Triển khai thống nhất các quy định mới trong công tác thi hành án dân sự

(PLVN) -Ngày 13/10, Tổng cục THADS đã phối hợp với Dự án JICA tổ chức Hội thảo trực tuyến “Những điểm mới của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, quá trình áp dụng và một số vấn đề cần lưu ý” do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn chủ trì. Về phía JICA, có ông Nagahashi Masanori, Thẩm phán, Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA tham dự tại điểm cầu trực tuyến tại Nhật Bản.
Triển khai thống nhất các quy định mới trong công tác thi hành án dân sự

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Sơn nhận định: Sau 4 năm thực hiện, các quy định của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước nói chung và kết quả công tác THADS nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy Nghị định số 62 cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Để kịp thời khắc phục những bất cập, tăng cường bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác THADS, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62. Ngày 17/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/5/2020. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai những điểm mới của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP và hướng dẫn, giải đáp, lưu ý những nội dung mới cơ bản cho địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện. Nhân dịp này, các cơ quan THADS Việt Nam cũng mong muốn trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ phía Nhật Bản để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác THADS.

 

Còn ông Nagahashi Masanori, Thẩm phán, Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA đánh giá Nghị định số 33/2020/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng vì mang tính chất hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án. Song, Nghị định này không thể giải quyết triệt để tất cả các vấn đề trong thực tiễn, do vậy Hội thảo là cơ hội để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về các quy định mới, từ đó có những lưu ý khi triển khai các nội dung này.

 

Tại Hội nghị, ông Đặng Văn Huy, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS đã giới thiệu tổng quan những điểm mới cơ bản của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung 13 nhóm nội dung lớn về: trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu THA; thời hiệu yêu cầu THA; thỏa thuận THA; ra quyết định THA; xác minh điều kiện THA; thông báo THA; áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế; ủy thác THA; kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản THA; thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản THA; tương trợ tư pháp về dân sự trong THA; việc xuất cảnh của người phải THA; hồ sơ đề nghị miễn nhiệm Chấp hành viên; thẩm quyền quy định tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm tra viên, Thư ký THA.

 

Theo đại diện Cục THADS TP.Hà Nội, một số thuật ngữ của Nghị định số 33 còn tạo ra cách hiểu khác nhau nên cần hướng dẫn kỹ để áp dụng thống nhất. Ví dụ như tại Khoản 1, Điều 13 quy định: “Chấp hành viên được áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 130 Luật THADS”. Ông Sơn cho rằng sử dụng cụm từ “áp dụng biện pháp bảo đảm” là chưa phù hợp vì trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chấp hành viên có thể tiến hành cưỡng chế ngay mà không cần ban hành quyết định cưỡng chế. Do vậy, sử dụng cụm từ “thực hiện cưỡng chế” sẽ cụ thể, phù hợp hơn.

Ngoài ra, quy định tại Khoản 3, Điều 27: “Trường hợp trong cùng một cuộc đấu giá mà có nhiều tài sản được đấu giá để thi hành án thì cơ quan THADS yêu cầu tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá theo thứ tự từ tài sản có giá trị lớn nhất. Trường hợp số tiền thu được đã đủ để thi hành nghĩa vụ và các chi phí theo quy định thì không tiếp tục đấu giá các tài sản còn lại”. Quy định này sẽ tạo thuận lợi trong việc thu tiền thi hành án tuy nhiên đối với trường hợp người tham gia đấu giá đã đặt cọc tiền mà lại không tiếp tục đấu giá các tài sản còn lại thì sẽ xử lý thế nào?

Còn đại diện Cục THADS TP.HCM nêu lên một trong những điểm mới của Nghị định 33 đó là Chấp hành viên có thể tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói; buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất hoặc các biện pháp cần thiết khác để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế này chưa được quy định tại Luật THADS nên cần hướng dẫn cụ thể hơn để hạn chế các rủi ro phát sinh. Ngoài ra, cũng cần hướng dẫn thêm về nội dung liên quan tới chi phí xác minh tài sản thi hành án (ví dụ như chi phí khai thác thông tin tài sản tại văn phòng đăng ký đất đai) bởi hiện vẫn chưa có quy định cụ thể.

Đọc thêm