức kỷ luật... không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu...

Triển khai sớm các giải pháp ngăn chặn quyết liệt, hiệu quả "căn bệnh" bản lĩnh chính trị non yếu, không để lây lan trong tổ chức, là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Đây cũng là việc cần làm ngay để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đi vào cuộc sống.

Đọc thêm