Triển lãm hiếm có của bộ tứ đình đám dòng tranh Đông Dương

0:00 / 0:00
0:00
Tại triển lãm “Timeless Souls: beyond the Voyage – Hồn xưa bến lạ”, hơn 50 tác phẩm của danh hoạ Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm sẽ được trưng bày.
Một số tác phẩm tranh Đông Dương sẽ được trưng bày tại triển lãm.
Một số tác phẩm tranh Đông Dương sẽ được trưng bày tại triển lãm.

Thông tin trên làm nức lòng giới mộ điệu hội hoạ Việt bởi đây là triển lãm hiếm có từ phía đơn vị tổ chức lẫn quy mô tác phẩm.

Timeless Souls: beyond the Voyage – Hồn xưa bến lạ là triển lãm đầu tiên của Sotheby’s – hãng đấu giá tranh lâu đời thứ 3 trên thế giới, tổ chức tại Việt Nam.

“Sự kiện này không những đánh dấu mốc với vai trò triển lãm đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức bởi một nhà đấu giá quốc tế, mà còn là một trong những triển lãm tranh Đông Dương với quy mô lớn nhất tại đây”, lời giới thiệu từ đơn vị tổ chức.

Triển lãm sẽ trưng bày hơn 50 tác phẩm của bộ tứ danh hoạ gồm hoạ sĩ Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm. Đây là những danh hoạ tốt nghiệp từ các khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux-Arts de l'Indochine - EBAI).

Thời gian qua, tranh của hoạ sĩ Lê Phổ và Mai Trung Thứ liên tục lập kỷ lục về giá trên sàn quốc tế. Bức Chân dung cô Phương (Portrait of Mademoiselle Phuong) của Mai Trung Thứ đạt 3,1 triệu USD trong đợt đấu giá tháng 4/2021. Danh hoạ Lê Phổ cũng có 4 tranh cán mốc triệu đô gồm Thiếu nữ choàng khăn (1,1 triệu USD), Khoả thân (1,4 triệu USD), Đời sống gia đình (1,1 triệu USD) và Dáng hình trong vườn (2,28 triệu USD).

Timeless Souls: beyond the Voyage – Hồn xưa bến lạ do Sotheby’s bảo trợ và nhà nghiên cứu nghệ thuật độc lập Ace Lê được mời tham gia dưới tư cách giám tuyển khách mời.

Thông tin về triển lãm đang được giới mộ điệu hội hoạ quan tâm.

Thông tin về triển lãm đang được giới mộ điệu hội hoạ quan tâm.

“Loạt tác phẩm này là một lát cắt minh họa cho giai đoạn sáng tác ở hải ngoại của 4 họa sĩ, thể hiện tâm thế luôn hướng về quê hương thông qua những tuyến chủ đề quen thuộc bắt nguồn từ mạch ký ức, hoài niệm của mỗi người – hoa cỏ và cảnh quan, gia đình và phong tục, văn hóa và kiến trúc, giá trị và tư tưởng – đan xen và hòa quyện với những góc tiếp cận mới mẻ thu nạp được từ quãng đời viễn xứ tại Pháp”, ban tổ chức thông tin.

Chia sẻ trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu Ace Lê cho biết đây là sự kiện cần thiết để mở rộng sự tiếp cận tới công chúng cho các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương. Đặc biệt, trong bối cảnh giá tranh Đông Dương tăng phi mã và tình trạng thẩm định tranh còn nhiều tồn tại, cần tham vấn các nhà học giả người Việt.

“Thiết nghĩ, đây sẽ là một bước tiến tích cực trên con đường xây dựng một thị trường tranh Việt minh bạch, uy tín”, nhà nghiên cứu Ace Lê nhận định.

Triển lãm diễn ra từ 11 – 14/7 tại số 2 Lam Sơn, quận 1, TPHCM. Sự kiện diễn ra với một số yêu cầu về thời gian thưởng lãm, chia theo các khung giờ khác nhau để giới hạn lượng người xem.

Đọc thêm